GS Võ Văn Tới, một trí thức Việt kiều, hiện đang làm việc tại Trường Đại học Tufts – Hoa Kỳ và là thành viên của Quỹ hỗ trợ giáo dục Việt Nam (do Chính phủ Hoa Kỳ thành lập). Ông là người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc hợp tác, giúp đỡ các nhà khoa học Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ y sinh học. Vừa qua, nhân dịp ông về nước làm việc (chuẩn bị cho Hội thảo quốc tế đầu tiền về công nghệ y sinh học sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 7.2005), Tạp chí Hoạt động Khoa học đã có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn ông về kinh nghiệm phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Hoa Kỳ và một số suy nghĩ của ông trong việc phát triển loại hình doanh nghiệp mới này ở Việt Nam.

Tạp chí HĐKH: Thưa ông, ở Hoa Kỳ có những cách thức nào nhằm thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học?

GS Võ Văn Tới: Ở Hoa Kỳ có nhiều cách, ở đây tôi chỉ xin dẫn cứ ra 2 cách thức chính để đưa các sản phẩm nghiên cứu ra thị trường dưới dạng các sản phẩm hàng hóa:

Cách thứ nhất, do Chính phủ tài trợ, theo 2 chương trình sau:

–  SBIR (Small Business Innovation Research): Đòi hỏi người chủ trì dự án phải trực thuộc một công ty nhỏ, và người đó phải có thời gian làm việc cho dự án cũng như trong công ty đó ít nhất là 51%  trong khoảng thời gian được tài trợ (quá bán). Bản chất của chương trình này nhằm giúp các nhà khoa học là chủ doanh nghiệp có thể đổi mới công nghệ.

–  STTR (Small Business Technology Transfer): Đòi hỏi người chủ trì dự án phải có liên hệ với một công ty nhỏ, người đó có quyền tiếp tục công việc của mình trong trường đại học hoặc trong cơ quan nghiên cứu trong khi làm dự án và thời gian làm việc cho dự án phải ít nhất là 30%. Bản chất của chương trình này là hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các tổ chức nghiên cứu cho các doanh nghiệp nhỏ.

Vì SBIR và STTR là các chương trình do Chính phủ tài trợ, do vậy, có nhiều bộ, ngành của Chính phủ như Bộ Công nghiệp, Bộ Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Quỹ Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, Quỹ Nghiên cứu Y tế… đều có chương trình riêng cho họ. Hàng năm, họ đều trích ra một số tiền trong ngân sách nghiên cứu và phát triển của họ để tài trợ cho chương trình đó. Lấy một thí dụ cụ thể là: Trong năm tài chính 2005, Bộ Năng lượng đã trích ra 2,5% (tương đương với 100 triệu USD) số tiền trong ngân sách nghiên cứu và phát triển của Bộ cho chương trình SBIR và 0,3% (tương đương với 12 triệu USD) cho chương trình STTR. Mục đích của những chương trình này là để khuyến khích những người làm nghiên cứu biến ý tưởng (sản phẩm tinh thần) thành những sản phẩm (kết quả nghiên cứu), sản xuất và thương mại hoá các sản phẩm này.

Thông thường, các chương trình này có 3 giai đoạn:

–   Giai đoạn 1: Khoảng 6 tháng (cho chương trình SBIR) hoặc một năm (cho chương trình STTR). Chính phủ tài trợ một khoản kinh phí ban đầu khoảng 100.000 USD. Mục đích của giai đoạn này là giúp cho những nhà nghiên cứu tìm hiểu, thử nghiệm, xem xét những ý tưởng, mô hình nghiên cứu của mình xem có thể thực hiện được không.

–   Giai đoạn 2: Sau giai đoạn 1, nếu có kết quả cụ thể, dự án sẽ tiếp tục được tài trợ khoảng 750.000 USD (cho SBIR) hoặc 500.000 USD (cho STTR) để người chủ trì dự án thực hiện chương trình nghiên cứu trong khoảng 2 năm để tạo ra các sản phẩm.

–   Giai đoạn 3: Chính phủ không trợ giúp về kinh phí nữa mà sẽ giúp đỡ những công ty đó liên hệ với các công ty tư nhân hoặc các nhà doanh nghiệp nhằm phát triển nguồn vốn và những công nghệ, kỹ thuật đó.

Cách thứ hai, không phụ thuộc vào Chính phủ mà thông qua những nhà doanh nghiệp giàu có (venture capitalist – đầu tư mạo hiểm). Những danh gia này sẽ tự tìm hiểu những sản phẩm gì sẽ mang lại cho họ nhiều lợi nhuận nhất trong tương lai để đầu tư vào những nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm đó thông qua các công ty. Với sự đầu tư này, họ sẽ có quyền kiểm soát những công ty đó; hoặc có thể thành lập ra một nhóm điều hành những công ty này, nhóm các nhà khoa học nghiên cứu chỉ chiếm một số cổ phần nhỏ trong công ty (không quá 1/3). Cách thức này giúp cho các nhà khoa học có thể đưa những ý tưởng nghiên cứu của mình thành hiện thực với sự trợ giúp kinh phí của các danh gia lớn.

Tạp chí HĐKH: Với 2 chương trình SBIR và STTR, tại sao Chính phủ Hoa Kỳ lại chấp nhận tài trợ cho các chương trình này mà không đòi hỏi một điều kiện nào?

GS Võ Văn TớiThông qua các chương trình hỗ trợ này, Chính phủ sẽ gián tiếp thúc đẩy, khuyến khích các ngành công, kỹ nghệ bằng cách đưa những nghiên cứu từ các viện, trường đại học (khối hàn lâm) ra cuộc sống, làm cho những ngành công, kỹ nghệ đó phát triển. Từ đó, hàng hóa sẽ phát triển đa dạng, phong phú hơn, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho xã hội, đóng thuế cho Nhà nước… Đó chính là một cách làm lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Ngoài ra, trong một chương trình nghiên cứu năm 1982, người ta nhận thấy rằng những công ty nhỏ thường hữu hiệu và năng động hơn những công ty lớn. Nếu tính theo tỷ lệ đầu người của công ty thì số lượng sáng kiến đề xuất từ những công ty nhỏ cao gấp 2,5 lần so với những công ty lớn. Trong khi đó, những công ty lớn lại nhận được số tiền tài trợ của Chính phủ lớn gấp 3 lần so với các công ty nhỏ. Bởi thế, Chính phủ Hoa Kỳ mới quyết định tung ra chương trình SBIR để khuyến khích các công ty nhỏ tham gia vào chương trình nghiên cứu của Chính phủ. Dựa trên sự thành công của chương trình SBIR, chương trình STTR đã được ra đời 10 năm sau đó.

Tạp chí HĐKH: Như vậy, ở Hoa Kỳ, mô hình doanh nghiệp KH&CN thông qua 2 chương trình trên có thể được gọi là các Start – up (khởi nghiệp) ? Ngoài ra, Hoa Kỳ còn loại hình doanh nghiệp KH&CN nào khác nữa?

GS Võ Văn Tới:Ở Hoa Kỳ có 3 mô hình doanh nghiệp KH&CN chính, đó là: Start-up, Spin-offs, Incubator,  trong đó:

– Start-up (khởi nghiệp): Là danh từ chung để chỉ những công ty nhỏ do các cá nhân hoặc tổ chức thuộc khối hàn lâm (viện nghiên cứu, trường đại học) thành lập ra để bắt đầu nghiên cứu hay thiết kế một sản phẩm nào đó. Đây là những công ty nhỏ độc lập có tư cách pháp lý để có thể nhận được tài trợ từ Chính phủ (thông qua 2 chương trình SBIR và STTR đã nêu trên) hoặc từ tư nhân. Thông thường, những công ty này được hưởng những quyền lợi đặc biệt về thuế trong những năm đầu.

– Spin-offs (thừa kế), hay còn gọi là Spin – out. Đây là mô hình công ty mẹ – con. Công ty con sẽ tách ra từ Công ty mẹ, nhưng vẫn chịu sự điều hành của Công ty mẹ (Công ty mẹ vẫn giữ cổ phần lớn trong Công ty con). Lý do của sự hình thành những công ty này là vì một nhóm các chuyên gia nghiên cứu trong Công ty mẹ đã thành công hay có khả năng thành công trong một hoạt động hay một lĩnh vực hơi xa với những hoạt động bình thường của công ty mẹ. Như vậy, tách rời nhóm này để tạo thành một công ty mới có “căn cước” (identity) mới sẽ dễ có khả năng thu hút sự chú ý của những doanh nghiệp trong ngành. Mô hình này cũng được áp dụng để nối kết sự liên hệ giữa công ty và tổ chức thuộc khối hàn lâm.

– Incubator (vườn ươm): Công ty đó vẫn nằm trong khu vực hàn lâm (viện nghiên cứu, trường đại học). Đây là trường hợp các nhân viên trong trường đại học phát kiến ra những sản phẩm có thể mang lại lợi nhuận nếu có thêm thời gian để phát triển đúng mức. Trường đại học sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho đến khi sản phẩm đó trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp. Trong trường hợp đó, trường đại học sẽ chia lợi với các doanh nghiệp và dùng số tiền lời đó để giúp các nghiên cứu sinh của trường.

Tạp chí HĐKH: Theo ông, ở Việt Nam nên phát triển các doanh nghiệp KH&CN theo cách nào?

GS Võ Văn Tới:Ở Việt Nam, có lẽ nên phát triển và áp dụng phổ biến cách thức thứ nhất, với sự hỗ trợ của Chính phủ (mô hình SBIR, STTR). Trong đó, Chính phủ cần có những điều khoản quy định rõ ràng về quyền lợi, những tiêu chí và điều kiện của người thẩm định, xét duyệt và đánh giá khả năng thực thi những kế hoạch nghiên cứu (dự án) đó. Ở Hoa Kỳ, Chính phủ mời những giáo sư, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, trình độ, một số danh gia tham gia vào Hội đồng thẩm định, đánh giá những dự án đó. Những thành viên trong Hội đồng này không được trả lương, không có lợi nhuận gì, sẽ tự giải tán sau khi làm xong nhiệm vụ. Đặc biệt, những thành viên của các Hội đồng này không phải là cố định, mà có sự thay đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tế theo từng đề án.

Theo tôi, doanh nghiệp KH&CN là mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư cho việc công nghiệp hoá các kết quả nghiên cứu tiên tiến có ý nghĩa thực tiễn và mang lại lợi nhuận cao một cách nhanh chóng. Nếu Việt Nam sớm phát triển các hình thức doanh nghiệp này thì sự đóng góp của hệ thống KH&CN vào GDP của đất nước sẽ tăng rất nhanh. Những mô hình này sẽ giúp đưa ra thị trường những sáng kiến từ khu vực hàn lâm, tạo sự liên hệ chắc chắn giữa đại học và các công, kỹ nghệ cũng như khuyến khích sinh viên có đầu óc thực tiễn.

Chính phủ Việt Nam cần sớm đặt ra mục tiêu cho các chương trình phát triển này và cần tập hợp được lực lượng các nhà hoạch định chính sách, kể cả các chuyên gia nước ngoài, các trí thức Việt kiều nhằm hoàn thiện khung pháp lý thích hợp cho Việt Nam. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Sinhgapo, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Tạp chí HĐKH: Cảm ơn ông và chúc ông luôn thành công