Nữ khoa học Việt Nam nghiên cứu, áp dụng sản phẩm phòng nhiễm thuộc họ virus corona

0
20

Người chủ trì nghiên cứu sản phẩm Antiviral colloidal silver có thể phòng nhiễm virus, bao gồm thuộc họ corona và kháng nấm, sát trùng, chính là PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp – Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Y sinh của trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TPHCM.

Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TPHCM xác nhận Khoa Kỹ thuật Y sinh của trường đã nghiên cứu ra sản phẩm Antiviral colloidal silver có thể phòng nhiễm virus, bao gồm thuộc họ corona và kháng nấm, sát trùng. Tuy nhiên hiện sản phẩm mới thử nghiệm và sử dụng trong nội bộ trường.

Trong tình hình dịch bệnh do virus Corona gây ra ngày càng diễn biến phức tạp, việc nghiên cứu được sản phẩm này trở thành thông tin được nhiều người quan tâm.

Người chủ trì nghiên cứu sản phẩm Antiviral colloidal silver chính là PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp – Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Y sinh của trường.

Nữ khoa học Việt Nam nghiên cứu, áp dụng sản phẩm phòng nhiễm thuộc họ virus corona - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Sản phẩm Antiviral colloidal silver do PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp nghiên cứu mới đây (ảnh: Trường ĐH Quốc tế -HCMIU)

Được biết, sản phẩm này gồm các thành phần: nano bạc, chất ổn định nano và ethanol, dùng để xịt lên khẩu trang trước khi mang, sát trùng tay sau khi ho, hắt hơi hoặc trước khi ăn hay sau khi tiếp xúc với động vật, chất thải động vật.

“Việc đeo khẩu trang y tế hiện nay chỉ có tác dụng tránh các dịch tiết có chứa virus, vi khuẩn bắn vào mình chứ không ngăn được virus xâm nhập vào cơ thể. Nhưng nếu xịt dung dịch này lên khẩu trang, thì nano bạc sẽ tạo nên lớp màng bảo vệ ngăn được các loại virus, vi khuẩn, đồng thời diệt sạch chúng”, TS Hiệp giải thích.

Nữ khoa học Việt Nam nghiên cứu, áp dụng sản phẩm phòng nhiễm thuộc họ virus corona - 3

Nhấn để phóng to ảnh

PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (trái) và các cộng sự đang sản xuất sản phẩm (ảnh:Trường ĐH Quốc tế -HCMIU)

Cũng theo TS Hiệp, hiện sản phẩm này chưa được cấp phép của Bộ Y tế và sử dụng trong nội bộ nhà trường. TS Hiệp cũng nói thêm, với sản phẩm này, nhóm nghiên cứu muốn bảo vệ sinh viên và những ai sử dụng sẽ được nhóm hướng dẫn và theo dõi. Lí do khi sử dụng nano bạc cần phải chú ý đến nồng độ và kích thước hạt cho từng ứng dụng cụ thể để phát huy tác dụng và không hại cho sức khỏe.

Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ, hiện khoa Kỹ thuật Y sinh mới sản xuất được 500 chai Antiviral colloidal silver và chỉ sử dụng thử nghiệm nội bộ trường trên tinh thần tự nguyện của mỗi người. Đáng mừng là số lượng đăng ký sử dụng vượt quá số lượng đang có.

“Bản thân tôi cũng đang dùng sản phẩm này. Mình phải đặt niềm tin vào nhà khoa học của trường. Đặc biệt, cô Hiệp từ lâu được biết đến là chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực nano bạc”, ông Khoa chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Khoa, trước đó có một doanh nghiệp đặt hàng sản xuất sản phẩm này nhưng phía trường chưa đồng ý. Lãnh đạo trường này cho biết, để đưa ra thị trường thì sản phẩm phải thực hiện theo đúng quy trình của các bộ ngành.

TS Khoa cũng cho biết thêm, trong bối cảnh tình hình phòng chống dịch do virus Corona nhà trường cũng áp dụng nhiều biện pháp. Bên cảnh sản phẩm của nội bộ trường, bộ phận y tế của trường cũng đã mua sẵn khẩu trang và các sản phẩm diệt trùng khác của Bộ Y tế.

“Chúng tôi để các sản phẩm sát khuẩn, diệt trùng này ở các chốt bảo vệ, khu vực tiếp tân, hành lang mỗi tầng… để phòng dịch. Trước khi sinh viên quay lại học vào ngày 10/2, nhà trường cũng tiến hành sát khuẩn khu vực phòng học, căn tin … của trường”, ông Khoa nói.

Được biết, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á do tạp chí Asian Scientist vinh danh năm 2019 vì có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh.

Năm 2018, TS Hiệp nhận được giải thưởng L’Oréal – UNESCO vì đã phát triển một loại gel nano thông minh có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo mô.

Cũng trong năm 2019, TS Hiệp được trao Giải nhất Giải thưởng Sáng tạo TPHCM cho công trình thuộc lĩnh vực cơ bản “Keo thông minh trong điều trị lành thương”.

Cuối năm 2019, TS Hiệp cũng đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư của Hội Đồng Giáo Sư Nhà Nước.