Lịch sử ngành Kỹ Thuật Y Sinh Việt Nam

Lịch sử ngành Kỹ thuật Y Sinh tại Việt Nam

Võ Văn Tới

Lời tác giả

Bất cứ ai quan tâm đến ngành gì cũng đều muốn biết lịch sử của nó. Viết lịch sử là cả một quá trình nghiên cứu tìm tòi kỹ lưỡng. KỸ THUẬT Y SINH (Kỹ thuật Y Sinh) là một ngành rất mới ở Việt Nam. Do đó viết lại lịch sử của ngành này có lẻ không phải là quá khó. Tuy nhiên nó cần sự chuyên nghiệp. Tác giả của bài này chỉ muốn đưa ra những sự kiện mà cá nhân đã trãi qua và mong ước các đồng nghiệp của mình: GSTS Nguyễn Đức Thuận (ĐH Bách Khoa Hà Nội), GSTS Huỳnh Lương Nghĩa (ĐH Lê Quý Đôn, Hà Nội), TS Huỳnh Quang Linh (ĐH Bách Khoa Tp HCM), GSTS Vũ Công Lập (Tp HCM) sẽ cộng tác để thêm vào những sự kiện hầu hoàn chỉnh bài viết này. Do đó tác giả đã chọn tựa đề này của bài viết để thu hút sự quan tâm của các vị đó cũng như các ký giả.

Dẫn nhập

Kỹ thuật Y Sinh là một lĩnh vực đa ngành, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để phát huy những phương pháp nghiên cứu mới và sáng tạo ra các thiết bị y tế nhằm chữa trị và chăm sóc sức khỏe, cũng như giúp tìm hiểu sâu hơn về các tiến trình sinh học của con người. Kỹ thuật Y Sinh bao gồm những chuyên ngành như Thiết Bị Y Tế, Điện tử Y sinh, Tin Y Sinh, Cơ Y Sinh, Y học tái tạo, v.v… Cần nói rõ là trên thế giới, ngành này, tên tiếng Anh là Biomedical Engineering hay BioEngineering, bao gồm cả ngành Công Nghệ Sinh Học. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Công Nghệ Sinh Học đã được phát triển như một ngành riêng biệt từ trước; do đó những gì được trình bày sau đây sẽ không liên quan đến ngành Công Nghệ Sinh Học.

Các cột mốc thời gian

Năm 1992 khi tác giả là một giáo sư của Đại học Tufts, Hoa Kỳ đến thăm một số trường viện ở Việt Nam thì danh từ Biomedical Engineering (BME) hay Kỹ Thuật Y Sinh (Kỹ thuật Y Sinh) chưa được những người mình tiếp xúc biết đến.

Năm 1995 tác giả xin quỹ nghiên cứu khoa học quốc gia National Science Foundation (NSF) của Hoa Kỳ tài trợ để tổ chức một hội nghị ở Việt Nam về Kỹ thuật Y Sinh; nhưng họ từ chối với lý do là Việt Nam có thể chưa có khả năng phát triển ngành này.

Năm 2002, NSF chấp nhận thành lập một nhóm 7 giáo sư Kỹ thuật Y Sinh của nhiều đại học nỗi tiếng Hoa Kỳ đi khảo sát khả năng phát triển Kỹ thuật Y Sinh ở Việt Nam. Tuy nhiên ngay sau đó dịch SARS bùng phát ở Việt Nam nên chương trình khảo sát này phải hoãn lại.

Tháng giêng 2004, tác giả đã hướng dẫn nhóm giáo sư này đi trình bày về Kỹ thuật Y Sinh và làm cuộc khảo sát tại Đại Học Bách Khoa Hà Nội, Viện Khoa Học Công Nghệ (VAST) ở Hà Nội, NACENLAB ở Hà Nội, Đại Học Bách Khoa Tp HCM, Viện Khoa Học Nhiệt Đới Tp HCM, Đại Học Cần Thơ, v.v… Sau khi trở về, nhóm khảo sát đã trình bày nhận xét của mình và đề nghị một chương trình 5 năm để giúp phát triển Kỹ thuật Y Sinh tại Việt Nam. Tác giả cũng viết vài bài báo hay trả lời phỏng vấn trên Tạp Chí Hoạt Động Khoa Học Công Nghệ của Bộ Khoa Học và Công Nghệ và tạp chí Tia Sáng về việc phát triển ngành Kỹ thuật Y Sinh tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ của chương trình 5 năm kể trên, tháng 7 năm 2005, Hội Nghị Quốc Tế Kỹ thuật Y Sinh lần thứ Nhất được tổ chức tại ĐH Bách Khoa Tp HCM với sự tài trợ của NSF và ĐHQG HCM.

Tháng 7 năm 2007, Hội Nghị Quốc Tế Kỹ thuật Y Sinh lần thứ Nhì được tổ chức tại ĐH Bách Khoa Hà Nội với sự tài trợ của NSF, Vietnam Education Foundation (VEF) và ĐHBK Hà Nội.

Bộ môn Kỹ Thuật Y Sinh tại trường Đại Học Quốc Tế

Đầu năm 2009 tác giả trở về nước làm việc tại ĐHQT.

Tháng 2 năm 2009 tác giả đã trình bày trước PGS TS Phan Thanh Bình (Giám đốc ĐHQG), PGS TS Huỳnh Thành Đạt (phó GĐ), PGS TS Hoàng Dũng (Trưởng Ban Khoa Học và Công Nghệ ĐHQG), PGS TS Hồ Thanh Phong (Hiệu trưởng trường Đại Học Quốc Tế) và ông Thành (Trưởng Ban Kế Hoạch Tài chánh của ĐHQG) một chương trình 5 năm về chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển BME ở ĐHQG. GS Bình đã xem đây như là một mô hình mới tại Việt Nam, song song với mô hình của Chương trình Tiên tiến (nhập khẩu một chương trình của nước ngoài) và mô hình Đại học Xuất sắc (nhập khẩu một trường đại học). Mục tiêu xa của tác giả là mong muốn xây dựng một cái ổ để giúp các bạn trẻ có cơ hội thi thố tài năng và đưa ra một thí dụ để các trí thức Việt Kiều mạnh dạn tham gia đóng góp cho Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu gần, tác giả đặt nặng việc liên kết giữa Giáo dục, Nghiên cứu và Kinh thầu tức là sự liên kết giữa đại học, bệnh viện và doanh nghiệp. Dự định sẽ phát triển theo 2 hướng chính: Thiết kế Thiết bị Y tế để đáp ứng nhu cầu cấp bách của đất nước và trong bước tiếp theo là Y học Tái tạo để hội nhập vào cộng đồng khoa học thế giới.

Đến 16 tháng 3 năm 2009 Bộ môn được ĐHQT thành lập với phương châm: Chất lượng cao, Bền vững và Hữu ích. Lúc đó Bộ môn có 3 thành viên: GSTS Võ Văn Tới, ThS. Ngô Thanh Hoàn (tốt nghiệp tại Hàn Quốc) và ThS. Nguyễn Huỳnh Minh Tâm (tốt nghiệp tại Thái Lan). Trước đó cả 2 đang làm việc tại Khoa Điện tử Viễn thông của ĐHQT. Sau đó TS. Trương Quang Đăng Khoa vừa tốt nghiệp bên Nhật về làm việc trong Bộ môn.

Tháng 8 năm 2009 Đề án thành lập chương trình đào tạo Kỹ Sư Kỹ thuật Y Sinh (4 năm) với mã ngành đào tạo đại học đầu tiên chính thức ở Việt Nam là 52.42.02.04 đã được ĐHQG HCM chấp thuận và áp dụng. Chương trình này nhắm vào sự kết hợp giữa Giáo dục, Nghiên cứu và Kinh thầu (Entrepreneurship). Để đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội, Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh tập trung vào định hướng Nghiên cứu Chế tạo và Ứng dụng Thiết bị Y tế. Mục đích là đào tạo những kỹ sư giỏi được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc trong lĩnh vực giao thoa giữa Y học, Sinh học và Kỹ thuật, và có khả năng vận hành, bảo trì, sửa chữa và chế tạo các thiết bị y tế. Chương trình đào tạo được thiết kế với mục tiêu giúp sinh viên tăng khả năng tư duy và sáng tạo, khả năng tự học và làm việc nhóm cũng như năng lực khoa học và kỹ thuật để có thể hướng đến các vị trí lãnh đạo trong các ngành khoa học và kỹ thuật có liên quan. Chương trình nghiên cứu nhằm tạo cơ hội cho: (1) sinh viên cộng tác với các bác sĩ trong điều trị cũng như nghiên cứu khoa học và (2) giảng viên làm việc với những đề tài độc nhất vô nhị, chỉ có ở Việt Nam hầu thu hút những nhà nghiên cứu và sinh viên Việt Kiều và quốc tế, cũng như hầu nhanh chóng hội nhập với cộng đồng khoa học quốc tế.

Tháng 9 năm 2009 một số sinh viên ĐHQT ngành Công Nghệ Sinh Học, Điện và Công Nghệ Thông Tin khóa 2007 và 2008 xin chuyển qua ngành Kỹ thuật Y Sinh.

Tháng 10 năm 2009 Bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung Tâm Chẩn đoán Y khoa MEDIC hỗ trợ một số thiết bị y tế đã qua sử dụng để làm học cụ cho sinh viên.

Tháng 1 năm 2010, Hội Nghị Quốc Tế về Kỹ thuật Y Sinh lần thứ Ba được tổ chức tại ĐHQT.

Tháng 3 năm 2010, ĐHQG tài trợ một ngân sách 17 tỉ cho 2010-2012 để thiết lập phòng thí nghiệm Kỹ thuật Y Sinh tại ĐHQT. Sau đó ĐHQT tài trợ 1,7 tỉ để thành lập phòng thí nghiệm giảng dạy.

Tháng 9 năm 2010, sau mùa tuyển sinh đầu tiên của Bộ môn, thí sinh ngành Kỹ thuật Y Sinh Đỗ Nguyễn Trung Dũng, trường Nguyễn Thượng Hiền Tp HCM chiếm vị trí Thủ Khoa của ĐHQT.

Tháng 3 năm 2011 Open House được tổ chức để kỹ niêm 2 năm ngày thành lập Bộ môn. Các thiết bị y tế đầu tiên do Bộ môn chế tạo được trình bày trước công chúng. Công ty Shimadzu, Nhật bản hợp tác tài trợ nghiên cứu với Bộ môn.

Tháng 9 năm 2011, sau mùa tuyển sinh thứ 2 của Bộ môn, thí sinh ngành Kỹ thuật Y Sinh Cù Gia Huy, trường Phổ Thông Năng Khiếu Tp HCM chiếm vị trí Thủ khoa ĐHQG.

Tháng 1 năm 2012 Hội Nghị Quốc Tế về Kỹ thuật Y Sinh lần thứ Tư được tổ chức tại ĐHQT.

Tháng 2 năm 2012 những sinh viên khóa 07 của Bộ môn lục tục hoàn thành chương trình Kỹ Sư Kỹ thuật Y Sinh. Đến tháng 10 năm 2012, trong buổi lễ Tốt Nghiệp của ĐHQT có 9 sinh viên được lãnh bằng Kỹ Sư Kỹ Thuật Y Sinh đầu tiên của Việt Nam. Trong nhóm này có 1 sinh viên đoạt Huy chương vàng và 3 sinh viên đoạt bằng khen Nữ Sinh viên Kỹ thuật. Về việc làm, 3 sinh viên được học bổng của các đại học nước ngoài để đi du học Tiến Sĩ tại Hòa Lan, Hoa Kỳ và Canada, 5 sinh viên được các công ty Thiết bị Y tế tại Thành phố tuyển dụng và 1 sinh viên đoạt giải Khuyến khích “Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học Eureka” và đang thực tập tại Bộ môn để tiếp tục học Thạc Sĩ Kỹ thuật Y Sinh.

Cuối năm 2012 Bộ môn liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng đầu tiên: 2 cúp vàng cho 2 sản phẩm y tế do Bộ môn thiết kế trong Chợ Công Nghệ và Thiết Bị Quốc Tế Việt Nam 2012, (International Techmart Vietnam 2012) tại Hà Nội do Bộ Khoa Học và Công Nghệ tổ chức, bằng khen “Đơn vị Nghiên cứu Khoa học Xuất sắc” của ĐHQG và bằng khen “Đơn vị Học thuật Xuất sắc” của ĐHQT. Một giảng viên của Bộ môn được sinh viên cho điểm đánh giá cao nhất trường và được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp tặng bằng khen.

Tháng 12 năm 2012 chương trình đào tạo Thạc Sĩ Kỹ thuật Y Sinh được chấp nhận và việc tuyển sinh bắt đầu ngay sau đó.

Hoạt động của Bộ môn được mở rộng theo 5 hướng:

  1. Thiết Bị Y Tế (Medical Instrumentation): nhằm vào việc ứng dụng những kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu liên quan đến Điện, Điện tử, Viễn thông, Cơ khí, Tin học, Quang học để phát triển những thiết bị y tế tiên tiến và sử dụng chúng trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu cơ cấu sinh học của con người và kỹ thuật lâm sàng (clinical engineering) mới.
  2. Tín Hiệu và Hình Ảnh Y Sinh (Biomedical Signal and Image Processing): nhằm vào việc khám phá ra các bệnh trước khi chúng gây ra tổn thương dựa trên các tín hiệu đo được như điện não, điện tim, điện cơ và điện mắt bằng nhiều phương pháp kể cả mô hình hóa (modeling) và mô phỏng (simulation). Hướng này cũng bao trùm việc xử lý sự tương quan giữa não và máy móc để người sử dụng có thể dùng tư duy để điều khiển các vật dụng chung quanh, cũng như việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence) hay phương pháp thực tại ảo (virtual reality) hay robot để hỗ trợ các hoạt động lâm sàng.
  3. Kỹ thuật dược (Pharmaceutical Engineering): nhằm vào việc nghiên cứu và chế tạo các thiết bị làm ra dược phẩm, các hệ vận chuyển và phóng thích thuốc có kiểm soát, và ứng dụng công nghệ nano và vi mạch trong y dược học. Tiếp cận công nghệ y dược nhằm chủ động nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm điều trị tiên tiến với mục tiêu không những đem lại hiệu quả điều trị cao mà còn nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu các tác dụng phụ cho bệnh nhân.
  4. Y học tái tạo (Regenerative Medicine): nghiên cứu, chế tạo các vật liệu sinh học có cấu trúc tương tự cấu trúc mô hay cơ quan, và kết hợp với tế bào gốc của chính người bệnh để chữa trị nhanh chóng các vết thương hay thay thế các bộ phận hư hỏng của con người. Ngoài ra, ngành y học tái tạo còn nghiên cứu các sản phẩm nhằm phục vụ cho lĩnh vực thẩm mỹ của con người.
  5. Kinh Thầu Y Sinh (Entrepreneurship in BME): nhằm vào việc nghiên cứu phương cách tối ưu để đưa sản phẩm ra thị trường, phương pháp mới để lãnh đạo và điều khiển công ty và bệnh viện trong lĩnh vực thiết bị y tế và kỹ thuật lâm sàng.

Đến cuối năm 2012, Bộ môn có 130 sinh viên và 14 nhân viên trong đó có 8 giảng viên cơ hữu tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng ngoại quốc (1 GSTS, 6 TS và 1 ThS), 1 nghiên cứu viên sau Tiến Sĩ, 2 Th.S. trưởng phòng thí nghiệm (PTN), 2 Kỹ Sư chuyên viên PTN và 1 Thư ký. Ngoài ra, Bộ môn còn có 2 giảng viên khác đã được học bổng của Vietnam Education Foundation (VEF) đi học Tiến Sĩ tại Hoa kỳ.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận và cấp mã ngành đào tạo Đại Học Kỹ thuật Y Sinh (52 52 02 12) và Thạc Sĩ Kỹ thuật Y Sinh (60 52 02 12) theo Danh Mục Giáo Dục Đào Tạo Cấp IV – Trình Độ Cao Đẳng, Đại Học (Ban hành kèm theo Thông tư số 14/2010/TT-BGDĐT ngày 27/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Danh Mục Giáo Dục, Đào Tạo Cấp IV Trình Độ Thạc Sĩ, Tiến Sĩ (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2012/TT-BGDĐT ngày 15/2/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Cho đến thời điểm này ĐHQT vẫn là nơi duy nhất cấp bằng Kỹ sư Kỹ thuật Y Sinh. Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Lê Quý Đôn (Đại Học Kỹ thuật Quân sự) Hà Nội có chương trình Điện tử y Sinh và Đại học Bách Khoa Tp HCM có chương trình Vật Lý Kỹ thuật Y Sinh. Bộ môn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các đại học khác để phát triển ngành này.

(17/2/2013)