Thông tin Tuyển sinh Đại Học

Xin xem thông tin chính thức về quy trình tuyển sinh chung của trường Đại Học Quốc Tế  trên trang mạng dưới đây:

Trang thông tin Tuyển sinh Đại Học

Dưới đây chúng tôi xin trình bày về:

1. Ngành và Khoa Kỹ Thuật Y Sinh

2. Tuyển Sinh Đại Học

3. Các tài liệu đọc thêm và tham khảo

(Chú ý: Các thông tin dưới đây sẽ được liên tục cập nhật, xin lưu ý theo dõi để tránh sai sót. Xin xem thêm thông tin trong mục “Giải đáp thắc mắc” Tuyển sinh Kỹ thuật Y sinh)

Sinh vien va Thay

Từ trái qua phải: Trần Thị Mỹ Khánh (cựu học sinh trường Trần Đại Nghĩa TP HCM), BME K11; Trần Vũ Thục Trinh (cựu học Sinh trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng), BME K11; Nguyễn Đoàn Duy Tuấn (cựu học sinh trường Gia Định), BME K11; GS TS Võ Văn Tới, Trưởng Khoa KTYS và Nguyễn Ngọc Uyên Minh (cựu học sinh trường Lê Hồng Phong, TP HCM), BME K11. Ngành KTYS phù hợp với sinh viên cả nam lẫn nữ. Hiện tại một nửa sinh viên và giảng viên của Khoa là nữ. Ngành này thích hợp với sinh viên yêu thích kỹ thuật và y khoa. Nhiều sinh viên KTYS đã lựa chọn ngành này thay vì y mặc dù có cơ hội học y. Nhiều bác sĩ và dược sĩ theo học bậc Thạc Sĩ KTYS.

1. Ngành và Khoa Kỹ Thuật Y Sinh (KTYS)

Kỹ thuật Y sinh (Biomedical Engineering hay BioEngineering) là một lĩnh vực liên ngành ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến (như nano, micro, quang tử, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật) vào việc tạo ra các phương pháp nghiên cứu mới và các thiết bị phục vụ chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, cũng như giúp hiểu sâu hơn về các tiến trình sinh học của con người. KTYS là sự kết hợp hài hòa giữa các kỹ thuật truyền thống (cơ khí, điện, điện tử, viễn thông, quang học, tin học) với các ngành khoa học liên quan đến sự sống và con người (sinh học, y, dược, nha khoa, nhãn khoa). Đây là một lĩnh vực nổi bật đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới và tạo rất nhiều cơ hội nghề nghiệp trong đại học, viện nghiên cứu khoa học, bệnh viện cũng như công kỹ nghệ. Ngành này phù hợp với những sinh viên yêu thích thiết kế chế tạo lẫn nghiên cứu khoa học trong mọi ngành kỹ thuật, khoa học thuần túy hay ứng dụng, y, dược, nha, tâm lý học, công nghệ sinh học, quản trị và kinh doanh. KTYS bao gồm những chuyên ngành như Thiết Bị Y Tế, Kỹ Thuật Dược, Điện tử Y sinh, Tin học Y Sinh, Cơ khí Y Sinh, Y học tái tạo, Vật lý Y Sinh, v.v… Ngành KTYS phù hợp với sinh viên cả nữ lẫn nam.

NX Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 3 từ phải) và GS Huỳnh Thành Đạt (thứ 3 từ trái), Giám Đốc ĐHQG-HCM đã đến thăm phòng thí nghiệm của Khoa KTYS vào tháng 11/2016. 

Theo báo VNExpress ngày 5/1/2017 và trang mạng Zing ngày 6/1/2017 ngành KTYS là ngành có triển vọng cơ hội nghề nghiệp cao nhất trong năm 2017 ở Mỹ. Với việc được hưởng lương cao từ 62.700 USD đến 104.000 USD mỗi năm, 75% chuyên gia trong lĩnh vực này cảm thấy hài lòng với nghề nghiệp. Theo báo cáo của Cục Thống kê lao động Mỹ, việc làm trong lĩnh vực này được dự báo tăng 67% trong năm 2017 cách xa ngành được xếp thứ nhì chỉ với mức tăng trưởng là 27%.

Trong ngành KTYS sinh viên sẽ có cơ hội học và tìm hiểu về:

  1. Những hoạt động bình thường (sinh lý) của con người cũng như sự liên hệ giữa những bộ phận, cơ quan trong cơ thể con người
  2. Những yếu tố gì bên ngoài có thể làm cho những hoạt động này không còn bình thường nữa (bệnh lý)
  3. Những phương cách hay kỹ thuật có thể làm cho những hoạt động không bình thường trở lại bình thường (chữa trị)

Thí dụ, nhịp tim bình thường là khoảng 60 lần/phút; sự lo âu (não bộ) hay sự vận động nhiều (cơ bắp) hay sự suy yếu hô hấp (phổi) hay sự rối loạn của vài tế bào tim sẽ làm cho nhịp tim thay đổi bất thường và có thể gây chết người. Biết được những điều này kỹ sư KTYS chế tạo ra máy trợ thở hay máy trợ tim để điều hòa nhịp tim. Không có những máy này các bác sĩ cũng không làm được gì để cứu bệnh nhân. Do đó KTYS là một ngành tối cần thiết để hỗ trợ cho việc phát triển trong khoa học sự sống và chăm sóc sức khỏe. Muốn chế tạo máy trợ tim có thể cấy vào cơ thể con người, kỹ sư KTYS phải hiểu về sinh lý, bệnh lý và cách chữa trị như một bác sĩ, có những kiến thức kỹ thuật của một kỹ sư về điện, điện tử, cơ khí, hóa học để chế tạo một cái máy có những chức năng đáp ứng yêu cầu y học, và có những kiến thức về sự tương tác sinh học giữa vật chất và con người. Thêm vào đó máy phải nhỏ, nhẹ, bền và không gây tổn thương cho bệnh nhân. Muốn được như thế, kỹ sư KTYS phải chế tạo thiết bị mẫu, thử nghiệm bằng những phương pháp toán học trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm trên tế bào rồi trên thú vật trước khi trên người. Như thế ngành KTYS là một ngành giao thoa giữa nhiều ngành khác nhau, nó phù hợp cho những người yêu thích cả kỹ thuật lẫn y học. Vì sự đa dạng của nó nên ngành KTYS có nhiều chuyên ngành khác nhau như đã trình bày bên trên.

Trong 4 năm đại học, sinh viên KTYS sẽ học những kiến thức căn bản và những kỹ năng để biết ứng dụng những kiến thức đó trên thực tế. Với kinh nghiệm, họ sẽ như một người thầu khoán có khả năng kết hợp những người thợ lành nghề (kỹ thuật viên) và chuyên gia (kỹ sư, bác sĩ) để thực hiện những công trình quan trọng. Do đó khi tốt nghiệp, kỹ sư KTYS có thể làm việc như kỹ sư lâm sàng trong các bệnh viện để tư vấn trong việc lựa chọn các thiết bị và vận hành các thiết bị để cộng tác với các bác sĩ trong việc nghiên cứu lâm sàng, điều hành kỹ thuật viên để bảo hành bảo trì thiết bị hoặc làm trong các công ty thiết bị y tế để hướng dẫn các bác sĩ hiễu cách sử dụng tối ưu chức năng các thiết bị hay chế tạo những thiết bị mới. Ngày 7/10/2015 Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Kỹ Thuật Y. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2015. Điều này mở rộng hơn nữa thị trường việc làm của ngành KTYS. Được trang bị kiến thức bằng tiếng Anh, kỹ sư KTYS của Đại Học Quốc Tế có nhiều lợi thế để phục vụ hiệu quả công việc và mở rộng kiến thức. Vì đây là một ngành tối cần thiết cho việc phát triển khoa học sự sống và chăm sóc sức khỏe nên các đại học tiên tiến trên thế giới (kể cả Đại Học Quốc Tế) cho nhiều học bổng để thu hút kỹ sư KTYS học lên các bậc Thạc Sĩ hay Tiến Sĩ KTYS. Sinh viên của Khoa nhờ quen với cách làm nghiên cứu khoa học trong khi học đã nhận được nhiều học bổng để học thẳng lên Tiến Sĩ.

Lễ khánh thành phòng thí nghiệm đầu tiên của Khoa KTYS năm 2010.

(Hình trái) Bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Hòa Hảo (Trung tâm y khoa MEDIC, TP HCM) và GSTS Võ Văn Tới, Trưởng Khoa đầu tiên của Khoa KTYS, trước bảng đồng ghi nhận sự hỗ trợ của MEDIC.

(Hình phải) Buổi lễ Cắt băng Khánh thành phòng thí nghiệm KTYS. Từ trái qua phải GS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc Gia TP HCM, GS Nguyễn Đình Hối, Giám Đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM và Bác Sĩ Phan Thanh Hải.

Để đạt được các mục tiêu trên, trong phương pháp giáo dục chúng tôi đặt sinh viên làm trọng tâm; do đó các giảng viên:

  • Trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng và phương pháp học tập để sinh viên biết tự học và biết kết hợp tư duy với hành động, học với hành, khoa học hàn lâm với thực tế xã hội
  • Tạo cơ hội để sinh viên phát triển óc sáng tạo, thực tiễn, đam mê và có định hướng cũng như có những kiến thức chính xác và hữu ích
  • Giúp sinh viên biết đặt và giải quyết vấn đề; qua đó họ sẽ có khả năng tập trung, tìm ra được cốt lõi của vấn đề để tiếp cận cụ thể
  • Giúp sinh viên trau dồi khả năng giao tiếp, có y đức và tính chính trực trong môi trường làm việc cũng như ngoài xã hội.

Vì vậy trong công tác giảng dạy chúng tôi gắn kết nghiên cứu với đào tạo và hướng dẫn sinh viên các phương pháp giải quyết vấn đề hơn là truyền đạt các nội dung chi tiết và tập trung rèn luyện các kỹ năng thay vì các kiến thức suông. Sinh viên được tạo cơ hội để phát triển trí tò mò, óc sáng tạo, óc thực tiễn và định hướng. Cụ thể là ngay trong năm đầu tiên sinh viên đã được làm quen với các thiết bị y tế thông dụng kể cả máy siêu âm, X-quang, CT sanner. Họ không những được học về nguyên tắc cơ bản của chúng mà còn phải tự tay vận hành và tháo ráp các thiết bị này để tìm hiểu cơ cấu và cách chế tạo của máy. Phương pháp khám phá kỹ thuật (Reverse Engineering) này cũng giúp sinh viên cảm nhận được các phương pháp nghiên cứu khoa học trừu tượng hơn mà họ được học và phải áp dụng trong những năm học kế tiếp. Trong những năm này họ được sử dụng những thiết bị y tế đặc biệt hơn để làm nghiên cứu (như máy dùng tia Laser cận hồng ngoại để đo độ oxy và deoxy của máu trong não, máy đa ký giấc ngủ, máy đo trường nhìn) và hướng đến việc chế tạo các thiết bị y tế mới. Ngoài những kiến thức trên họ cũng được học môn “Kinh thầu (Entrepreneurship) trong thiết bị y tế” để tạo nền tảng trở thành những nhà lãnh đạo trong ngành thiết bị y tế có kiến thức về việc thành lập những công ty kinh doanh hay công ty khởi nghiệp chế tạo thiết bị y tế. Môn “Thách thức kỹ thuật trong Y học” do các giảng viên Y khoa giảng dạy về giải phẫu, sinh lý và bệnh lý các bộ phân cơ thể con người để hướng đến việc chế tạo thiết bị y tế để đo đạc các chức năng của các bộ phận này. Để tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với các chuyên gia trong ngành, trong năm học chúng tôi tổ chức định kỳ các buổi báo cáo chuyên đề cũng như tổ chức mỗi hai năm các Hội Nghị Quốc Tế về Kỹ thuật Y sinh. Để cho các Tân sinh viên dể hòa đồng với môi trường mới, ngay từ lúc bước vào Khoa, các sinh viên năm thứ nhất sẽ được gắn kết với một Giáo Viên Chủ Nhiệm (Academic Advisor) và một Anh/Chị Trưởng Tràng (Peer Advisor) để hỗ trợ trong việc học tập và sinh hoạt. Sinh viên được khuyến khích tích cực tham gia vào các hoạt động học thuật, nghiên cứu, ngoại khóa và xã hội.

GS Võ Văn Tới đang hướng dẫn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và phái đoàn tham quan phòng thí nghiệm của Khoa. Sinh viên của Khoa được quyền sử dụng các thiết bị trong PTN để học tập và làm nghiên cứu 24 giờ trên 7 ngày một tuần.

Khoa KTYS được thành lập vào năm 2009. Hoạt động nghiên cứu của Khoa tập trung vào việc thiết kế và ứng dụng thiết bị y tế để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đất nước cũng như vào những hướng phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến để các thành viên có thể dể dàng và nhanh chóng hội nhập vào và tạo chổ đứng trong cộng đồng khoa học quốc tế. Do đó Khoa kết hợp chặt chẽ mối quan hệ giữa giáo dục, nghiên cứu và kinh thầu (entrepreneurship). Cụ thể là sự kết hợp giữa đại học, bệnh viện và doanh nghiệp. Phương châm của Khoa là: Chất lượng cao, Bền vững và Hữu ích. Điều này tạo thành một nền văn hóa chung cho sinh viên KTYS trong việc học cũng như những hoạt động ngoại khóa là làm việc hết mình và phục vụ cộng đồng.

Các môn học trong Chương trình Kỹ Sư Kỹ Thuật Y Sinh (Mã ngành đào tạo: 7.52.02.12) và Thạc Sĩ Kỹ Thuật Y Sinh (Mã ngành đào tạo 8.52.02.12) đêu được giảng dạy bằng tiếng Anh. Các thí sinh sau khi thi đậu vào chương trình sẽ được xét trình độ tiếng Anh. Nếu tiếng Anh đạt chuẩn sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành; nếu không sinh viên sẽ theo học các lớp tiếng Anh dạy tại trường trước cho đến khi đạt chuẩn.

Với ước vọng luôn phấn đấu hầu đạt được chất lượng cao nhất có thể để thành viên của Khoa KTYS (giảng viên, cán bộ và sinh viên) có thể sánh vai với đồng nghiệp năm châu cùng góp phần phục vụ cho cộng đồng, Khoa đã cố gắng không ngừng để đạt được chất lượng giáo dục đề ra bởi các cơ quan kiểm định chất lượng trong vùng (như AUN) và thế giới (như ABET Inc.).

Vào tháng 10 năm 2015 Chương trình đào tạo Kỹ Sư của Khoa Kỹ Thuật Y Sinh được đoàn kiểm định chất lượng giáo dục AUN-QA (ASEAN University Network-Quality Assurance) của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) đến đánh giá và cho điểm 5,1 (tối đa 7). Như vậy đây là Chương trình đào tạo Kỹ Sư KTYS đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đã được đánh giá đạt chuẩn AUN-QA và là chương trình đạt điểm cao nhất trong tất cả các chương trình đại học của Việt Nam và cao nhì trong tất cả các chương trình ở Đông Nam Á đã được AUN đánh giá từ trước đến thời điểm đóAUN gồm 30 trường đại học hàng đầu của 10 nước Đông Nam Á (ASEAN): Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Mã Lai, Myanma, Philipines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. AUN hoạt động với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác và tình đoàn kết giữa các chuyên gia, học giả, viện sĩ và nhà khoa học trong khu vực; phát triển nguồn nhân lực cho khối giáo dục và các ngành nghề khác trong khu vực; thúc đẩy hoạt động chia sẻ thông tin trong cộng đồng giáo dục ASEAN và nâng cao nhận thức về bản sắc khu vực và bản sắc ASEAN cho các thành viênVới thành tích này sinh viên tốt nghiệp Kỹ Sư Kỹ Thuật Y Sinh của trường ĐHQT sẽ được ưu tiên xét tuyển với điều kiện đặc biệt vào chương trình Thạc Sĩ KTYS của trường ĐHQT cũng như một số trường viện trong khu vực. 

AUN-QA là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của toàn bộ chương trình đào tạo từ nhiều khía cạnh như chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên, và doanh nghiệp v.v… Vì vậy, kết quả kiểm định AUN-QA là một trong những tiêu chuẩn hữu ích, đáng tin cậy để phụ huynh và học sinh tham khảo trong quá trình chọn lựa trường và ngành.

Accredited Logos Style Sheet and Usage Guide

Vào tháng 12 năm 2018, Chương trình đào tạo Kỹ Sư của Khoa Kỹ Thuật Y Sinh được đoàn kiểm định chất lượng giáo dục ABET đến đánh giá. ABET là một tổ chức được thành lập bởi các hiệp hội ngành nghề tại Mỹ. Kiểm định theo chuẩn ABET đảm bảo một chương trình đào tạo thỏa mãn các tiêu chuẩn chất lượng được thiết lập bởi các chuyên gia trong nghề nghiệp mà chương trình này chuẩn bị cho sinh viên.  Do đó ABET trở thành một yêu cầu quan trọng cho các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực liên quan.

Theo học một chương trình đạt kiểm định của tổ chức ABET, người học sẽ được:

  • Hưởng thụ một chương trình đào tạo có chất lượng đáp ứng được các yêu cầu nghề nghiệp, xác lập bởi các tổ chức chuyên nghiệp.
  • Gia tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp tăng cao do chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng bởi một tổ chức có uy tín quốc tế. Nhiều công ty nêu rõ ưu tiên tuyển dụng người làm tốt nghiệp từ các chương trình đã được kiểm định bởi ABET.
  • Nhận được những ưu đãi khi làm việc cho các công ty của Mỹ, hoặc khi thi các chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức của Mỹ.

Hiện tại ngoài Hoa Kỳ, nhiều đại học các quốc gia trên thế giới cũng đã công nhận giá trị của chuẩn ABET; do đó sinh viên tốt nghiệp chương trình được kiểm đinh bởi ABET sẽ nhận được nhiều ưu đải của các trường này.

 

Thay tvts

GS TS Võ Văn Tới tư vấn cho học sinh và phụ huynh trong mùa Tuyển Sinh

Hình trái: Nhóm sinh viên KTYS ĐH Quốc Tế (ĐHQG-HCM) (từ trái qua phải): Trần Minh Trung, Phạm Khôi Nguyên, Phạm Quốc Huy và Nguyễn Ngọc Bảo Kha chiếm giải nhì cuộc thi “Tôi, Khởi nghiệp 2015” đã diễn ra vào ngày 07/11/2015 tại Hội trường lớn – Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, với sự tranh tài của 5 nhóm vào chung kết của: ĐH Văn Hiến, liên danh ĐH Khoa học Tự nhiên – Bách khoa – Ngoại Thương, ĐH Bách Khoa, ĐH Ngân hàng và ĐH Quốc Tế.  

Hình phải: (từ trái qua phải) Giảng viên Lê Quốc Trung và các sinh viên KTYS ĐH Quốc Tế (ĐHQG-HCM) Cù Gia Huy, Mai Thanh Danh, Phạm Khôi Nguyên và Nguyễn Thanh Trúc chiếm giải Nhất cuộc thi National Instruments Innovation Design Competition for Young Entrepreneurs 2017 đã diễn ra vào ngày 28/2/2017 tại Hà Nội.

Trong năm 2012, Khoa đã đào tạo thành công nhóm kỹ sư Kỹ Thuật Y Sinh đầu tiên gồm 9 sinh viên trong đó có 3 nữ với 1 huy chương vàng, 3 bằng khen Nữ Sinh Viên Kỹ Thuật và 1 sinh viên đoạt giải “Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học Eureka” hạng Khuyến Khích. Trong các sinh viên này, 3 sinh viên đã được học bổng đi du học nước ngoài chương trình Tiến Sĩ, 4 sinh viên được tuyển dụng trong các công ty thiết bị y tế và 2 ở lại học tiếp chương trình Thạc Sĩ của Khoa và đã tốt nghiệp. Các sinh viên tốt nghiệp của những năm sau cũng đi theo những con đường này. Hiện tại Khoa có hơn 300 sinh viên, trong đó số lớn sinh viên đạt danh hiệu 5 tốt các cấp kể cả cấp Trung Ương và đoạt nhiều giải thưởng cũng như học bổng các cấp, trong nước cũng như quốc tế. Vào mùa Hè, sinh viên được tạo cơ hội đi thực tập trong các bệnh viện, công ty và các viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong năm học, sinh viên được giảng dạy thực tiển khác với cách dạy chay hay nhồi sọ. Các phòng thí nghiệm của Khoa mở cửa 24 giờ trên 7 ngày để sinh viên thực hiện đề án nghiên cứu khoa học được trường cũng như các nơi khác tài trợ.

5 tốt

Tiêu biểu

(Hình trái) Các sinh viên của Khoa KTYS (Hình trái) đoạt giải Sinh Viên 5 Tốt năm 2015, trong đó 5 sinh viên đoạt giải cấp Trung Ương. (Hình phải) Sinh viên Nguyễn Tú Khanh, BME K 13 (đứng giữa) được chọn là Sinh Viên Tiêu Biểu năm 2015.

Giải 3

Hình trên: Sinh viên Quách Mai Bội, K2015 của Khoa KTYS đoạt Giải Ba kỳ thi Olympic Toán Sinh viên 2016

       

Khoa tổ chức mỗi 2 năm Hội nghị Quốc tế về KTYS quy tụ đông đảo chuyên gia quốc tế để tạo cơ hội cho sinh viên Khoa học cách tổ chức sự kiện quốc tế và làm quen với các chuyên gia quốc tế để tiến thân sau này. Năm 2018 chuyên gia đến từ gần 30 quốc gia.

 

 

Khoa có 10 giảng viên tiến sĩ, bác sĩ và dược sĩ tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng nước ngoài. Giáo sư Tiến Sĩ Võ Văn Tới, Trưởng Khoa đầu tiên KTYS, Tiến sĩ ngành Vi Kỹ thuật (Micro‐Engineering) tại trường Đại Học Bách Khoa Liên bang Lausanne (Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne, EPFL), Thụy Sĩ. Ông đã làm thực tập Hậu Tiến sĩ trong chương trình liên kết Khoa học và Công nghệ Sức khỏe (Health Science and Technology, HST) giữa 2 trường: Đại học Harvard và Massachusetts Institute of Technology (MIT), Hoa Kỳ. Từ năm 1984 đến 2009, ông là giáo sư tại trường Bách Khoa của Đại học Tufts, Hoa Kỳ. Trong thời gian đó, ông là đồng chủ tịch của các chương trình liên kết giữa trường Bách Khoa và trường Y Khoa, cũng như giữa trường Bách Khoa với trường Nha Khoa của Đại Học Tufts. Ông là Giáo sư Thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Mắt Scheie của Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ; đã sáng lập và làm Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mắt tại Sion, Thụy Sĩ; và đồng sáng lập ra hội ái hữu Vietnam North American Professors Network (VNAUP) để kết nối các giáo sư gốc Việt vùng Bắc Mỹ với nhau. Năm 2003, ông thành lập Khoa KTYS tại Đại Học Tufts. Từ năm 2004 đến 2007, ông được Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng Quản trị của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation, VEF). VEF là một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ được Quốc hội thành lập năm 2003 nhằm mục đích đưa sinh viên Việt Nam đi du học Thạc Sĩ và Tiến Sĩ trong các đại học hàng đầu của Hoa Kỳ về khoa học kỹ thuật và đưa các giáo sư Hoa Kỳ sang giảng dạy trong các đại học Việt Nam. Từ năm 2007 đến 2009, Giáo sư Tới được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành của VEF. Năm 2009 Giáo sư Tới từ chức ở VEF và nghỉ hưu sớm ở Tufts để trở về Việt Nam thành lập Khoa KTYS của trường ĐHQT.

Tiến Sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Khoa hiện tại KTYS, tốt nghiệp đại học Soonchunhyang Hàn Quốc ngành Vật liệu sinh học và Kỹ thuật Tái tạo Mô vào năm 2008. Tiến sĩ Hiệp là người phụ nữ thứ hai của Việt Nam nhận giải khoa học trẻ tài năng thế giới của Quỹ L’Oréal – UNESCO, giải thưởng nhằm tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Cô cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đoạt Giải nhất Giải thưởng ASEAN–US-2017 về Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh – mảng Sức khỏe cộng đồng.

Tháng 7 năm 2015, GSTS Võ Văn Tới đã tháp tùng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du lịch sử kết nối Việt Nam và Hoa Kỳ. (Từ trái qua phải) GSTS Võ Văn Tới, Trưởng Khoa KTYS, ông Joe Biden, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, GSTS Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản VN.

GS Võ Văn Tới cùng ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị khóa 12, Phó Bí thư Thành ủy (thứ 3 từ trái) và Ông Lê Thanh Liêm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố (thứ 1 từ trái) đón tiếp các Việt Kiều mừng xuân Bính Thân (2016) (Ảnh Báo Thanh Niên).

Giảng viên và Sinh Viên

Giảng viên và sinh viên của Khoa trong buổi lễ tốt nghiệp đầu tiên của Khoa năm 2012

               

 

   Ca sĩ/Nhạc sĩ Vũ Cát Tường, Á quân The Voice, sinh viên Kỹ Thuật Y Sinh, trong vòng tay GSTS Võ Văn Tới, trong buổi lễ Tốt nghiệp 2015 (theo soha.vn)

Các nghiên cứu khoa học của Khoa bao gồm các lĩnh vực sau:

  1. Thiết Bị Y Tế (Medical Instrumentation): nhằm vào việc ứng dụng những kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu liên quan đến Điện, Điện tử, Viễn thông, Cơ khí, Tin học, Quang học để phát triển những thiết bị y tế tiên tiến và sử dụng chúng trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu cơ cấu sinh học của con người và kỹ thuật lâm sàng (clinical engineering) mới.
  2. Tín Hiệu và Hình Ảnh Y Sinh (Biomedical Signal and Image Processing): nhằm vào việc khám phá ra các bệnh trước khi chúng gây ra tổn thương dựa trên các tín hiệu đo được như điện não, điện tim, điện cơ và điện mắt bằng nhiều phương pháp kể cả mô hình hóa (modeling) và mô phỏng (simulation). Hướng này cũng bao trùm việc xử lý sự tương quan giữa não và máy móc để người sử dụng có thể dùng tư duy nhằm điều khiển các vật dụng chung quanh, cũng như việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence) hay phương pháp thực tại ảo (virtual reality) hay robot để hỗ trợ các hoạt động lâm sàng.
  3. Kỹ thuật dược (Pharmaceutical Engineering): nhằm vào việc nghiên cứu và chế tạo các thiết bị làm ra dược phẩm, các hệ vận chuyển và phóng thích thuốc có kiểm soát, và ứng dụng công nghệ nano và vi mạch trong y dược học. Tiếp cận công nghệ y dược nhằm chủ động nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm điều trị tiên tiến với mục tiêu không những đem lại hiệu quả điều trị cao mà còn nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu các tác dụng phụ cho bệnh nhân.
  4. Y học tái tạo (Regenerative Medicine): nghiên cứu, chế tạo các vật liệu sinh học có cấu trúc tương tự cấu trúc mô hay cơ quan, và kết hợp với tế bào gốc của chính người bệnh để chữa trị nhanh chóng các vết thương hay thay thế các bộ phận hư hỏng của con người. Ngoài ra, ngành y học tái tạo còn nghiên cứu các sản phẩm nhằm phục vụ cho lĩnh vực thẩm mỹ của con người.
  5. Kinh Thầu Y Sinh (Entrepreneurship in BME): nhằm vào việc nghiên cứu phương cách tối ưu để đưa sản phẩm ra thị trường, phương pháp mới để lãnh đạo và điều khiển công ty và bệnh viện trong lĩnh vực thiết bị y tế và kỹ thuật lâm sàng.

kinhthau04.jpg   May vien ap

Khoa đã thiết kế một dòng thiết bị y tế viễn thông (Thiết bị Viễn y). Hình trên là Máy Viễn Áp (bên trái là đời thứ nhất, bên phải là đời thứ nhì) dùng để đo huyết áp và nhịp tim. Bệnh nhân có thể sử dụng tại tư gia hay bất cứ nơi nào, từ thành phố đến vùng sâu vùng xa, biển đảo hay ở nước ngoài. Dữ liệu đo được được tự động truyền qua mạng ADSL, Wifi hoặc 3G và lưu trữ trên một server. Trong trường hợp dữ liệu bệnh nhân vừa đo được vượt ra ngoài mức cho phép, hệ thống sẽ cảnh báo các bác sĩ để họ tức thời có thể theo dõi diễn tiến trực tiếp từ xa hay lấy dữ liệu trên sever để phân tích, tư vấn và hỗ trợ cho bệnh nhân. Hệ thống mẫu đã được thử nghiệm và đạt yêu cầu kỹ thuật cũng như sự hữu ích thiết thực. Máy Viễn Áp đã vinh dự nhận được cúp vàng trong triển lãm Chợ Công Nghệ Và Thiết Bị Quốc Tế Việt Nam 2012 (International Techmart Vietnam 2012) do Bộ Khoa Học và Công nghệ tổ chức. Hiện tại Khoa cộng tác với Sở Khoa Học và Công Nghệ tỉnh Bình Dương, và Ban Chăm sóc và Bảo vệ Sức khỏe Cán bộ Trung Cao của tỉnh để thiết lập một hệ thống chăm sóc sức khỏe Viễn Y dựa trên công nghệ Mạng Kết nối Vạn vật (Internet of Things, IoT).

Khoa đã xây dựng được 11 phòng thí nghiệm đặt tại trường Đại học Quốc Tế. Trước đó Khoa xây dựng 1 phòng thí nghiệm lâm sàng đặt tại Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng (CHAC) do Viện sĩ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y Tế Tp. HCM, sáng lập và một phòng thí nghiệm trong Khu Công Nghệ Cao TP HCM. Hằng năm Khoa đã nhận được các danh hiệu cao quý như Tập thể Nghiên cứu Khoa Học Xuất Sắc của ĐHQG, Đơn vị Học Thuật Xuất Sắc của ĐHQT và cá nhân nghiên cứu Xuất Sắc. Tháng 3 năm 2015 một giảng viên của Khoa TS. Trần Hà Liên Phương được vinh dự nhận được giải thưởng quốc tế L’Oréal UNESCO. Cô là 1 trong 15 nhà khoa học nữ được Hội đồng giám khảo lựa chọn từ 236 ứng viên trên toàn thế giới và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận được vinh dự này.

LienPhuong.jpg

Hình trái: Tiến sĩ Trần Hà Liên Phương, giảng viên của Khoa KTYS trong chiếc áo dài truyền thống tự hào lên nhận giải cùng các nhà khoa học nữ các nước do Quỹ L’Oréal-UNESCO (Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học) trao tặng vào tháng 3 năm 2015. Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng cao quý này. Công trình nghiên cứu của TS. Trần Hà Liên Phương cùng nhóm nghiên cứu của mình là về hệ điều trị nano chứa chất fucoidan chiết xuất từ tảo biển Việt Nam, sử dụng các hạt nano mang thuốc vào tiêu diệt thẳng tế bào ung thư, không gây hại cho các tế bào lành trong cơ thể.

Hình phải: Thông tin trên báo Tuổi Trẻ về sự kiện này.

 

                   

Hình trái: Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, áo dài đỏ (thứ 4 từ phải) nhận giải cùng 14 nhà khoa học nữ từ năm châu lục.

Hình phải: TS. Hiệp cùng Đại sứ Việt Nam tại UNESCO, Trần Thị Hoàng Mai. Hình của báo Nhân Dân http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/nhan-vat/item/35854202-nha-khoa-hoc-nu-nguoi-viet-nghien-cuu-keo-cam-mau-duoc-unesco-vinh-danh.html.  

Ngày 21/03/2018, tại Paris thủ đô nước Pháp, TS. Nguyễn Thị Hiệp, Giảng viên của Khoa Kỹ thuật Y Sinh của Đại Học Quốc Tế thuộc Đại Học Quốc Gia TP HCM, cùng với 14 nhà khoa học nữ xuất sắc dưới 40 tuổi đến từ năm châu lục trên thế giới đã được vinh danh trong buổi lễ trao giải thưởng L’Oréal-UNESCO cho những nhà khoa hoc nữ trẻ tài năng của thế giới năm 2018 (L’Oréal-UNESCO For Women In Science International Rising Talents 2018). Đề tài mà TS. Hiệp tham gia giải thường này là “Thiết kế một loại keo có khả năng cầm máu, chống vi khuẩn và giúp làm lành nhanh vết thương”. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra sản phẩm nằm trong tầm tay của người nghèo và những người sống xa bệnh viện như những người dân vùng nông thôn, lính đánh trận hay người đi tàu. TS. Hiệp là người phụ nữ Việt Nam thứ nhì nhận được giải này. Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận được giải này vào năm 2015, TS. Trần Hà Liên Phương, cũng là một giảng viên của Khoa Kỹ Thuật Y Sinh (xem thông tin bên trên).

Trước đó vào tháng 10 năm 2017, TS. Nguyễn Thị Hiệp được vinh dự nhận giải Nhất giải thưởng ASEAN-Hoa Kỳ. Cô là người phụ nử Việt Nam đầu tiên nhận được giải này.

 

   Nguyễn Thị Hiệp 

 

Hình trái: Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên của Khoa KTYS trong chiếc áo dài truyền thống (7 từ trái) đoạt giải Nhất giải thưởng Khoa học của ASEAN-Hoa Kỳ. Giải được trao tặng trong buổi lễ kết thúc kỳ họp lần thứ 17 của các Bộ trưởng Khoa Học và Công nghệ các nước ASEAN vào ngày 19/10/2017 tại Myanmar. Đây là lần thứ Ba giải này được trao cho các nhà nghiên cứu nữ. TS Hiệp là nhà khoa học nữ đầu tiên của Việt Nam đoạt giải thưởng cao quý này. Công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Hiệp là về ứng dụng Y học Tái tạo trong Y tế Viễn thông để giúp giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh bởi sự đô thị hóa nhanh chóng trong các nước Đông Nam Á.

Hình phải: Thông tin trên báo Thanh Niên ngày 20/10/2017 về sự kiện này.

Hiện tại TS. Hiệp là Trưởng Khoa Kỹ Thuật Y Sinh.

Ngoài ra Khoa đã thiết kế một dòng sản phẩm Thiết bị Y tế Viễn thông mà bệnh nhân có thể sử dụng tại nhà, và các bác sĩ có thể chẩn đoán và can thiệp từ xa. Các sản phẩm này đã được các báo đài trong nước giới thiệu như là những sản phẩm có nhiều hứa hẹn. Khoa đã tham dự Chợ Công Nghệ Và Thiết Bị Quốc Tế Việt Nam 2012 (International Techmart Vietnam 2012) do Bộ Khoa Học và Công nghệ tổ chức và đã vinh dự nhận được 2 cúp vàng cho Máy Viễn Áp và Xe Lăn Thông Minh do Khoa thiết kế.

xe lăn        Nguyen Quan and Loc

Hình trên bên trái: sinh viên Nguyễn Xuân Trường (cựu học sinh trường Nguyễn Du, Tp HCM), BME K11 dùng đầu để điều khiển xe lăn điện thông minh. Sinh viên Trần Nghĩa Khánh (không có trên hình, cựu học sinh Lý Tự Trọng, Nha Trang), BME K07 và Phan Lâm Tới (cựu học sinh trường Trần Phú, Tây Ninh), BME K07 đã thiết kế và thực hiện hệ thống camera nỗi giúp xe tự động tránh vật cản và cảm biến không dây giúp người sử dụng có thể dùng đầu để điều khiển. Sinh viên Khánh đã đoạt được giải “Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học Eureka” năm 2013 hạng Khuyến Khích cho công trình này.

Hình trên bên phải: Kỹ Sư Lưu Gia Lộc (bên phải), đại diện cho Khoa nhận 2 cúp vàng cho Máy Viễn Áp và Xe Lăn Thông Minh do Khoa thiết kế từ Bộ trưởng Bộ Khoa Học và Công Nghệ Nguyễn Quân (bên trái) trong Chợ Công Nghệ Và Thiết Bị Quốc Tế Việt Nam 2012 (International Techmart Vietnam 2012) do Bộ Khoa Học và Công nghệ tổ chức

Phong      Honda 3

 

Hình trái: Sinh viên KTYS Lê Quốc Phong, BME K14, (giữa) nhận giải Nhất giải Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc (trái) và Vụ trưởng Khoa học Lê Trọng Hùng (phải) vụ Kỹ thuật, Khoa học và Môi trường của Bộ trong buổi lễ ngày 16/12/2017

Hình phải: Sinh viên KTYS Võ Thị Ngọc Anh, BME K13, (thứ 4 từ phải) nhận giải thưởng HONDA Y-E-S trong buổi lễ ngày 8/12/2017

2. Tuyển Sinh Đại Học Ngành KTYS

Mục tiêu của chương trình giáo dục đại học KTYS (Mã ngành đào tạo: 7.52.02.12) là sau 4 năm sinh viên sẽ có kiến thức căn bản và cần thiết của một:

  • Kỹ Sư xuất sắc hiểu rõ về nguyên tắc hoạt động và chế tạo thiết bị y tế dùng trong bệnh viện để có thể hỗ trợ và cộng tác với các bác sĩ trong việc điều trị cũng như nghiên cứu khoa học, hoặc
  • Doanh Nhân có khả năng phát triển và đưa ra thị trường những sản phẩm thiết bị y tế mới phù hợp với Việt Nam, hoặc
  • Nhà Khoa Học trẻ được trang bị tốt để có thể học tiếp bậc sau đại học về ngành KTYS ở tại Việt Nam và nước ngoài, hoặc
  • Nhà Giáo giảng dạy các môn học khoa học đời sống và kỹ thuật tiên tiến, hoặc
  • Con Người có ước mơ, có khả năng biến ước mơ thành tầm nhìn và biến tầm nhìn thành hiện thực.

Như vậy sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể:

  • Làm việc trong các công ty thiết kế và cung cấp thiết bị y tế hay bệnh viện,
  • Trở thành doanh nhân có khả năng đưa ra thị trường những sản phẩm y tế mới,
  • Được giới thiệu các học bổng theo học sau đại học về ngành KTYS ở tại VN và nước ngoài
  • Theo học chương trình Y Khoa Chất lượng Cao của khoa Y thuộc Đại Học Quốc Gia – HCM để trở thành bác sĩ đa khoa.  Điều kện xét tuyển tối thiểu:
    • Thời gian tốt nghiệp không quá 3 năm,
    • Điểm TB chung từ 7,5 trở lên.
    • Điểm môn Sinh lý người & động vật, Sinh học, Thống kê trong khoa học sức khỏe, và Vật liệu Y Sinh phải trên 6,0.

Sinh viên Võ Thị Ngọc Anh (BME 2013) và Huỳnh Kim Phát (BME 2014) nhận học bổng Sunflower Mission Engineering & Technology Scholarship vào ngày 5/12/2017 cùng GS Võ Văn Tới. 

TrungSon   VNPT

 Khoa nhận được sự tài trợ bên ngoài từ nhiều nguồn khác nhau như: bệnh viện (Trung Tâm Chẩn Đoán MEDIC, Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Cộng Đồng CHAC, Bệnh Viện Mắt TP HCM), công ty (Trung Sơn Scientific Equipment, Việt Nam; National Instruments, Hoa Kỳ; Schimadzu, Nhật) và các quỹ tài trợ giáo dục (Vietnam Education Foundation, Hoa Kỳ; Fulbrigth, Hoa Kỳ).

Hình trên bên trái, từ trái qua phải: Bà Trần Thị Thu Hồng (Giám Đốc Công Ty Trung Sơn Scientific Equipment, Việt Nam), GS. Hồ Thanh Phong (Hiệu Trưởng trường ĐHQT) và Ông Dave Chua (Đại diện công ty Shimadzu, Nhật) trong buổi lễ tài trợ cho Khoa để phát triển hoạt động nghiên cứu KTYS.

Hình phải: Tập đoàn VNPT ký kết với ĐHQT để hợp tác với Khoa KTYS để phát triển hệ thống Viễn Y.

Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2010, thí sinh chọn ngành KTYS đã nhiều lần là thủ khoa trong kỳ thi thuyển vào Đại học Quốc Tế:

  • Đỗ Nguyễn Trung Dũng, 26 điểm, nam sinh trường Nguyễn Thượng Hiền, Tp HCM, thủ khoa Đại Học Quốc Tế năm 2010
  • Cù Gia Huy, 29 điểm, nam sinh trường Phổ Thông Năng Khiếu, Tp HCM, thủ khoa Đại Học Quốc Tế kiêm thủ khoa Đại Học Quốc Gia năm 2011
  • Nguyễn Ngọc Bảo Trân, 27.75 điểm, nữ sinh trường Phổ Thông Năng Khiếu, Tp HCM, thủ khoa Đại Học Quốc Tế năm 2015.
Năm tuyển sinh

2010

 2011

 2012

 2013

 2014

 2015

2016

2017

2018

Số sinh viên đăng ký

126

138

223

316

293

235

182

708

—-

Chỉ tiêu

45

40

50

50

60

60

75

75

90

Tỷ lệ chọi (số đăng ký/chỉ tiêu)

2.8

3.5

4.5

6.3

4.9

3.9

2.5

9.4

—-

Điểm sàn đầu vào KTYS/30

16

17

17.5

20

20

22.5

22

24.5

18

Số sinh viên theo học (năm thứ nhất)

37

41

38

71

75

71

70

66

77

Số sinh viên nữ (năm thứ nhất)

16

23

17

27

36

36

30

33

36

Thống kê tuyển sinh qua các năm. Bắt đầu từ năm 2013 chương trình chỉ tuyển chọn sinh viên chính qui (không liên kết) và nguyện vọng 1 mà thôi. Từ năm 2015 phương cách tuyển sinh được thay đổi do đó vài số liệu được tính khác với các năm trước. Từ năm 2017, ĐHQT thêm vào phương cách tuyển sinh Kiểm tra năng lực cũng như nhiều phương cách khác (xem thêm chi tiết dưới đây).

Năm tuyển sinh

2017

2018

Tổng chỉ tiêu cho KTYS

75

90

Chỉ tiêu cho Kiểm tra năng lực

12

59

Điểm sàn đầu vào KTYS/200

161.27

160

 

Thông tin chung về tuyển sinh đại học 2019 (cập nhật ngày 20/1/2019):

  • Tên ngành đào tạo: Kỹ Thuật Y Sinh
  • Mã ngành: 7520212
  • Tên bằng cấp: Kỹ Sư Kỹ Thuật Y Sinh
  • Khối tuyển sinh: Khối A: Toán – Lý – Hóa, Khối A1: Toán – Lý – Anh, Khối B: Toán – Hóa – Sinh
  • Chỉ tiêu: 93
  • Anh ngữ là ngôn ngữ giảng dạy tại trường Đại Học Quốc Tế. Sau khi thi đậu vào trường, các tân sinh viên sẽ nộp điểm TOEFL nếu đã có hay sẽ trải qua một kỳ thi Anh ngữ để xếp lớp. Tùy theo số điểm đạt được họ sẽ theo học ngay chương trình của ngành hay sẽ được tư vấn theo học một số lớp Anh văn. Xin xem chi tiết trên website của Đại Học Quốc Tế về vấn đề này.
  • Ngày thi: sẽ được cập nhật theo quy định

Phương thức xét tuyển năm 2019:

Phương thức tuyển sinh 1: trường sẽ xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT QG 2019 với tiêu chí xét tổng điểm của 3 môn thi trong kỳ thi THPT Quốc Gia theo khối đăng ký xét tuyển. Chỉ tiêu cho phương thức này là 40-60 % tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2019

Phương thức tuyển sinh 2: xét tuyển học sinh giỏi của các trường THPT (theo quy định của ĐHQG-HCM). Tiêu chí của phương thức này là sử dụng kết quả học tập bậc trung học phổ thông, cụ thể trường sẽ xét điểm trung bình 3 năm học THPT (lớp 10, lớp 11, lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký.  Chỉ tiêu của phương thức này ở khoảng 15 % tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2019

Phương thức tuyển sinh 3: trường xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2019 của Bộ GD-ĐT.  Phương thức này dành khoảng 5% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho các học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và Olympic Quốc tế, môn đạt giải phù hợp với ngành học đăng ký tuyển thẳng.

Phương thức tuyển sinh 4: trường ĐHQT tổ chức thi tuyển kỳ kiểm tra năng lực của trường. Thí sinh sẽ phải thi ít nhất 2 môn gồm 1 môn bắt buộc (Toán) và 1 môn tự chọn sau đây: Vật Lý, Hóa học, Sinh học hay Tiếng Anh. Thí sinh có quyền thi nhiều môn tự chọn. Sau khi có kết quả, trường sẽ xét tổng điểm 2 môn thi (1 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn) và lấy tổng điểm cao nhất để xét tuyển. Chỉ tiêu dành cho phương thức này cũng sẽ khoảng 40-60 % tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2019.

Phương thức tuyển sinh 5: xét tuyển dựa trên học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình trung học phổ thông nước ngoài (phương thức này thực hiện từ năm 2007). Học sinh tham gia phỏng vấn và thực hiện bài thi tổng hợp bằng tiếng Anh đạt trên 50%. Khoảng 5 % tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2019 sẽ dành cho phương thức này.

Phương thức tuyển sinh 6: trường xét tuyển dựa trên kết quả kỳ kiểm tra năng lực của ĐHQG TP.HCM với khoảng 15 % tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2019.

 

Chú ý: Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh có thể chọn cùng lúc nhiều phương thức trên. Chúng tôi khuyến khích các học sinh nên chọn ít nhất Phương thức 4. Kỳ thi theo phương thức này được tổ chức vào 2 ngày 25 và 26 tháng 5/2019. Ngoài ra sẽ có kỳ thi thử vào ngày 17/3/2019. Thời hạn nộp hồ sơ là từ 14/3 đến 24/4/2019. Xin theo dõi thông tin trên trang mạng của ĐHQT để được cập nhật thường xuyên https://tuyensinh.hcmiu.edu.vn/ktnl/huong-dan-dang-ky/.

Học Bổng:

Đại Học Quốc Tế cấp Học Bổng trong suốt 4 năm học cho 12% tân sinh viên ngành KTYS với những điều kiện dưới đây:

Phương thức 1 và 2:

    • Bằng hay trên 25 điểm được xét cấp Học bổng Toàn phần
    • Bằng hay trên 24 điểm được xét cấp Học bổng Bán phần

Phương thức 4: Tổng 2 môn thi:

  • Bằng hay trên 160 điểm được xét cấp Học bổng Toàn phần
  • Bằng hay trên 155 điểm được xét cấp Học bổng Bán phần

Xin xem chi tiết khác trên website của Đại Học Quốc Tế.

CT Scanner

Máy CT Scanner của Khoa do Bệnh viện đa khoa MEDIC tặng

Dung MEDIC    Nam and CT scanner

Sinh viên thực tập khám phá máy CT Scanner do Trung Tâm MEDIC tặng.

Sinh viên BME thực tập trong phòng thí nghiệm của Khoa, mở cửa 24 giờ 7 ngày một tuần để sinh viên có thể tự do thực hiện ý tưởng của mình

 

 

Đặc Điểm của Chương Trình Học:

 

Chương trình đươc xây dựng dựa theo chuẩn của:

  • Cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục ABET Inc. của Hoa Kỳ
  • Tập thể các trường tiên phong của Hoa Kỳ trong lãnh vực KTYS như: Vanderbilt University, Northwestern University, University of Texas ở Austin, và đơn vị Kỹ Thuật và Công Nghệ Khoa Học Sức Khỏe của Harvard và MIT (VaNTH)
  • Bộ Giáo dục & Đào tạo

Cũng như theo nhu cầu cấp bách và thiết yếu của Việt Nam. Do đó chương trình:

  • Mang tính thực tiển và phong cách của các nước tiên tiến,
  • Đặt nặng việc nghiên cứu khoa học, và
  • Đặt nặng việc chế tạo sản phẩm hữu ích để phục vụ đất nước.

Cụ thể chương trình có những môn tiêu biểu như sau:

  • Reverse Engineering (Khám Phá Kỹ Thuật) dạy sinh viên năm 1 hiểu những nguyên tắc các thiết bị y tế như X-Quang, Siêu Âm, Điện tim … hướng dẩn sinh viên tháo ráp các máy này để tìm hiểu sự chế tạo và hoạt động của chúng, và cho sinh viên thực tập cách trình bày trước công chúng để huấn luyện kỹ năng mềm của sinh viên. Môn này giúp sinh viên biết cách dặt vấn đề một cách thực tiển và tự vạch ra con đường mình phải đi trong tương lai.
  • Introduction to Biomedical Engineering (KTYS nhập môn) dạy sinh viên năm 2 các phương cách áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật trong y học và sinh học để hiểu mối tương quan giữa 3 lĩnh vực này. Môn này giúp sinh viên biết tổ chức công việc theo quy trình khoa học và những kiến thức cần có.
  • Engineering Challenges in Medicine (Kỹ Thuật Cần Có Trong Y Khoa) dạy sinh viên hiểu sự hoạt động của các bộ phận cơ thể con người, từ đó suy ra các nhu cầu kỹ thuật của các Bác sĩ mà người Kỹ sư phải đáp ứng trong việc nghiên cứu lâm sàng. Điều này kích thích sự sáng tạo của sinh viên.
  • Entrepreneurship in Medical Devices (Kinh Thầu trong Thiết bị y tế) dạy sinh viên những kiến thức căn bản và những bước cụ thể để đưa một thiết bị y tế đã thiết kế thành công trong môi trường hàn lâm ra thị trường, thí dụ bằng cách mở những công ty khởi nghiệp (Start-up).
  • Biomedical Ethics (Y Đức) dạy sinh viên biết phương cách đối xử với sinh vật và con người trong khi làm nghiên cứu khoa học và lâm sàng. Môn này cũng giúp sinh viên hiểu biết những luật lệ liên quan bảo vệ các đối tượng nghiên cứu và môi trường.
  • Capstone Design (Thiết Kế Thiết bị Y tế) dạy cho sinh viên năm cuối biết ứng dụng những kiến thức đã học được trong suốt những năm trước để thực hiện một dự án từ đầu đến cuối, thí dụ như thiết kế một thiết bị y tế dùng trong nhãn khoa.

Ngoài ra trong dịp Hè, sinh viên được giới thiệu làm thực tập trong các bệnh viện và công ty thiết bị y tế trong vùng hay các viện nghiên cứu nước ngoài.

Mai Thanh Reverse Engineering

Trong môn Reverse Engineering (Khám Phá Kỹ Thuật) sinh viên năm 1 được thực tập tháo ráp thiết bị y tế để tìm hiểu sự chế tạo và hoạt động của chúng. Sinh viên Nguyễn Thị Mai Thanh (cựu học sinh trường Bùi Thị Xuân, Tp HCM) BME K08 đang tháo máy đo khúc xạ mắt (do Bệnh viện Mắt Tp tặng) dưới sự hỗ trợ của sinh viên Trần Nguyễn Hoàng Thi Thơ (cựu học sinh trường chuyên Tiền Giang) BME K07.

Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc:

Cô Trương Thị Mỹ Tiên. Email: ttmtien@hcmiu.edu.vn hoặc

Cô Từ Thị Tuyết Nga. Email: tttnga@hcmiu.edu.vn

3. Các tài liệu đọc thêm và tham khảo

Để hiểu rõ về ngành và Khoa Kỹ thuật Y Sinh xin tham khảo những đường link dưới đây:

Thông tin trên báo chí:

Đọc thêm

Video trên kênh truyền hình HTV7 giải thích về KTYS

Một đoạn video do SV BME tự làm về 1 ngày của SV