TRẦN MINH PHƯƠNG NAM: “TÔI NGHĨ MÌNH CÓ THỂ VÀ TÔI ĐÃ LÀM ĐƯỢC”

0
7

Ngoài danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp ĐHQG-HCM 3 năm liền, Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương năm 2018, Trần Minh Phương Nam (sinh viên năm IV, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM) còn là một trong 35 nhà nghiên cứu trẻ trên toàn thế giới vừa hoàn thành chuyến thực tập tại Viện Nghiên cứu Khoa học Weizmann (Israel) vào đầu năm 2018.

Trần Minh Phương Nam nhận danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp ĐHQG-HCM 3 năm liền. ẢnhBan Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM

Sớm làm quen công việc nghiên cứu

Phương Nam cho biết khi mới học năm nhất anh đã xin các thầy cô vào LAB và được sự ủng hộ từ Khoa Kỹ thuật Y sinh để tham gia nghiên cứu. Phương Nam nhớ lại: “Tôi phải mất một khoảng thời gian khá dài để làm quen với công việc tại đây. Đến giữa năm thứ hai tôi được làm chung đề tài với các anh chị khóa trên, trong đó có đề tài ‘Keo dán vết thương’ của chị Nguyễn Thị Xuân Nghi. Khi chị Nghi đi thực tập ở nước ngoài, tôi là người tiếp tục theo đuổi đề tài này”.

Phương Nam nói sở dĩ anh chọn ngành Kỹ thuật Y sinh vì đơn giản anh vốn thích học hai môn sinh và hóa nên “chắc chắn chỉ thi khối B thôi chứ không thể thi khối nào khác được”. Nhưng việc anh theo đuổi hướng nghiên cứu hàn lâm thì trái với “truyền thống gia đình”, bởi cả ba và mẹ của anh đều gắn bó với ngành y và muốn hướng anh theo con đường đó. “Tôi từng nghĩ vấn đề lớn nhất của mình là ước mơ của mẹ. Mẹ muốn tôi trở thành bác sĩ hơn. Nhưng bây giờ thì ổn rồi, tôi đã thuyết phục được mọi người rằng đây là hướng đi phù hợp nhất với tôi và tôi đang làm rất tốt” – Phương Nam tâm sự.

Gần 4 năm cố gắng tìm tòi, đến nay Phương Nam đã có 3 đề tài nghiên cứu. Trong đó, đề tài “Keo dán vết thương” của nhóm anh đã được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế ISI.

Anh chia sẻ: “Làm nghiên cứu không hề sung sướng, nếu không đam mê thì không thể theo được”. Có những ngày anh phải miệt mài với các thí nghiệm từ 8g sáng đến 4g chiều chỉ để “ngồi khuấy và nhìn mẫu”, rồi sau đó bắt tay vào viết báo cáo.

Kết thúc chuyến thực tập đáng nhớ tại viện nghiên cứu hàng đầu Israel, Phương Nam trở về tiếp tục hoàn thành đồ án cuối khóa của mình. Anh cho biết anh đang tìm kiếm học bổng để học lên và mong muốn sau này trở về khoa giảng dạy. “Ở Khoa Kỹ thuật Y sinh có hai hình mẫu lý tưởng đối với tôi, đó là GS Võ Văn Tới và TS Nguyễn Thị Hiệp. Tôi thấy ở thầy và cô sự tâm huyết và đam mê cống hiến. Còn Khoa Kỹ thuật Y sinh đã trở thành một phần máu thịt của tôi. Tôi thích được chia sẻ kiến thức, được giảng dạy, được trở thành người truyền cảm hứng cho giới trẻ. Tôi cũng muốn được góp phần tạo nên những ‘anh hùng công nghệ’ như các thầy cô đã làm” – anh bộc bạch.

Danh hiệu Sinh viên 5 tốt từng là điều rất khó

Phương Nam cho biết danh hiệu Sinh viên 5 tốt từng là điều rất khó với anh, nhưng một khi đã đạt được rồi thì việc giữ vững khá dễ dàng: “Động lực để tôi giành được danh hiệu này đến từ nhiều phía. Thứ nhất là Khoa Kỹ thuật Y sinh luôn có truyền thống về danh hiệu này. Thứ hai là do tôi luôn nghĩ việc đó là việc có thể, và tôi làm được. Tất nhiên, cũng có một phần may mắn nữa”.

Theo Phương Nam “bí quyết” nằm ở chỗ dung hòa công việc học tập với hoạt động ngoại khóa. “Học tập và nghiên cứu là nhiệm vụ của sinh viên, nó sẽ đưa các bạn đi hết bốn năm đại học nhưng bạn bè và hoạt động ngoại khóa là điều mà sau này các bạn nhớ về bốn năm đó. Thế nên cần phải sử dụng thời gian hiệu quả bằng cách lên kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động. Ngoài ra, khi ngồi trên nghế giảng đường, bạn phải cân bằng giữa học kiến thức và kỹ năng” – anh bày tỏ.

Phương Nam (bên trái) nhận học bổng AmCham năm 2018. ẢnhNVCC

Từng là Bí thư Đoàn Khoa, Phương Nam cho rằng để trở thành sinh viên 5 tốt thì việc tham gia công tác tình nguyện là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, đi và trải nghiệm những hoạt động tình nguyện không phải để làm CV thêm đẹp, hay để “đủ hồ sơ” đạt danh hiệu này kia mà phải xuất phát từ nhiệt huyết của tuổi trẻ. Anh khẳng định: “Với tôi, tham gia tình nguyện là để học cách cho đi và sống vì người khác, đi để thấy trên đất nước mình còn nhiều vấn đề bất cập, cuộc sống người dân nhiều nơi còn rất khó khăn và thiếu thốn”.

Tuổi trẻ đừng ngại thử

Phương Nam ví suốt quãng đời sinh viên của anh là những phép thử. Thử để nhận ra mình đam mê nghiên cứu, cũng có lúc thử để biết được mình… không phù hợp.

Một kỷ niệm đáng nhớ trong việc “dám thử” là lúc Phương Nam mới bắt đầu hành trình nghiên cứu của mình. Anh kể: “Vào tháng 11/2016, nhóm tôi được tài trợ bởi Văn phòng Nghiên cứu Hải Quân Mỹ. Khi qua đó họ đòi hỏi trình bày một bài báo cáo cuối cùng trước các chuyên gia về dự án nghiên cứu. Khoảnh khắc ấy là nỗi ám ảnh kinh khủng với tôi. Nhưng sau khi vượt qua được thử thách đó, tôi cảm thấy mình tự tin hơn và chẳng còn gì phải sợ nữa”.

Phương Nam trải lòng: “Tôi nghĩ mình cũng không đặc biệt lắm so với mọi người. Chỉ khác biệt chút thôi. Tôi thường nói với bạn bè rằng nếu làm thì bạn có thể thất bại, nhưng nếu không làm thì chắc chắn bạn đã thất bại rồi. Vì thế, đừng ngại thử. Cả thời đại học của tôi, có được vài thành công nhỏ cũng là nhờ phương châm đó. Chẳng hạn, tôi thích nghiên cứu, không thích làm kinh doanh, nhưng khi các bạn rủ làm dự án start-up tôi vẫn thử và đạt giải. Với tôi, cứ thử, được thì tốt, không được thì thôi, chẳng mất gì cả”.

Nói về cuộc sống bên ngoài phòng thí nghiệm, Phương Nam cho biết ngoài thời gian nghiên cứu anh thích chơi thể thao để thư giãn. “Ngày còn nhỏ tôi từng giành huy chương đồng môn bóng bàn cấp thành phố. Lên đại học tôi chơi bóng đá, bóng chuyền lẫn bóng bàn… Nói chung là những môn có bóng. Tôi không biết tại sao, nhưng có lẽ ngoài những môn liên quan tới bóng ra thì chẳng có môn nào tôi chơi được” – anh cười.

Hiện tại Phương Nam là sinh viên năm cuối và anh tâm sự rằng anh sẽ dành thời gian tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng học thuật, giao tiếp và cách “săn” học bổng để truyền lửa cho các khóa sau.

KIM QUYÊN – KIM XUYẾN