Thay mặt Khoa Kỹ Thuật Y Sinh của trường Đại học Quốc Tế thuộc Đại Học Quốc Gia thành phố HCM chúng tôi xin chào mừng các bạn đã đến với trang mạng của Khoa.


Khoa Kỹ Thuật Y Sinh (KTYS) được thành lập vào tháng 3 năm 2009 theo mô hình mới nhằm thiết lập một cơ sở cho sinh viên và giảng viên cùng học tập, nghiên cứu và kinh doanh. KTYS là một ngành về khoa học sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới về mọi phương diện và đóng vai trò trụ cột trong việc phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Đây là một ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam và Đại Học Quốc Tế là nơi duy nhất cấp bằng Kỹ Sư KTYS và Thạc Sĩ KTYS với chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là xây dựng Khoa thành một Trung Tâm Xuất Sắc KTYS của vùng Đông Nam Á. Điều này được thể hiện trong phương châm của khoa: Chất Lượng Cao, Bền Vững và Hữu Ích. Chúng tôi phát triển các hoạt động dựa trên truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam và phong cách vận hành của phương Tây để đáp ứng nhu cầu cấp bách của đất nước và trang bị cho thế hệ trẻ khả năng thực hiện hoài bảo của mình. Khoa đã xây dựng cơ sở vật chất và phương cách hoạt động để tạo môi trường giúp sinh viên phát huy tối đa khả năng của mình, giúp giảng viên chuyên tâm nghiên cứu các đề tài chỉ có ở Việt Nam để tạo một bản sắc riêng hầu thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu quốc tế và giúp doanh nhân có cơ hội cộng tác để phát triển kinh tế.

Với ước vọng luôn phấn đấu hầu đạt được chất lượng cao nhất có thể để thành viên của Khoa KTYS (giảng viên, cán bộ và sinh viên) có thể sánh vai với đồng nghiệp năm châu cùng góp phần phục vụ cho cộng đồng, Khoa đã cố gắng không ngừng để đạt được chất lượng giáo dục đề ra bởi các cơ quan kiểm định chất lượng trong vùng (như AUN) và thế giới (như ABET Inc.).

AUN-QA.jpg

 

Vào tháng 10 năm 2015 Chương trình đào tạo Kỹ Sư của Khoa Kỹ Thuật Y Sinh được đoàn kiểm định chất lượng giáo dục AUN-QA đến đánh giá và cho điểm 5,1 (tối đa 7 điểm). Như vậy đây là chương trình đào tạo Kỹ Sư KTYS đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đã được đánh giá đạt chuẩn AUN-QA và là chương trình đạt điểm cao nhất trong tất cả các chương trình đại học của Việt Nam và cao nhì trong tất cả các chương trình ở Đông Nam Á đã được AUN đánh giá từ trước đến thời điểm đó. Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) gồm 30 trường đại học hàng đầu của 10 nước Đông Nam Á. AUN hoạt động với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác và tình đoàn kết giữa các chuyên gia, học giả, viện sĩ và nhà khoa học trong khu vực; phát triển nguồn nhân lực cho khối giáo dục và các ngành nghề khác trong khu vực; thúc đẩy hoạt động chia sẻ thông tin trong cộng đồng giáo dục ASEAN và nâng cao nhận thức về bản sắc khu vực và bản sắc ASEAN cho các thành viênVới thành tích này sinh viên tốt nghiệp Kỹ Sư Kỹ Thuật Y Sinh của trường ĐHQT sẽ được ưu tiên xét truyển với điều kiện đặc biệt vào chương trình Thạc Sĩ KTYS của trường. 

AUN-QA là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của toàn bộ chương trình đào tạo từ nhiều khía cạnh như chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên, và doanh nghiệp v.v… Vì vậy, kết quả kiểm định AUN-QA là một trong những yếu tố hữu ích, đáng tin cậy để phụ huynh và học sinh tham khảo trong quá trình chọn lựa trường và ngành.

 

 

ABET Logo

Vào tháng 12 năm 2018, Chương trình đào tạo Kỹ Sư của Khoa Kỹ Thuật Y Sinh được đoàn kiểm định chất lượng giáo dục ABET đến đánh giá. ABET là một tổ chức được thành lập bởi các hiệp hội ngành nghề tại Mỹ. Kiểm định theo chuẩn ABET đảm bảo một chương trình đào tạo thỏa mãn các tiêu chuẩn chất lượng được thiết lập bởi các chuyên gia trong nghề nghiệp mà chương trình này chuẩn bị cho sinh viên.  Do đó ABET trở thành một yếu tố quan trọng cho các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực liên quan.

 

Theo học một chương trình đạt kiểm định của tổ chức ABET, người học sẽ được:

  • Hưởng thụ một chương trình đào tạo có chất lượng đáp ứng được các yêu cầu nghề nghiệp, xác lập bởi các tổ chức chuyên nghiệp.
  • Gia tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp tăng cao do chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng bởi một tổ chức có uy tín quốc tế. Nhiều công ty nêu rõ ưu tiên tuyển dụng người làm tốt nghiệp từ các chương trình đã được kiểm định bởi ABET.
  • Nhận được những ưu đãi khi làm viêc cho các công ty của Mỹ, hoặc khi thi các chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức của Mỹ.

Đối với các phụ huynh, học sinh và học viên cao học muốn tìm hiểu về tuyển sinh của ngành KTYS, xin mời vào mục Tuyển Sinh.

Đối với quý vị muốn có cái nhìn tổng quan về những hoạt động của Khoa, xin mời tiếp tục đọc những thông tin dưới đây và theo dỏi chi tiết trong các mục khác trên trang mạng của Khoa. Các trang này liên tục được cập nhật để cung cấp cho quý vị những thông tin mới nhất.

Ngành KTYS và Hoạt động của Khoa

KTYS (Biomedical Engineering hay BioEngineering) là một lĩnh vực đa ngành, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để phát huy những phương pháp nghiên cứu mới và sáng tạo ra các thiết bị y tế (như máy X-quang, CT cắt lớp, trợ tim …) nhằm chữa trị và chăm sóc sức khỏe, cũng như giúp hiểu sâu hơn về các tiến trình sinh học của con người. Ngành này kết hợp mọi ngành kỹ thuật truyền thống, khoa học thuần túy hay ứng dụng, y, dược, nha, tâm lý học, quản trị và kinh doanh. Hoat động của Khoa nhắm vào 5 hướng chính như: Thiết Bị Y TếTín Hiệu và Hình Ảnh Y SinhKỹ thuật Dược, Y học tái tạo và Kinh Thầu Y Sinh, và kết hợp với nhau 3 yếu tố quan trọng là: Giáo dục và Đào tạo, Nghiên cứu  Kinh thầu.

Sau gần 7 năm hoạt động Khoa đã đạt được những thành quả như sau:

Về Giáo dục và đào tạo:

  1. Tính đến đầu năm 2016, Khoa có gần 300 sinh viên hiện đang theo học. Năm 2012 nhóm sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Kỹ sư KTYS. Năm 2015 nhóm sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Thạc Sĩ KTYS. Chương trình Tiến Sĩ KTYS sẽ được thành lập trong năm 2016.
  2. Giảng viên và sinh viên KTYS liên tục thiết lập những kỷ lục: Năm 2015 TS. Trần Hà Liên Phương, giảng viên, nhận được giải thưởng L’Oréal UNESCO trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng nghiên cứu cao quý này. Năm 2013 sinh viên Trần Thị Mỹ Khánh nhận được danh hiệu 5 tốt cấp Trung Ương đầu tiên của Đại Học Quốc Tế. Năm 2010 em Cù Gia Huy, học sinh trường Phổ Thông Năng Khiếu TP HCM đậu vào ngành KTYS với số điểm cao nhất Đại Học Quốc Gia TP HCM lập kỷ lục cho ĐHQT. Ngoài ra nhiều sinh viên KTYS khác đoạt nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước.
  3. Năm 2015 Khoa KTYS đạt kiểm định chất lượng giáo dục AUN-QA (ASEAN University Network-Quality Assessment) của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) với số điểm cao nhất trong tất cả các chương trình đại học của Việt Nam và cao nhì trong tất cả các chương trình ở Đông Nam Á.
  4. Với các tài trợ đã nhận được, Khoa đã xây dựng lên 8 phòng thí nghiệm với nhiều thiết bị độc nhất vô nhị ở Việt Nam hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu và đào tạo.
  5. Các giảng viên Tiến Sĩ cơ hữu của Khoa đều tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng nước ngoài trong các lãnh vực khoa học kỹ thuật tiên tiến. Trong số các giảng viên có cả bác sĩ y khoa lẫn dược sĩ. Do đó chương trình giảng dạy bao trùm các kiến thức thực tiển có liên quan đến khoa học sức khỏe và sự sống.
  6. Khoa thường xuyên nhận được các danh hiệu cao quý là Tập thể Học thuật Xuất Sắc của Đại Học Quốc Tế, Tập thể Nghiên cứu Khoa Học Xuất Sắc và Cá nhân nghiên cứu Xuất Sắc của Đại Học Quốc Gia, bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM, của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp trong Giáo dục và Đào tạo.

Về Nghiên cứu Khoa học:

Khoa phát triển theo 5 hướng:

  • Thiết Bị Y Tế (Medical Instrumentation): nhằm vào việc ứng dụng những kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu liên quan đến Điện, Điện tử, Viễn thông, Cơ khí, Tin học, Quang học để phát triển những thiết bị y tế tiên tiến và sử dụng chúng trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu cơ cấu sinh học của con người và kỹ thuật lâm sàng (clinical engineering) mới.
  • Tín Hiệu và Hình Ảnh Y Sinh (Biomedical Signal and Image Processing): nhằm vào việc khám phá ra các bệnh trước khi chúng gây ra tổn thương dựa trên các tín hiệu đo được như điện não, điện tim, điện cơ và điện mắt bằng nhiều phương pháp kể cả mô hình hóa (modeling) và mô phỏng (simulation). Hướng này cũng bao trùm việc xử lý sự tương quan giữa não và máy móc để người sử dụng có thể dùng tư duy để điều khiển các vật dụng chung quanh, cũng như việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence) hay phương pháp thực tại ảo (virtual reality) hay robot để hỗ trợ các hoạt động lâm sàng.
  • Kỹ thuật Dược (Pharmaceutical Engineering): nhằm vào việc nghiên cứu và chế tạo các thiết bị làm ra dược phẩm, các hệ vận chuyển và phóng thích thuốc có kiểm soát, và ứng dụng công nghệ nano và vi mạch trong y dược học. Tiếp cận công nghệ y dược nhằm chủ động nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm điều trị tiên tiến với mục tiêu không những đem lại hiệu quả điều trị cao mà còn nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu các tác dụng phụ cho bệnh nhân.
  • Y học tái tạo (Regenerative Medicine): nghiên cứu, chế tạo các vật liệu sinh học có cấu trúc tương tự cấu trúc mô hay cơ quan, và kết hợp với tế bào gốc của chính người bệnh để chữa trị nhanh chóng các vết thương hay thay thế các bộ phận hư hỏng của con người. Ngoài ra, ngành y học tái tạo còn nghiên cứu các sản phẩm nhằm phục vụ cho lĩnh vực thẩm mỹ của con người.
  • Kinh Thầu Y Sinh (Entrepreneurship in BME): nhằm vào việc nghiên cứu phương cách tối ưu để đưa sản phẩm ra thị trường, phương pháp mới để lãnh đạo và điều khiển công ty và bệnh viện trong lĩnh vực thiết bị y tế và kỹ thuật lâm sàng.

Giảng viên và sinh viên Khoa xuất bản điều đặn nhiều bài báo trong tạp chí trong nước, bài báo trong tạp chí quốc tế danh tiếng, kỷ yếu Hội nghị quốc tế do thành viên Khoa chủ biên và được nhà xuất bản danh tiếng Springer ấn hành, các bài báo cáo toàn văn trong kỷ yếu các hội nghị quốc tế. Giảng viên Khoa cũng đã đăng ký 3 bằng sáng chế.

Thêm vào đó hằng năm Khoa đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (Trọng điểm ĐHQG, NAFOSTED, Cấp trường, Sở khoa học công nghệ thành phố), liên kết với các cơ sở hoạt động khoa học ngoài ĐHQG và trên thế giới và tổ chức mỗi 2 năm Hội nghị quốc tế về KTYS quy tụ các nhà khoa học đầu tàu từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Về Kinh Thầu

Khoa đã thiết kế một dòng sản phẩm Thiết bị Y tế Viễn thông mà bệnh nhân có thể sử dụng tại nhà để giúp các bác sĩ chẩn đoán và can thiệp từ xa như: máy đo huyết áp và nhịp tim (máy Viễn Áp), máy Hô Hấp Ký, máy đo Điện tim, nút gọi y té khẩn cấp, v.v… Các sản phẩm này đã được các báo đài trong nước giới thiệu như là những sản phẩm có nhiều hứa hẹn. Khoa đã tham dự Chợ Công Nghệ Và Thiết Bị Quốc Tế Việt Nam 2012 (International Techmart Vietnam 2012) do Bộ Khoa Học và Công nghệ tổ chức và đã vinh dự nhận được 2 cúp vàng cho máy Viễn Áp và Xe Lăn Thông Minh do Khoa thiết kế. Khoa hiện đang làm việc với một cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao thành phố và hoạch định phương thức tối ưu để đưa máy Viễn Áp ra thị trường.

Hỗ trợ từ bên ngoài

Khoa đã dần nhận được nhiều sự hỗ trợ và cộng tác tích cực từ bên ngoài như:

  1. Công ty Shimadzu (Nhật) và công ty đại diện tại Việt Nam, Trung Sơn, ký kết hợp tác kỹ thuật và tặng Khoa 700 triệu đồng để phát triển giáo dục và nghiên cứu KTYS.
  2. Công ty National Instruments (Hoa Kỳ) tặng Khoa 4 bộ thiết bị và phần mềm Labview trị giá 600 triệu đồng dùng trong phòng thí nghiệm giáo dục và nghiên cứu.
  3. Trung Tâm chẩn đoán y khoa MEDIC (Bệnh viện Hòa Hảo) tặng cho Khoa một số thiết bị y tế đã qua sử dụng dùng làm học cụ cho sinh viên.
  4. Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Cộng Đồng (CHAC) mở một phòng thí nghiệm của Khoa tại đây để giảng viên và sinh viên Khoa hợp tác với các bác sĩ và bệnh nhân nơi đây nghiên cứu về chứng rối loạn giấc ngủ
  5. Quỹ giáo dục Hoa Kỳ Vietnam Education Foundation (VEF) tặng nhiều xuất học bổng cho giảng viên Khoa đi du học tại các đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ.
  6. Hải quân Hoa Kỳ và chính phủ Canada đã tài trợ nhiều dự án nghien6 cứu khoa học
  7. Đại Học Houston (Texas, Hoa Kỳ) tặng Khoa nhiều thiết bị dùng trong nghiên cứu về Thuật Toán trong Phẩu Thuật
  8. Hội Thiết Bị Y Tế TP Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với Khoa trong lĩnh vực: Đào tạo, Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ, Sản xuất, Kiểm định, Xúc tiến thương mại và Truyền thông tiếp thị.
  9. Một mạnh thường quân đã tặng cho Khoa một thư viện sách điện tử.

Lời kêu gọi

Khoa đang tuyển thêm giảng viên và tìm kiếm thêm sự hợp tác quốc tế. Nếu bạn tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài về ngành Kỹ Thuật Y Sinh, hãy gia nhập vào Khoa chúng tôi để trở thành giảng viên cơ hữu hoặc bán thời gian. Nếu bạn đang làm việc cho một trường nước ngoài và mong muốn giảng dạy hoặc nghiên cứu về Kỹ Thuật Y Sinh, chúng tôi trân trọng mời bạn làm giảng viên thỉnh giảng hoặc học giả tại khoa. Đây là thời điểm tuyệt vời cho sự phát triển của Kỹ Thuật Y Sinh tại Việt Nam. Trong một môi trường làm việc năng động, đầy sáng tạo và nhiều cơ hội tại Khoa của chúng tôi, sự đóng góp của các bạn sẽ được đánh giá cao và nhanh chóng tạo được ảnh hưởng nhất định.

Chúng tôi kính mời các doanh nhân trong nước cộng tác với chúng tôi để đưa những thiết bị y tế thiết kế và chế tạo tại Việt Nam với chất lượng cao ra thị trường Việt Nam và thế giới.

Chúng tôi trân trọng mời các sinh viên tương lai, cả người Việt lẩn người nước ngoài, đến với chúng tôi. Bạn sẽ khám phá ra một môi trường thân thiện và đầy hứng thú, một môi trường đang hướng tới sự sáng tạo và bền vững. Bạn sẽ có cơ hội theo đuổi một ngành mới và học cách giải quyết những vấn đề thực tế. Bạn sẽ được khuyến khích xây đắp những ước mơ, biến những ước mơ thành tầm nhìn và thực hiện tầm nhìn bằng những bước đi vững chắc.

Xin các bạn vui lòng xem những thông tin khác trên trang web của chúng tôi và đừng ngần ngại liên lạc với chúng tôi để trao đổi, đặt câu hỏi, và đưa ra những đề nghị xây dựng.

Xin cảm ơn sự quan tâm của các bạn,

 

Nguyễn Thị Hiệp

Email: nthiep@hcmiu.edu.vn