Ông Chandrn Nair và GS.TS Võ Văn Tới

Vừa qua, National In struments (NI), công ty hàng đầu thế giới về công nghệ và trường ĐH Quốc tế (IU) – ĐH Quốc gia TPHCM đã ký kết hợp tác đưa công nghệ hàng đầu vào giáo dục Kỹ thuật Y sinh tại Việt Nam. Tại buổi gặp mặt giữa NI và UI, ông Chandran Nair, Giám đốc điều hành NI tại TPHCM đã trả lời phỏng vấn báo Công Thương.

CôngThương – Ông vui lòng cho vài nhận xét đánh giá về nền kỹ thuật Y sinh (KTYS ) ở Việt Nam?

KTYS  là một lĩnh vực đa ngành, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào việc tạo ra  các phương pháp nghiên cứu và thiết bị y tế, phục vụ cho sức khỏe cũng như giúp hiểu biết sâu hơn về các tiến trình sinh học của con người. Những sản phẩm của ngành này bao gồm máy CT-scanner, X-quang, điện tâm đồ, nội soi, bộ phận nhân tạo trong cơ thể người, vật liệu sinh học…

Hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 200 triệu USD về các thiết bị y tế nói chung. Và mỗi năm con số này lại tăng thêm 10%. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu tăng sản xuất nội địa các thiết bị y tế lên 60% nhưng năm 2010 các bạn chỉ đạt 20%. Có thể nói Việt Nam là một thị trường có nhu cầu nhập khẩu các thiết bị y tế rất lớn. Trên thế giới KTYS là một ngành phổ biết nhưng ở Việt Nam lĩnh vực này còn rất mới mẻ.

Mục tiêu của dự án hợp tác giữa NI với IU là gì thưa ông?

Nhu cầu về thiết kế, thử nghiệm và các hệ thống điều khiển phức tạp tại Việt Nam đã tăng một cách đáng kể trong những năm qua. Ngành  y sinh Việt Nam mới được đưa vào nghiên cứu đào tạo vài năm nay, được mở tại trường Đại học Quốc tế (IU) khoảng bốn năm, tôi đánh giá cao sự tìm tòi và nghiên cứu cùng những thành quả đạt được trong việc giúp sinh viên tiếp cận với các công cụ giáo dục tiên tiến,  sử dụng thuận lợi các cảm biến sinh học cho nghiên cứu và thiết kế các thiết bị ý tế mới. Cùng với sự cần thiết của việc phát triển ngành KTYS tại Việt Nam, chiến lược cốt lõi của NI là đào tạo và tạo điều kiện cho các thế hệ kỹ sư và nhà khoa học của ngành KTYS, chúng tôi rất vui mừng và tin tưởng vào việc đóng góp vào các nghiên cứu đột phá trong KTYS tại Việt Nam trong tương lai, thông qua dự án hợp tác trên.

Những đóng góp của NI đối với việc phát triển nền KTYS Việt Nam là gì, thưa ông?

Mục tiêu lâu dài của chúng tôi trong lĩnh vực KTYS  y tế tại Việt Nam là hỗ trợ và nâng cao chất lượng cho ngành Giáo dục và Đào tạo Kỹ thuật Y Sinh học ở Việt Nam. Bao gồm hướng dẫn kỹ thuật, giúp các giảng viên và sinh viên tiếp cận với các công cụ giáo dục tiên tiến cho nghiên cứu và thiết kế các thiết bị y tế mới. Về lâu dài dự án sẽ giúp nâng cao hiệu quả phục vụ cộng đồng, và đặc biệt là hướng tới đông đảo người dân, với mục tiêu giảm giá thành của quá trình sản xuất ra các sản phẩm y tế, thông qua đó giảm chi phí cho dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng.  Đây chính là lí do NI sẽ chính thức hợp tác với Khoa Kỹ thuật Y Sinh của trường Đại học Quốc tế trực thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (BME – HCMIU).

Xin cảm ơn ông!

GS.TS Võ Văn Tới, trưởng Bộ môn Kỹ Thuật Y sinh trường Đại học Quốc tế (IU), ĐHQG TPHCM.

Hàng năm chúng ta phải nhập các thiết bị y tế từ chuyên sâu, tối tân đến các thiết bị đơn giản, hoặc nếu có sản xuất thì cũng chỉ là mua đi bán lại, lắp ráp từ các thị trường như Đài Loan, Malaysia, Thái Lan. Thậm chí có thể từ Campuchia, Lào trong tương lai nếu chúng ta không làm gì ngay bây giờ. Trong khi việc tạo ra các sản phẩm y tế như thế hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta. Bằng chứng sau 2, 3 năm chúng tôi đã nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong việc phát triển nền y tế viễn thông, giúp người bệnh dễ dàng tự theo dõi sức khỏa của mình tại nhà, thông qua các sản phẩm y tế như: máy đo nhịp tim, máy đo huyết áp, máy đo hoạt động của phổi, xe lăn điều khiển không cần dùng tay, chân cho người tàn tật…

Phạm Thủy