Vũ Cát Tường: Nhìn 15 triệu đồng mẹ vay, tôi hứa liều 

Ít người biết rằng Vũ Cát Tường – cô học trò cưng của huấn luyện viên Hồng Nhung tại The Voice mùa thứ hai – lại sắp tốt nghiệp đại học với bằng kỹ sư ngành Kỹ thuật y sinh, trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM.

Thậm chí, nghệ sĩ trẻ này còn có học bổng toàn phần trong suốt những năm học vừa qua.

Học để giành cơ hội cho người tốt nhất

Một Cát Tường nghệ sĩ liên quan gì với Cát Tường của thế giới bệnh viện, bệnh nhân nhỉ?

– Xin được nói trước rằng tôi thích ngành y, chọn học ngành y nhưng tôi không thích trở thành bác sĩ đâu nhé.

Ngay từ năm lớp 11 tôi đã bắt đầu chọn ngành nghề trong tương lai cho mình. Tôi thích y, dược, nhưng lại không thích làm bác sĩ, không thích vào trường y vì thời gian học tới 7, 8 năm, lâu quá vì tôi cũng đồng thời muốn theo đuổi cả âm nhạc.

Rồi cuối cùng tôi tìm được ngành kỹ thuật y sinh. Ngành học này đáp ứng được cả về mặt thời gian – học 4 năm, vẫn được tiếp xúc với bác sĩ, bệnh nhân, làm việc ở bệnh việc, vẫn đọc sách, nghiên cứu…. đúng sở thích, nên tôi chọn học.

“Nhất y nhì dược…” – Yếu tố ngành hot có đóng vai trò trong quyết định chọn ngành của Cát Tường không?

– Tại thời điểm tôi chọn đây không phải là ngành hot.

Nhưng tôi quan niệm rằng, học tập giống như một chuyến đi, biết mình đang làm gì, điều đó sẽ đưa đến đâu, thì ta sẽ đến đó.

Từ kinh nghiệm của bản thân, và từ bạn bè, Tường cho rằng học sinh phổ thông nên định hướng ngành nghề như thế nào? Vai trò của giáo viên phổ thông với định hướng nghề nghiệp cho học sinh?

– Theo tôi, vai trò của giáo viên chiếm 20%, 30% dành cho gia đình, và 50% do tính cách của mình. Quan trọng nhất là bản thân. Các bạn phải chủ động đi hỏi người này người kia để chắc chắn sự lựa chọn. Không ai sống hộ cuộc sống của mình.

Phải biết mình là ai mới chọn được ngành nghề phù hợp. Lớp 11, 12 chưa đủ hiểu biết để biết mình nên cần một người lắng nghe, khuyên bảo nhưng vẫn tôn trọng ý kiến của mình. Với tôi người đó là mẹ. Tôi nói với mẹ tại sao muốn chọn, lý do chọn ngành học đó. Mẹ thấy tôi có sự tìm hiểu về ngành đó sẽ tin và đồng ý. “Cứ làm gì con thấy hạnh phúc” – đó là lời của mẹ mà tôi luôn nhớ.

Nhưng tôi thấy rằng, thậm chí khi đã chọn ngành, năm thứ nhất, thứ hai có khi còn chưa chắc chắn đã hiểu mình có hợp với ngành đó hay không.

Tôi đúc kết lại, ngành nào cũng có cái hay nếu học tới nơi tới chốn. Thậm chí cả khi không biết cuối con đường là gì.

Và đã chọn thì bỏ suy nghĩ có học hay không. Mà hãy học để giành lấy cơ hội cho người tốt nhất.

Tôi hứa trước 15 triệu đồng mẹ vay

– Khi tôi nhập học, mẹ phải đi vay tiền khắp nơi. Vào học kỳ I mà chưa biết tiền đâu để đóng học kỳ II.

Tôi nhớ rất rõ ngày mẹ cầm về xấp tiền đủ loại vì vay mượn. Tôi đã bật hứa với mẹ rằng chỉ cần lo tiền học tôi trong năm nay thôi.

Lúc đó hứa liều vì không biết trước mắt như thế nào. Nhưng rồi lần nộp tiền học đầu tiên đó cũng là lần duy nhất. Sau đó, tôi đã có được học bổng toàn phần.

Tôi thấy rằng, nếu thực sự mong muốn, khao khát thì sẽ làm được.

Còn sự khao khát dành cho âm nhạc thì ở mức độ nào?

– Tôi từng rất do dự giữa âm nhạc và khoa học. Đã có lúc định từ bỏ khoa học, nhưng khi đọc sách lại bị cuốn theo nên… không bỏ được.

Cho đến lúc tôi phải chấp nhận là cả hai đều quan trọng.

Dịp tết vừa qua, tôi “đóng cửa luyện công” một tháng trời, để tự trả lời chân thật nhất những câu hỏi mình muốn gì? mình là ai?

Và câu trả lời vẫn là tôi vẫn muốn mình trở thành một kỹ sư, đồng thời là một ca sĩ, nhạc sĩ. Nhưng về lâu dài, tôi thấy mình phù hợp với âm nhạc hơn, với mong muốn lớn nhất là được tiếp tục đi du học về âm nhạc.

Với khả năng sáng tác những ca từ như “Ngày dài mưa phùn/ Nắng gió tiêu điều/ Quanh đây đâu đâu mây lặng bay/ Ngoài trời khung cửa/ Trắng xoá lối đi …”, hay “Khi, cơn mưa cuốn hết nỗi đau ấy/ Khi, cầu vồng lên sau cơn bão giông/ Anh sẽ đi qua yêu thương/ Không còn vấn vương…”, Cát Tường có phải là học sinh giỏi văn?

– Nói ra thì ngượng, nhưng hồi ở phổ thông, giờ văn tôi toàn ngủ. Tôi học ban A, toán lý hóa, nhưng thi văn lúc nào cũng đạt điểm cao.

Lý do lúc thì… trúng tủ, còn với dạng văn nghị luận tôi chỉ… “chém gió”. Khả năng này tôi thừa hưởng từ ba, vốn là giảng viên luật. Từ ngữ tôi thừa hưởng từ ba, còn lối suy nghĩ là từ mẹ.

Nhân nhắc tới ba, thì dường như câu chuyện về ba của Cát Tường là một câu chuyện buồn. Chị có thể mở lòng hơn về việc này?

– Tôi mới gặp lại ba sau 3 năm.

Trước đây, tôi nuôi hy vọng gặp lại ba khi đã thành công, với những nuối tiếc, oán hận trong lòng. Nhưng khi lớn hơn rồi, đã hiểu chuyện, thì cuộc gặp vừa qua chỉ còn niềm vui.

Ba, và tôi cũng giống ba, là người kỹ tính. Khi đã quyết định, thì có nghĩa đó là quyết định cuối cùng.

Người lớn có lý do của họ, mình chỉ có thể nói rằng thì ra phải như vậy, không thể khác được. Mà khác đi chưa chắc mình đã được như hôm nay.

Có bài học nào Tường rút ra được từ câu chuyện của gia đình mình?

– Đó là sự khiêm tốn từ ba, nghị lực từ mẹ và sự vị tha – tôi rút ra cho bản thân.

Xin cảm ơn và chúc Cát Tường đạt được những dự định của mình.

Chi Mai thực hiện