Blog Trang 8

THÔNG BÁO VỀ THỰC TẬP TỐT NGHIỆP HỌC KỲ 3 NĂM HỌC 2021-2022

Khoa KTYS thông báo:

1/ Lộ trình dự kiến của môn học Internship HK3, 2021-2022.

  • Yêu cầu tất cả sinh viên điền Form Đăng ký nơi thực tập tốt nghiệp từ ngày 21/5/2022-12/6/2022. Link: https://forms.gle/pWrJsFA4ydUDmLf27
  • Các sinh viên chủ động tìm nơi thực tập, đến ngày 12/6/2022 vẫn chưa tìm được nơi thực tập vui lòng điền form https://forms.gle/pWrJsFA4ydUDmLf27để nhờ Khoa hỗ trợ tìm nơi thực tập.

2/ Một số văn bản cần sử dụng cho Internship như sau:

Mọi vấn đề thắc mắc liên quan đến môn học Internship sinh viên có thể liên hệ GVHD hoặc email về địa chỉ bme@hcmiu.edu.vn, cc email cho nhtkhanh@hcmiu.edu.vn để được hỗ trợ giải đáp.

Trân trọng.

Sách Kỹ Thuật Y Sinh do Võ Văn Tới làm chủ biên

SÁCH KỸ THUẬT Y SINH

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, KHOA Y

Võ Văn Tới làm chủ biên

cùng với các cộng sự

Nguyễn Thị Hiệp – Hà Thị Thanh Hương – Vòng Bính Long –

Nguyễn Ngọc Quang – Nguyễn Hoài Thương.

Lời nói đầu

Anh Võ Văn Tới cùng với năm cộng sự trẻ và sáng giá của anh, vài người trong đó là học trò của anh, vừa ra quyển sách Kỹ Thuật Y Sinh (Biomedical Engineering hay BioEngineering) làm nền tảng của ngành này giúp sự phát triển của nó tại các trường đại học khác. Đó là ngành mà anh đã gầy dựng từ năm 2009 tại Đại học Quốc tế thuộc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh khi anh quyết định về nước, giữa lúc công việc anh đang thăng tiến rất thuận lợi ở Hoa Kỳ. Ngày nay, nói đến Kỹ Thuật Y Sinh ở Việt Nam là phải nói đến Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh. Đây là công việc anh nối tiếp từ công việc ở Đại học Tufts nơi anh cũng đã thành lập bộ môn này năm 2003.

Tôi rất ngưỡng mộ sự chọn lựa chọn của anh với mảnh đất còn nhiều khó khăn để làm “bến đỗ”, chấp nhận “có ra sao thì ra” để gầy dựng một cái gì hữu ích từ vốn học 40 năm của anh ở nước ngoài cho đất nước. Và sự lựa chọn đó đã không phụ lòng anh. Thật vậy, có một môi trường rất thuận lợi, được trang bị một cơ sở hạ tầng khoa học như anh muốn, hoạt động trong những điều kiện làm việc rất tốt và được Đại học hết lòng ủng hộ, anh đã làm được nhiều việc mà theo anh hơn cả lúc còn ở nước ngoài. Có thể nói, tại “bến đỗ” này, sự sáng tạo của anh đã thăng hoa, và anh đã thực hiện được những điều anh mơ ước theo ý muốn của anh. Anh về không vì đã “mỏi cánh”, mà anh về vì muốn sải cánh bay xa hơn, và giúp cho nhiều con sếu trẻ cùng cất cánh.

Mỗi hai năm, anh tổ chức một hội nghị quốc tế ngành Kỹ thuật Y sinh mời được các nhà khoa học từ khoảng 20 nước tham gia, từ Đông sang Tây, và ra được một số kỷ yếu Springer nhận xuất bản. Anh mời các giáo sư đến giảng dạy và nghiên cứu trong thời gian sabbatical của họ, hướng dẫn sinh viên tại chỗ, hoặc gửi sinh viên đi du học tiếp tục làm tiến sĩ với học bổng của các trường nước ngoài nơi giáo sư quen làm việc và nhận đỡ đầu. Anh có mạng lưới nhà khoa học khắp thế giới, luôn luôn theo dõi được những điều mới mẻ. Mỗi năm anh đào tạo được khoảng 40-50 sinh viên trình độ kỹ sư, và những người này đều được các bệnh viện, công ty tìm thuê. Anh dạy cho sinh viên không những biết về lý thuyết mà còn rành về thực hành, có tinh thần nghiên cứu và biết sáng tạo, biết thực hiện ý tưởng của mình. Đây là vấn đề then chốt của giáo dục, theo anh, bởi học sinh và sinh viên Việt Nam thường “học chay”, chỉ học thuộc lòng mà thiếu phần thực hành, và sáng tạo trong thực tế. Đó là một trong những lý do cốt lõi khiến đất nước không phát triển mạnh, kềm hãm sức sáng tạo của người Việt Nam.

Ngành Kỹ thuật Y sinh, khá mới ở thế giới cũng như ở Việt Nam, dưới sự dìu dắt của anh đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả, mặc cho một số khó khăn, chật vật. Có thể nói, ngành Kỹ thuật Y sinh của TP hôm nay đã có mặt trên bản đồ thế giới. Bước tiếp theo là anh đang nghĩ, đó là hợp tác với các công ty tư nhân để sản xuất các sản phẩm từ nghiên cứu của nhóm anh để đưa ra thị trường phục vụ sức khỏe cộng đồng, công việc mà anh gọi là “kinh thầu”, entrepreneurship. Điều này đòi hỏi sự dấn thân và ý thức của các doanh nghiệp, và luật pháp Việt Nam để thúc đẩy tạo ra sản phẩm thực tế cho xã hội, thay vì chỉ mua bán hàng nước ngoài.

Đối với anh, mỗi ngày được làm việc ở Việt Nam là “một ngày vui”. Giờ đây chắc anh đã có thể giải trình với người thân và bạn bè về sự trở về của anh mà không còn lo âu nữa. Anh giống như cá đã trở về sông nguồn của mình. Anh là người rất khiêm tốn, điềm đạm và hiền hậu, sẵn sàng chấp nhận khó khăn cho mình để được việc chung là trên hết. Thật là cao cả.

Tôi muốn cầu chúc anh sức khỏe bền bỉ để tiếp tục sự nghiệp cống hiến đất nước, hay ít ra cho Sài gòn, thành phố đã nuôi dưỡng anh từ lúc bé, theo ý nguyện của anh.

Môi trường hàn lâm phải là vườn ươm ý tưởng sáng tạo và lò đào tạo nhân tài. Do đó các đại học cần có tự do học thuật để thử nghiệm những ý tưởng mới. Ở các đại học nước ngoài mà tôi biết, nhà trường tự quyết định cho đường hướng phát triển của mình, giảng viên có rất nhiều quyền hạn thực thi sáng kiến từ việc tạo ra ngành mới lẫn nghiên cứu và các quản lý chủ yếu phục vụ thay vì chỉ huy. Khi những sáng kiến đó thành công nó sẽ tự động được nhân rộng ra ngoài phạm vi của trường.

Võ Văn Tới

Xã hội Việt Nam thường coi trọng kỹ sư hơn kỹ thuật viên do đó thường xảy ra hai tình huống: (1) các trường cao đẳng phấn đấu để trở thành trường đại học để đào tạo kỹ sư thay vì cố gắng đào tạo kỹ thuật viên giỏi, và (2) những người làm công nghệ cố làm khoa học thay vì phát triển những kỹ xảo thực tiễn để đưa công nghệ lên hàng đầu. Hậu quả là xã hội có nhiều kỹ sư tầm thường trong khi thiếu kỹ thuật viên lành nghề, và sự phân chia không rõ rệt giữa công nghệ và kỹ thuật làm cho nền giáo dục xa rời nhu cầu thực tiễn của đất nước. … Chúng tôi khẳng định của ba nhóm người này đều là như nhau.

Võ Văn Tới

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ CHỦ BIÊN

GS Võ Văn Tới: Về nước vì sinh viên Việt Nam thất bại - Ảnh 4.

(Ảnh của báo Tuổi Trẻ)

GS.TS. Võ Văn Tới đậu Tiến sĩ ngành Vi Kỹ thuật (Micro‐Engineering) năm 1983 tại trường Bách Khoa Liên bang Lausanne (Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne, EPFL), Thụy Sĩ. Từ năm 1983 đến 1984 ông là Hậu Tiến sĩ trong chương trình liên kết Khoa học và Công nghệ Sức khỏe (Health Science and Technology, HST) giữa Đại học Harvard và Massachusetts Institute of Technology (MIT), Hoa Kỳ. Từ năm 1984 đến 2009, ông là giáo sư tại trường Bách Khoa của Đại học Tufts, Hoa Kỳ và là đồng chủ tịch của các chương trình liên kết giữa trường Bách Khoa với trường Y Khoa, cũng như giữa trường Bách Khoa với trường Nha Khoa của Đại Học Tufts. Từ năm 1991 đến 1992 ông là Giáo sư Thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Mắt Scheie của Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ. Từ năm 1992 đến 1994 ông đã sáng lập và làm Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mắt tại Sion, Thụy Sĩ. Năm 1999 ông đồng sáng lập ra hội Ái hữu Vietnam North American Professors Network (VNAUP) để kết nối các giáo sư gốc Việt vùng Bắc Mỹ với nhau. Năm 2003, ông thành lập Bộ môn KTYS tại Đại Học Tufts. Từ năm 2004 đến 2007, Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush bổ nhiệm ông làm thành viên của Hội đồng Quản trị của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation, VEF). VEF là một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ được Quốc hội thành lập năm 2003 nhằm mục đích tạo cơ hội hợp tác chặt chẽ với Việt Nam qua hoạt động trao đổi giáo dục trong khoa học, kỹ thuật, toán học, y học và công nghệ. Từ năm 2007 đến 2009, GS. Tới được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành của VEF. Năm 2009 ông trở về Việt Nam thành lập Bộ môn KTYS của trường Đại Học Quốc Tế thuộc Đại Học Quốc Gia TP HCM (ĐHQG HCM) và là Trưởng Bộ môn từ đó đến 2018. Hiện ông là Trợ lý Hiệu trưởng ĐHQT về Phát triển Khoa Học Kỹ thuật Công nghệ về Sự sống và Sức khỏe. Ông cũng kiêm nhiệm chức Trưởng Bộ môn KTYS tại Khoa Y của ĐHQG HCM. Hoạt động nghiên cứu chính của ông gồm: Thiết kế và ứng dụng Thiết bị Y tế, Cơ chế của hệ thống thị giác con người, Nhãn khoa, và Y tế Viễn thông. Ông có nhiều bài báo đăng trong tạp chí quốc tế, sách và bằng sở hữu trí tuệ.

Lời nói đầu (của quyển sách)

Kỹ Thuật Y Sinh là một ngành kỹ thuật tương đối mới so với các ngành kỹ thuật khác như điện, điện tử, cơ khí, xây dựng,… Đây là một ngành liên ngành đa lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật để nghiên cứu những vấn đề sinh học và y học. Ngành này đang phát triển mạnh mẽ ở các nước tiên tiến trên thế giới nhờ những đóng góp to lớn của nó vào sự phát triển y dược học cũng như vào nền kinh tế của một đất nước. Ở Việt Nam, đây là một ngành rất mới. Tuy nhiên nó đã bén rễ và bắt đầu phát triển mạnh vì đáp ứng đúng vào nhu cầu cấp bách của đất nước chúng ta trên phương diện thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, kiến thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng như kinh tế.

Quyển “Kỹ Thuật Y Sinh Đại Cương” này là một sách tham khảo giúp giảng viên soạn thảo giáo trình nhập môn về ngành này. Nội dung của sách chủ yếu bao hàm những bài giảng của tác giả chủ biên của quyển sách trong nhiều năm giảng dạy tại Đại học Tufts, Hoa Kỳ và tại Đại học Quốc Tế thuộc Đại học Quốc Gia Tp HCM. Ngoài ra nó còn có sự đóng góp tích cực của nhiều giảng viên khác và trợ giảng của Khoa Kỹ Thuật Y Sinh, trường Đại Học Quốc Tế. Tại các trường này, các bài giảng đều bằng tiếng Anh. Tuy nhiên thay vì viết quyển sách này bằng tiếng Anh như trong các bài giảng của mình, chúng tôi trộm nghĩ có lẽ quyển sách này sẽ hữu ích hơn nếu nó được viết bằng tiếng Việt vì nó sẽ giúp ích cho việc giảng dạy về Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Y Sinh, và nhất là góp phần vào tủ sách Kỹ Thuật Y Sinh của Việt Nam hiện đang còn thiếu rất nhiều trong lĩnh vực này. Với kiến thức hạn hẹp về từ ngữ chuyên môn bằng tiếng Việt, chúng tôi đã cố gắng diễn đạt những kiến thức này tốt nhất có thể. Chúng tôi cũng thiết lập một website đối chiếu những từ chuyên môn Anh-Việt, Việt-Anh trong Kỹ Thuật Y Sinh (xem https://bme.hcmiu.edu.vn/glossary).

Trong lần xuất bản đầu tiên, chắc chắn quyển “Kỹ Thuật Y Sinh Đại Cương” này sẽ có rất nhiều sai sót. Chúng tôi kính mong quý độc giả và chuyên gia góp phần bằng cách gởi cho chúng tôi những nhận xét, đề xuất thay đổi,… Chúng tôi xin cám ơn trước.

Sách gồm 7 chương kết nối (a) lý thuyết khoa học cơ bản, (b) sự ứng dụng những lý thuyết đó để hiểu về hoạt động của cơ thể con người, (c) các thiết bị để giúp tìm hiểu và phục vụ con người, (d) các phương pháp học thuật và nghiên cứu, và (e) cách thiết kế thiết bị y tế.  Mỗi chương trong quyển sách này thông thường gồm 5 mục: (1) Tổng quan (sơ lược nội dung của chương và những vấn đề chung), (2) Chuyên môn (trình bày chi tiết các chủ đề chánh), (3) Bài tập (giúp người đọc hiểu thêm về chủ đề), (4) Bài đọc thêm (trình bày các chủ đề liên quan) và (5) Tài liệu tham khảo (giới thiệu các tài liệu liên quan đã được xuất bản). Ở cuối quyển sách có phần Danh từ chỉ mục (các từ khóa được trình bày trong các chương). Nội dung các chương được tóm tắt dưới đây:

Chương 1 giới thiệu chỗ đứng của Kỹ Thuật Y Sinh trong đại gia đình các ngành học STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán) và trình bày hiện trạng và đóng góp của ngành này trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Chương này cũng giới thiệu ngành Kỹ Thuật Y Sinh tại Trường Đại học Quốc Tế như một mô hình để gợi ý cho các giảng viên có ý định thành lập ngành Kỹ Thuật Y Sinh trong đại học của mình.

Chương 2 giới thiệu các phương pháp thiết kế thiết bị y tế kể cả cách sử dụng “Ma trận Quyết định” để lựa chọn giải pháp cũng như cách quản lý dự án dựa trên phương pháp “Lộ trình Tới hạn” và biểu đồ Gantt. Ngoài ra chương này cũng trình bày vài yếu tố cơ bản của y đức và các chuẩn quốc tế trong kỹ nghệ.

Chương 3 trình bày phương pháp mô hình hóa và mô phỏng sử dụng trong kỹ thuật điện và cơ khí. Các kiến thức này được ứng dụng vào việc nghiên cứu không xâm lấn để tìm hiểu hoạt động của tế bào cũng các hệ thống sinh lý như tai và phổi.

Chương 4 về Quang học và Thị Giác là chương chọn lọc với nhiều chi tiết hơn các chương khác như là một thí dụ để các giảng viên dựa vào phương cách đó hầu soạn thảo bài giảng về những chủ đề mà mình ưa thích hay làm nghiên cứu. Phần 1 trình bày những nguyên lý cơ bản của ánh sáng, chủ yếu về quang hình học. Phần 2 trình bày về giải phẫu, sinh lý cũng như bệnh lý của mắt người. Phần 3 kết hợp kiến thức quang học để giúp hiểu rõ hoạt động của mắt trong ngành quang học sinh lý. Phần 4 giới thiệu về các thiết bị nghiên cứu cũng như thiết bị y tế liên quan đến thị giác.

Chương 5 trình bày căn bản của thống kê và xác suất, và ứng dụng trong hướng Kỹ Thuật Y Sinh. Cũng như nội dung chương 3, đây là những công cụ cần thiết thường nhật của một người làm nghiên cứu trong y sinh.

Chương 6 trình bày về ngành Kỹ thuật Nhân bản. Đây là một ngành mới dựa vào nguyên tắc: “Kỹ thuật là để phục vụ con người” để nghiên cứu những yếu tố liên quan đến con người mà khi phát triển kỹ thuật chúng ta cần quan tâm. Chương này chú trọng vào những yếu tố cần thiết trong việc thiết kế thiết bị y tế để tránh sự nhầm lẫn của người dùng chúng hầu tăng sự an toàn cho bệnh nhân. Chương này cũng giới thiệu vài điểm chính của hướng Kỹ thuật Lâm sàng là hướng đóng vai trò càng ngày càng quan trọng trong bệnh viện.

Chương 7 trình bày những yếu tố về chuyển động học, căn bản cho Cơ Y Sinh cũng như nhiều ngành liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe con người như kỹ thuật phục hồi chức năng, sinh lý chuyển động và trị liệu nghề nghiệp. Các linh kiện nhân tạo cơ khí thay thế cho bộ phận bị hư hỏng của con người cũng như rô bô hỗ trợ vận động cho người khuyết tật cũng được trình bày.

Thứ tự các chương được lựa chọn như trên để tránh sự nhàm chán cho người học. Giảng viên có thể lựa chọn thứ tự cũng như nội dung theo ý thích và thời gian của mình để giảng dạy. Sách chủ yếu dành cho sinh viên năm 2 ngành Kỹ Thuật Y Sinh, hay khoa Y Dược cũng như những ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ liên quan đến sức khỏe và sự sống. Nội dung của các chương có thể được lựa chọn để giảng dạy trong một học kỳ 45 tiết cho sinh viên đã có những kiến thức cơ bản về toán, lý, hóa và sinh. Nếu được yêu cầu chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các giảng viên các slides (bằng tiếng Anh) tương ứng với nội dung trong chương sách.

Nguồn tài liệu của các chi tiết trích dẫn trong quyển “Kỹ Thuật Y Sinh Đại Cương” này được liệt kê cẩn thận. Tuy nhiên cũng có những thiếu sót vì chúng tôi không tìm lại được nguồn gốc của các tài liệu hoặc chúng tôi không liên hệ được với tác giả để xin phép được trích dẫn hoặc trích dịch. Do đó chúng tôi xin các vị này cho chúng tôi biết để thêm vào hay xin phép.

Cuối cùng chúng tôi ước mong quyển sách này góp phần vào kiến thức mới cho sinh viên Việt Nam và nhất là tạo sự hứng thú và quan tâm để các em chung tay góp sức làm cho ngành Kỹ Thuật Y Sinh Việt Nam ngày càng phát triển hơn.

Thay mặt các tác giả,

GSTS. Võ Văn Tới

Khoa Kỹ Thuật Y Sinh

Đại học Quốc Tế thuộc Đại Học Quốc Gia Tp HCM

Email: vvtoi@hcmiu.edu.vn

Tác giả chủ biên:

Võ Văn Tới

Tác giả cộng tác (theo thứ tự tên):

Nguyễn Thị Hiệp

Hà Thị Thanh Hương

Vòng Bính Long

Nguyễn Ngọc Quang

Nguyễn Hoài Thương.

Khoa Kỹ thuật Y Sinh đón tiếp ông Monojit Mitra – Giám đốc Kỹ thuật-Thiết bị Y tế của Bệnh viện FV

Tiếp tục triển khai tinh thần của Biên bản hợp tác giữa Trường Đại học Quốc tế và Bệnh viện FV được ký kết ngày 11/11/2020, sáng thứ năm ngày 11/05/2022, tại Trường Đại học Quốc tế, Khoa Kỹ thuật Y sinh (KTYS) và Bệnh viện FV đã có cuộc họp trực tiếp nhằm trao đổi, thống nhất nhiều nội dung đã được thể hiện trong Biên bản hợp tác nêu trên.

Đại diện Bệnh viện FV có ông Monojit Mitra – Giám đốc Kỹ thuật-Thiết bị Y tế và ông Ngô Quang Vinh – Trưởng phòng Thiết bị Y Tế tham dự cuộc họp. Về phía Khoa KTYS có GS. TS. Võ Văn Tới – Trợ lý Ban Giám hiệu về Phát triển Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ Sức khoẻ và Sự sống; PGS. TS. Vòng Bính Long – Phó trưởng Khoa; PGS. TS Phạm Thị Thu Hiền – Trưởng Bộ môn Thiết bị Y tế, Khoa KTYS; TS. Trần Lê Giang – Giảng viên Bộ môn Thiết bị Y tế, Khoa KTYS và kỹ sư Nguyễn Quốc Hùng cùng tiếp đón đoàn.

Tại cuộc họp, nhiều nội dung đã được thông qua nhằm tạo mọi điều kiện cho sinh viên của Khoa KTYS có thể được học hỏi và tiếp cận các trang thiết bị y tế đang được vận hành tại Bệnh viện FV, cũng như mở rộng cơ hội thực tập và làm việc trong môi trường bệnh viện quốc tế chuyên nghiệp. Cụ thể là: Thảo luận về phương án cải thiện chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; Nội dung chương trình thực tập cho sinh viên và Triển khai khóa đào tạo ngắn hạn về Trang thị bị Y tế lần thứ 2 dự kiến tổ chức vào tháng 7 này.

Về chương trình thực tập cho sinh viên Khoa KTYS, Bệnh viện FV cam kết luôn tạo mọi điều kiện cho sinh viên của Khoa có cơ hội được học tập và làm việc tại môi trường bệnh viện chuyên nghiệp, ông Monojit hy vọng trong tương lai sẽ đón nhận thêm nhiều sinh viên Khoa KTYS tham gia chương trình thực tập tại Bệnh viện FV.

Về khóa đào tạo ngắn hạn, sau thời gian tạm hoãn vì dịch bệnh, khoá đào tạo ngắn hạn về Trang thiết bị Y tế do Khoa KTYS và Bệnh viện FV phối hợp tổ chức đã được hai bên lên kế hoạch triển khai trở lại một cách chi tiết trong cuộc họp. Khóa đào tạo ngắn hạn này hứa hẹn tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên có thể được đến trực tiếp bệnh viện, học và thực hành trên chính các thiết bị y tế hiện đại đang sử dụng tại đây. Đặc biệt hơn là sinh viên sẽ được đào tạo bởi chính các đại diện đến từ các tập đoàn Thiết bị Y tế lớn như GE, Philips, Siemens, Fujifilm và Draeger. Từ đó sinh viên sẽ được tạo mọi điều kiện để học tập, thực hành và trải nghiệm với hệ thống trang thiết bị y tế tại Bệnh viện FV, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm đến từ Bệnh viện FV, thầy cô của Khoa KTYS và các đối tác tham gia khóa đào tạo. Ngoài đối tượng sinh viên, khoá đào tạo ngắn hạn này còn mở rộng cho các kỹ thuật viên, nhân viên đang công tác tại trường, bệnh viện và công ty thiết bị y tế.

Dưới đây là một vài hình ảnh của cuộc họp:

Các thành viện tham gia cuộc họp: Ông Ngô Quang Vinh – Trưởng phòng Thiết bị Y Tế, Bệnh viện FV; ông Monojit Mitra – Giám đốc Kỹ thuật-Thiết bị Y tế, Bệnh viện FV; PGS. TS. Vòng Bính Long – Phó trưởng Khoa KTYS; GS. TS. Võ Văn Tới – Trợ lý Ban Giám hiệu về Phát triển Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ Sức khoẻ và Sự sống, Trường Đại học Quốc tế; PGS. TS Phạm Thị Thu Hiền – Trưởng Bộ môn Thiết bị Y tế, Khoa KTYS; TS. Trần Lê Giang – Giảng viên Bộ môn Thiết bị Y tế, Khoa KTYS.

Đại diện Khoa KTYS và Bệnh viện FV đang trao đổi, thảo luận tại cuộc họp tại trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-TPHCM

Giảng viên Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất sắc đoạt giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16

Tối ngày 11/05/2022, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020-2021). TS. Hà Thị Thanh Hương – Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – cùng các cộng sự (TS. Ngô Thanh Hoàn; TS. Nguyễn Thanh Đức; ThS. Nguyễn Mậu Đông; ThS. Nguyễn Thị Cẩm Hoàng) đã xuất sắc đoạt giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 với công trình “Nghiên cứu và phát triển hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) hỗ trợ Bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên ảnh MRI sọ não”.
Công trình có thể xem như sản phẩm đầu tiên ứng dụng AI vào chẩn đoán và theo dõi bệnh Alzheimer ở Việt Nam. Phần mềm ứng dụng AI sử dụng thuật toán XG-Boost và 3D-ResNet để huấn luyện và kiểm khả năng phân loại bệnh nhân Alzheimer và người có nhận thức bình thường bằng ảnh MRI sọ não với độ chính xác cao: 96.2%.

Xin chúc mừng TS. Hà Thị Thanh Hương và các cộng sự, chúc mừng Khoa Kỹ thuật Y Sinh.

Dưới đây là một số hình ảnh:

 

Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cộng đồng doanh nghiệp – thăm Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM

Chiều thứ Bảy ngày 09/04/2022, nằm trong khuôn khổ sự kiện Gặp mặt giữa Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp, nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang; PGS. TS. Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM và đoàn đại biểu đã đến tham quan Trường Đại học Quốc Tế (ĐHQT) – ĐHQG TPHCM.

Khoa Kỹ thuật Y Sinh (KTYS) vinh dự là một trong ba đơn vị của Trường ĐHQT được Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu đến tham quan. Về phía Khoa KTYS có PGS. TS. Nguyễn Thị Hiệp – Trưởng Khoa và các cán bộ giảng viên cùng tiếp đón đoàn tham quan.

Tại Khoa KTYS, nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham quan, lắng nghe PGS. TS. Nguyễn Thị Hiệp giới thiệu về các sản phẩm, các đề tài mà cán bộ – giảng viên và sinh viên của Khoa KTYS đã và đang triển khai như: keo sinh học, băng gạc y tế kháng khuẩn, máy Viễn Áp và hệ thống Viễn Y (telemedicine), …. Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu đánh giá rất cao các sản phẩm của Khoa KTYS và hy vọng trong tương lai những sản phẩm nghiên cứu của Khoa KTYS sẽ được ứng dụng vào thị trường thương mại, sớm đến tay người tiêu dùng.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tham quan:

Y tế viễn thông và tiềm năng phát triển

GS Võ Văn Tới, Trần Ngọc Việt, Lê Thị Thủy Tiên, Từ Thị Tuyết Nga

Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh

Hệ thống y tế viễn thông (gọi tắt là viễn y) đang được áp dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến và chắc chắn nó sẽ rất hiệu quả ở các nước đang phát triển – nơi hệ thống y tế còn thiếu thốn. Vai trò của viễn y càng trở nên hữu ích trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, buộc xã hội phải áp dụng các quy định về 5K, giãn cách xã hội, tự cách ly… Đón trước xu thế này, Khoa Kỹ thuật Y sinh của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã sớm đầu tư nghiên cứu dòng thiết bị viễn y và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Viễn y và xu thế phát triển

Viễn y (Telemedicine hay Telehealth) kết hợp nhiều công nghệ tiên tiến như nano, internet vạn vật, thực tế ảo, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… để thiết kế thiết bị y tế cá nhân và hệ thống giúp bác sỹ theo dõi, chăm sóc bệnh nhân từ xa. Tại các nước phát triển, viễn y đang lớn mạnh với tốc độ nhanh chóng. Tại Mỹ, Hiệp hội Viễn y (ATA) được thành lập từ năm 1993, hiện có hơn 9.000 thành viên [1]. Thị trường Viễn y trên thế giới năm 2019 đạt hơn 45 tỷ USD, dự đoán sẽ tăng lên hơn 175 tỷ USD vào năm 2026, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (2020-2026) là hơn 19% [2]. Những năm gần đây, đại dịch Covid-19 làm cho viễn y càng trở nên quan trọng.

Viễn y mang lại các lợi ích chính sau: 1) về mặt xã hội: đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật tiên tiến (nhất là kỹ thuật số) vào y tế; hỗ trợ phát triển y tế thông minh; thành phố thông minh; nhanh chóng truyền tải kiến thức từ tuyến trên xuống tuyến dưới; góp phần giảm ùn tắc giao thông và giảm tải cho bệnh viện, hỗ trợ y tế cho người dân sống ở vùng sâu, vùng xa; tạo cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các công ty khởi nghiệp (vì đây là thị trường lớn nhưng vốn đầu tư nhỏ); 2) về phía bệnh nhân: giảm thời gian đi lại và chi phí, hạn chế lây nhiễm, kiểm soát được dữ liệu bệnh lý, được chăm sóc tức thì; 3) về phía bác sỹ: chăm sóc tốt hơn cho nhiều bệnh nhân, cập nhật nhanh chóng kiến thức tiên tiến, có sẵn dữ liệu để làm thống kê hay nghiên cứu với công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo hay blockchain, tăng hiệu quả phòng khám…

Tiềm năng phát triển tại Việt Nam

Theo thống kê năm 2019, Việt Nam có trên 97 triệu dân, khoảng 66% dân số đang ở vùng sâu vùng xa, 14% người trên 60 tuổi cần được chăm sóc. Tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: quy mô kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn thế giới và thứ tư ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN. Việt Nam có hệ thống viễn thông tốt với khoảng 70% người dân sử dụng điện thoại di động. Khoảng 96% người dân biết đọc, biết viết và có ý thức cao về việc giữ gìn, chăm sóc sức khỏe. Với môi trường sinh thái như vậy, tiềm năng phát triển viễn y tại Việt Nam là rất lớn.

Trên thực tế, những năm gần đây, Bộ Y Tế đã triển khai nhiều chương trình viễn y [3] như phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh [4], xây dựng hồ sơ y tế điện tử, tư vấn, hội chẩn từ xa và kết nối cơ sở y tế ở các tuyến nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, lâu nay bệnh viện ở các thành phố lớn luôn quá tải do số bệnh nhân ở các vùng nông thôn vượt tuyến lên khám bệnh [5]. Do đó, các chương trình phát triển y tế thông minh [6] và chuyển đổi số trong y tế [7] gần đây được đặt ra nhằm xây dựng một nền y tế mà mọi người dân, từ thành thị đến thôn quê đều có thể được hưởng lợi ích. Điều quan trọng là làm thế nào để một bác sỹ có thể chăm sóc cho nhiều bệnh nhân từ xa và tức thời chứ không phải nhiều bác sỹ hội chẩn từ xa cho một bệnh nhân. Để thực hiện được điều này, cần có những thiết bị để đo các dấu hiệu sinh tồn như huyết áp, nhịp tim, đường huyết… mà người dân có thể mua với giá phải chăng và mang theo mình để sử dụng ở bất cứ nơi nào, thời điểm nào; cũng như một hệ thống kết nối bệnh nhân với bác sỹ hay người thân để được theo dõi và chăm sóc từ xa nhanh nhất có thể. Phát triển viễn y sẽ giúp giải quyết tốt nhất bài toán này.

Những thành công bước đầu

Chủ trương của Khoa Kỹ thuật Y sinh (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) là “Mang bệnh viện đến nhà bệnh nhân”, nhằm mở rộng dịch vụ của bệnh viện ra ngoài khuôn viên của nó và giúp đào tạo một lớp bác sỹ gia đình mới có kỹ năng áp dụng kỹ thuật trong lâm sàng. Trên tinh thần đó, Khoa đã phát triển thành công hệ thống viễn y bao gồm các thiết bị cá nhân và hệ thống internet kết nối vạn vật để kết nối bệnh nhân với bác sỹ qua thiết bị (hình 1).

Hình 1. Hệ thống viễn y do Khoa Kỹ thuật Y sinh phát triển.

Trong hệ thống này, thiết bị cá nhân được thiết kế để bệnh nhân có thể mang theo mình, dễ dàng đo huyết áp, đường huyết hay chức năng hô hấp… Các thiết bị này là cầu nối mấu chốt để kết nối bác sỹ cũng như người thân của bệnh nhân và bệnh nhân với nhau trong hệ thống internet kết nối vạn vật (hình 1) bằng công nghệ điện toán đám mây. Hệ thống tạo thành một dịch vụ y tế điện tử hoàn chỉnh, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác. Với hệ thống này, bệnh nhân và bác sỹ sẽ được trang bị một máy đo theo nhu cầu. Bác sỹ sẽ đăng nhập thông tin bệnh nhân, máy đo và mở một tài khoản cho bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân sử dụng máy đo khi cần thiết, dữ liệu đo sẽ được tự động gửi lên máy chủ. Bệnh nhân có thể truy cập vào một website cá nhân (với tài khoản và mật mã riêng) để xem các kết quả đã đo (dưới hình thức biểu đồ và số liệu) và hồ sơ cá nhân của mình. Bác sỹ có thể truy cập vào website để xem kết quả đo, chẩn đoán, lấy quyết định và quản lý hồ sơ bệnh nhân của mình. Trong trường hợp dữ liệu bệnh nhân vừa đo được vượt ra ngoài mức an toàn, hệ thống sẽ cảnh báo để bác sỹ xem xét và ra quyết định kịp thời. Hệ thống cũng cho phép bác sỹ kê toa trực tuyến hoặc tư vấn bệnh nhân từ xa.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh cao huyết áp đang tăng rất nhanh. Năm 1960 tỷ lệ này là 1,5% người trưởng thành; năm 2000 lên tới trên 16%; năm 2016 là 47% (tương đương gần 21 triệu người). Trong số đó có gần 40% người bị cao huyết áp mà không biết; trên 80% người bị cao huyết áp nhưng không theo dõi thường xuyên. Bệnh cao huyết áp thường không thể hiện nhiều triệu chứng mà tiến triển âm thầm và được coi là “kẻ giết người thầm lặng” với số ca tử vong trên 100.000 ca/năm. Do đó Khoa Kỹ thuật Y sinh đã đặt ưu tiên trong việc tầm soát và chăm sóc bệnh này. Thông qua sự tài trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, Khoa Kỹ thuật Y sinh đã nghiên cứu chế tạo thiết bị đo huyết áp và nhịp tim công nghiệp (được gọi là máy viễn áp, hình 2) cũng như hoàn thiện hệ thống internet kết nối vạn vật. Máy viễn áp đã được đo kiểm về độ chính xác áp suất tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Máy này cũng có thể được sử dụng như một holter để đo huyết áp và nhịp tim người dùng liên tục suốt ngày với khoảng cách thời gian mong muốn.

Hình 2. Máy viễn áp đã được phát triển và sản xuất hàng loạt tại Khoa Kỹ thuật Y sinh.

Trong hệ thống internet kết nối vạn vật mà Khoa đã phát triển, các thông tin đều được bảo mật, chỉ bệnh nhân mới có quyền chia sẻ thông tin của mình cho bác sỹ chăm sóc hoặc người thân, và được thể hiện trên website và app cho cả bệnh nhân lẫn bác sỹ. Chúng bao gồm thông tin về bệnh nhân, bác sỹ chăm sóc, bệnh lý, phác đồ điều trị, dữ liệu đo được từ máy viễn áp, bệnh án, ảnh hưởng và hiệu quả của thuốc đã được dùng, trao đổi giữa bệnh nhân và bác sỹ. Do đó bác sỹ phụ trách hay người được chỉ định có thể biết tình trạng bệnh nhân một cách nhanh chóng, thuận tiện và chính xác để chăm sóc. Hệ thống đã đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các thiết bị đầu cuối và phụ trợ trong hệ thống thông tin di động GSM và DCS.

Máy viễn áp và hệ thống viễn y đã được sử dụng để kiểm soát bệnh tăng huyết áp cho 200 thành viên thuộc Ban Bảo vệ và chăm sóc cán bộ trung cao của tỉnh Bình Dương (100 thành viên sử dụng máy viễn áp và 100 thành viên là nhóm kiểm chứng). Theo khảo sát được thực hiện, trên 90% bệnh nhân, bác sỹ và điều dưỡng đã đánh giá cao máy viễn áp và hệ thống viễn y  [8].

Để chuẩn bị cho việc liên tục đưa thiết bị viễn y mới ra thị trường, Khoa đã thiết kế nhiều sản phẩm hữu ích khác như: máy đo SPO2, máy theo dõi nhịp thở từ xa, máy hô hấp ký từ xa, máy niệu gia ký viễn thông, máy holter điện tim viễn thông (hình 3), máy điện tim viễn thông… Tất cả đều có thể kết nối vào hệ thống internet kết nối vạn vật và sẵn sàng cho việc chuyển giao công nghệ.

Hình 3. Máy holter điện tim viễn thông, đo điện tim bệnh nhân trong suốt 24 giờ. Kết quả được hiển thị với thời gian thực trên điện thoại di động.

“Kinh thầu” trong kỹ thuật y sinh

Tiềm năng phát triển thị trường viễn y là rất lớn. Việc sản xuất các thiết bị này phù hợp quy mô của các doanh nghiệp nhỏ hay các công ty khởi nghiệp của học sinh, sinh viên như Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT, ngày 30/03/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn số 1832/BGDĐT-GDCTHSSV, ngày 8/05/2018. Tuy nhiên, trong quá trình đưa các sản phẩm trên ra thị trường, chúng tôi nhận thấy có khoảng cách lớn giữa hàn lâm, doanh nghiệp và nhà nước mà chủ yếu là nhân sự hàn lâm chưa được chuẩn bị tốt [9]. Do đó, chúng tôi đề xuất xây dựng chương trình “Kinh thầu trong kỹ thuật y sinh”* chú trọng việc xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân lực biết tổ chức và thực hiện những công đoạn để tăng hiệu quả việc đưa ra thị trường những sản phẩm hàn lâm, cũng như mang nhu cầu của thị trường vào hoạt động hàn lâm để tìm giải pháp và thiết kế thành phẩm. Điều này tương tự như người thầu xây dựng biết biến bản vẽ của kiến trúc sư thành ngôi nhà và mang nhu cầu của khách hàng cho kiến trúc sư giải quyết. Kinh thầu bao hàm khái niệm “tinh thần khởi nghiệp” hay “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” hoặc các khái niệm tương tự. Các môn học trong chương trình kinh thầu nhằm đào tạo sinh viên có kỹ năng thực tiễn để đưa sản phẩm hàn lâm ra thị trường. Sinh viên sẽ được thực nghiệm về kỹ thuật để biết sản xuất công nghiệp,  pháp lý để biết bảo vệ sở hữu trí tuệ, thảo luận hợp đồng với doanh nghiệp và kinh doanh để biết cách chuyển giao công nghệ hay thành lập công ty khởi nghiệp. Chương trình kinh thầu này được đánh giá là thành công khi đào tạo được những kỹ sư doanh nhân biết “biến ý tưởng hàn lâm thành thiết bị y tế vào tay người tiêu thụ” một cách nhanh chóng, thông suốt và có hiệu quả kinh tế.

*Kinh thầu là cách nói tắt của “thầu khoán trong kinh doanh”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] https://www.americantelemed.org/.

[2] https://www.gminsights.com/industry-analysis/telemedicine-market.

[3] Bộ Y tế (2016), Quyết định số: 445/QĐ-BYT, ngày 5/2/2016 về kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 của Bộ Y tế.

[4] Bộ Y tế (2013), Quyết định số: 774/QĐ-BYT, ngày 11/3/2013 phê duyệt Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020.

[5] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chuong-trinh-muc-tieu-y-te-dan-so/-/2018/810905/giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-qua-tai-kham%2C-chua-benh-tai-cac-benh-vien.aspx.

[6] Bộ Y tế (2019), Quyết định số: 4888/QĐ-BYT, ngày 18/10/2019 phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025.

[7] Bộ Y tế (2020), Quyết định số: 5316/QĐ-BYT, ngày 22/12/2020 phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

[8] Vien V. Phu, Do M. Thai, Nguyen L. T. An, Tran N. Viet, Nguyen P. Nam, Vo V. Toi (2021), “Efficiency evaluation of a pilot telemedicine system to monitor high blood pressures in Binh Duong province (Vietnam)”, Proceedings of the 8th International on the Development of Biomedical Engineering in Vietnam, Springer, 2021.

[9] Võ Văn Tới (2022), “Kỹ Thuật Y Sinh đại cương”, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

CUỘC THI “BME INNOVATION 2021”

 

CUỘC THI “BME INNOVATION 2021”

Cuộc thi “BME Innovation 2021” (Sáng tạo Kỹ thuật Y Sinh 2021) được khai màn vào giữa tháng 4/2021 nhằm chọn ra các ý tưởng hay về nghiên cứu và giải pháp ứng dụng Kỹ thuật Y Sinh trong việc chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán và điều trị các bệnh thường gặp hoặc mãn tính.

Do tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, mọi hình thức triển khai cuộc thi năm 2021 đã được quy về trực tuyến, qua nền tảng Zoom. Tuy hình thức thay đổi nhưng cuộc thi vẫn diễn ra một cách suôn sẻ, thu hút nhiều ý tưởng hay và độc đáo không chỉ đến từ các sinh viên đang học tập tại trường Đại học Quốc tế mà còn các bạn sinh viên đến từ nhiều trường thuộc khối Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Chí Minh hay cả các trường Đại học khác trong địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, đối tượng tham gia còn được mở rộng đến các bạn còn là học sinh ở các trường cấp ba tp.HCM.

Với chủ đề “Engineering and Technology solutions applied in medicine”, ban tổ chức hướng đến các nghiên cứu và giải pháp ứng dụng tiêu chuẩn trong Kỹ thuật, Công nghệ Y Sinh học trong việc chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán và điều trị các bệnh thường gặp hoặc mãn tính. Vì vậy, việc tìm kiếm và sáng tạo các ý tưởng nghiên cứu và giải pháp về khoa học thần kinh học (neurosciences), trí tuệ nhân tạo (AI), chẩn đoán bệnh tại chỗ (Lab-on-the chip), quang tử Y- Sinh (Biophotonics), dược liệu – kỹ thuật dược (pharmaceutical engineering), vật liệu sinh học (biomaterial), y học nano (nano-medicine), tế bào gốc (stem cells), công nghệ sinh học (biotechnology), … đều được được xem xét và ủng hộ. Các ý tưởng khả thi và sáng tạo sẽ được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển.

Với sự khuyến khích phát triển các đề tài nghiên cứu, nhiều sản phẩm cũng như ý tưởng độc đáo đến từ các 21 đội/cá nhân đã trình làng đến cuộc thi năm nay có thể kể đến như Chest X-ray Abnormality Detection-Hệ thống phát hiện những vùng bất thường trên hình ảnh X quang (nhóm Chest X-ray, trường Đại học Quốc Tế), Sức Khỏe Toàn Dân (nhóm A1Friends, Khoa-Y ĐHQG TP.HCM, Đại học Y Dược  TP.HCM, Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật),… và các ý tưởng cá nhân như Identify the effect of high D-Glucose on reactive Oxygen species production in Human Adipose Tissue-Derived Mesenchymal Stem Cells-Ảnh hưởng của nồng độ D-glucose cao lên sự sản sinh các gốc oxy hóa tự do của tế bào gốc mô mỡ  (N.N.Y.Nhi, trường Đại học Quốc Tế ĐHQG TP.HCM), Investigation of electrospun based curcumin nanocomposite on wound dressing-Nghiên cứu về ứng dụng băng vết thương của màng chế tạo bằng phương pháp electrospinning tả nano curcumin (N.N.Yen, trường Đại học Quốc Tế ĐHQG TP.HCM),… Ngoài ra còn có các ý tưởng độc đáo khác. Tất cả ý tưởng của các bạn đều góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng và hệ thống chăm sóc sức khỏe đang còn nhiều vấn đề bất cập hiện nay.

Ban tổ chức đã tổ chức mở workshop “ The tip of the iceberg” để hỗ trợ, hướng dẫn các đội/cá nhân trong việc báo cáo sản phẩm dự thi bằng sự quan tâm của ban tổ chức BME INNOVATION COMPETITION 2021. Sau quá trình dài tham gia, các đội/cá nhân đã xuất sắc vượt qua 2 vòng thi đầu, 12 đội/cá nhân đã được chọn và đánh giá một cách khách quan để góp mặt vào vòng chung kết bởi thầy/cô đồng thời là phó giáo sư/tiến sĩ đang làm việc tại trường Đại học Quốc Tế ĐHQG TP.HCM, ở đây các thí sinh cần đưa ra một bài báo cáo ( thuyết trình) về ý tưởng của mình. Các đội đã đoạt giải bao gồm (Tên đội – Ý tưởng dự thi) :

▪ 2 Giải nhì:

Nanovac – Covid 19 oral vaccine applied protein’s conjugating modified Silica (Tổng hợp hạt nano silica ứng dụng phát triển vaccine uống ngừa covid 19).

Chest X-RAY – Chest X-ray Abnormality Detection (Hệ thống phát hiện những vùng bất thường trên hình ảnh X quang).

▪3 Giải ba:

ChipChipVibes – Digital microfuidics (DMF) for point-of-care bacteria detection for diabetic foot (Thiết bị vi lỏng kĩ thuật số phát hiện vi khuẩn tại chỗ cho bàn chân bệnh nhân đái tháo đường).

ChamKam – Phát hiện trầm cảm bằng học máy.

PocketAD – Design a Amyloid Beta-40/42 quanification test strip to diagnose Alzhimer’s disease (Phát triển thiết bị định lượng Amyloid Beta 40/42 nhằm chẩn đoán Alzheimer).

▪ 3 Giải Khuyến Khích:

A1Friends – SỨC KHỎE TOÀN DÂN

H.N.Y.Nhi – Identify the effect of high D-Glucose on reactive Oxygen species production in Human Adipose Tissue-Derived Mesenchymal Stem Cells (Ảnh hưởng của nồng độ D-glucose cao lên sự sản sinh các gốc oxy hóa tự do của tế bào gốc mô mỡ).

N.N.Yen – Investigation of electrospun based curcumin nanocomposite on wound dressing (Nghiên cứu về ứng dụng băng vết thương của màng chế tạo bằng phương pháp electrospinning tả nano curcumin).

(Hình ảnh các đội đã đoạt giải bên dưới )

Ngoài ra, Rising star là giải dành cho các thí sinh có video về ý tưởng với số lượt bình chọn, comments, shares trên facebook được thêm vào cuộc thi năm nay nhằm tìm ra các đội/ cá nhân có sản phẩm được yêu thích đến từ các khán giả trực tuyến. Các đội/cá nhân đạt giải bao gồm ( Tên-Ý tưởng dự thi):

▪2 Giải Rising Star:

ChipChipVibes – Video 206 reactions, 249 comments, 192 shares

A1Friends – Video 170 reactions, 196 comments, 155 shares

(Hình ảnh các đội đã đoạt giải bên dưới)

Tuy các đội/cá nhân khác không đạt được kết quả như mong muốn nhưng ban tổ chức rất trân trọng sự tham gia, góp mặt của các bạn và mong rằng sẽ có sự đồng hành của các bạn trong các mùa thi năm kế tiếp.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cuộc thi BME INNOVATION COMPETITION 2021 xin cảm ơn quỹ tài trợ từ Công ty TNHH Phát triển Khoa học Vitech. Vitech Development là Công ty phân phối ủy quyền tại Việt Nam các sản phẩm Thermo Scientific, Invitrogen, Gibco và các thương hiệu khác. Vitech ra đời với sứ mệnh cung cấp những sản phẩm chất lượng tốt nhất và dịch vụ hoàn hảo đến với khách hàng. Các sản phẩm bao gồm các hóa chất, sinh phẩm cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học Sinh học cơ bản (nghiên cứu hệ gen, protein), nghiên cứu và sản xuất vắc xin, chẩn đoán y sinh, an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y. Vitech nghiên cứu và phát triển nhằm cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao, các giải pháp công nghệ tiên tiến tối ưu giúp đẩy nhanh tiến độ đưa các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống và phục vụ sự nghiệp chăm sóc y tế.

Một lần nữa, Ban tổ chức cuộc thi “Sáng Tạo Y Sinh 2021” xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và rất mong rằng sẽ được đồng hành cùng các bạn học sinh/sinh viên và công ty cho các sự kiện sắp tới của khoa.

Mọi thông tin chi tiết vui lòng theo dõi các nguồn thông tin sau đây:

WEBINAR ROAD TO BME – Kỹ thuật Lab-on-Chip và ứng dụng Cảm biến Sinh học – 05/08

? Fanpage Đoàn Hội Khoa Kỹ Thuật Y Sinh – ĐH Quốc Tế TP.HCM: https://www.facebook.com/iubmevietnam ? Fanpage Khoa Kỹ Thuật Y Sinh – ĐH Quốc Tế TP.HCM: https://www.facebook.com/HCMIUBME

WEBINAR ROAD TO BME – ĐỊNH HƯỚNG KỸ THUẬT MÔ & Y HỌC TÁI TẠO, KỸ THUẬT DƯỢC – 29/07/2021

ROAD TO BME – Chuỗi webinar nhằm giới thiệu cho các bạn sinh viên những định hướng chuyên ngành trong ngành Kỹ Thuật Y Sinh được tổ chức online thông qua nền tảng Zoom. ? Fanpage Đoàn Hội Khoa Kỹ Thuật Y Sinh – ĐH Quốc Tế TP.HCM: https://www.facebook.com/iubmevietnam ? Fanpage Khoa Kỹ Thuật Y Sinh – ĐH Quốc Tế TP.HCM: https://www.facebook.com/HCMIUBME

WEBINAR ROAD TO BME – ĐỊNH HƯỚNG XỬ LÝ TÍN HIỆU VÀ HÌNH ẢNH Y SINH – 28/07/2021

ROAD TO BME – Chuỗi webinar nhằm giới thiệu cho các bạn sinh viên những định hướng chuyên ngành trong ngành Kỹ Thuật Y Sinh được tổ chức online thông qua nền tảng Zoom. ? Fanpage Đoàn Hội Khoa Kỹ Thuật Y Sinh – ĐH Quốc Tế TP.HCM: https://www.facebook.com/iubmevietnam ? Fanpage Khoa Kỹ Thuật Y Sinh – ĐH Quốc Tế TP.HCM: https://www.facebook.com/HCMIUBME