Báo cáo tổng kết Hội thảo Quốc tế về phát triển Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam lần thứ 9

0
5

Hội thảo Quốc tế về phát triển Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam lần thứ 9 (BME9) với chủ đề “Chuyển giao công nghệ chăm sóc sức khoẻ từ các nước tiên tiến cho các nước đang phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid và chuyển đổi số”. Chủ đề này được lựa chọn để thực hiện đúng chủ trương của Thành phố về việc đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “Thành phố thông minh” trong tương lai. Đặc biệt, chương trình hội thảo cũng như các bài báo cáo đều được số hóa với mã QR mà người tham gia có thể xem nội dung cập nhật (real time) với điện thoại thông minh.

Hội thảo đã nhận được 161 bài báo cáo nghiên cứu của 455 tác giả và đồng tác giả đến từ 14 quốc gia bao gồm Úc, Pháp, Đức, Iran, Malaysia, New Zealand, Ả Rập Saudi, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc và Pháp là 4 quốc gia có sự đóng góp nhiều nhất về số lượng diễn giả và bài báo. Đặc biệt có sự hiện diện của mười bảy vị Giáo sư đầu ngành trên thế giới trình bày trong phiên họp chung  toàn hội thảo (plenary session) và các phiên họp song song theo chủ đề chuyên sâu (parallel session).

Trong 03 ngày diễn ra hội thảo (từ 27/12/2022 đến 29/12/2022), hội thảo BME9 tập trung thảo luận trong 10 phiên với các chủ đề như sau:

  1. Thiết bị Y tế (Medical Instrumentations): Trong phiên họp, các nhà khoa học đã trình bày các báo cáo, các nghiên cứu và các thiết bị y tế mới về y tế viễn thông, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay trên thế giới; các kỹ năng thiết kế và chế tạo ra các loại thiết bị y tế tiên tiến để số hóa dữ liệu, tạo thành dữ liệu số thuận tiện cho việc ứng dụng thông minh nhân tạo (artificial intelligence) trong y tế.
  2. Quang tử Y tế (Biophotonics): Các nhà khoa học đã trình bày những ứng dụng quang học trong y tế. Đây là một hướng nghiên cứu khá mới, phân tích các tín hiệu và hình ảnh y sinh như tín hiệu điện não, điện tim, … bằng việc ứng dụng quang học. Các ứng dụng quang học này có thể giúp khám phá ra các nghiên cứu về cột sống, phát hiện một số lỗi trong các thiết bị y tế hiện hành; sử dụng tia Laser trong điều trị bỏng, …
  3. Kỹ thuật Dược (Pharmaceutical Engineering): Trong phiên họp các diễn giả đã thảo luận về các phương cách, các kỹ thuật hiện đại như công nghệ nano vào bào chế các hệ vận chuyển và giải phóng các hợp chất có hoạt tính sinh học nhằm tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ của thuốc.
  4. Kỹ thuật Mô và Y học tái tạo (Tissue Engineering and Regenerative Medicine): Các diễn giả bàn về những nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc để chế tạo ra những vật liệu mới để tăng hiệu quả điều trị cũng như thúc đẩy sự tái tạo, sự lành thương một cách nhanh chóng. Đồng thời chế tạo ra những vật liệu sinh học mới từ những sản phẩm có nhiều ở Việt Nam, lành tính như dừa, rong biển, vỏ tôm, … đồng thời thân thiện với môi trường trong quá trình phân hủy.
  5. Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu cho Sức khoẻ (AI and Data Science for Health): Các nhà khoa học thảo luận về các phương pháp phân tách các dữ liệu lớn (big data) để rút ra dữ liệu, tín hiệu và hình ảnh y sinh nhằm giúp chẩn đoán sớm và điều trị chính xác, cũng như dự đoán trước khi bệnh xảy ra để thực hiện các biện pháp ngăn ngừa.
  6. Lab-on-a-chip và vi lưu chất (Lab-on-a-chip and Microfluidics): Tại phiên thảo luận, các nhà khoa học thảo luận về cách thức chế tạo ra những con chip nhỏ gọn, giá thành thấp phù hợp với các nước đang phát triển. Đồng thời, chế tạo ra những con chip có thể chẩn đoán bệnh mà không cần đưa vào trung tâm xét nghiệm, có thể xét nghiệm từ xa, số hóa và chuyển dữ liệu về các trung tâm xét nghiệm ở thành phố lớn để nhận được phát đồ điều trị tại chỗ.
  7. Kỹ thuật thần kinh (Neuroengineering): Các nhà khoa học đã thảo luận về các phương pháp chẩn đoán và phát hiện sớm các bệnh liên quan đến sa sút trí tuệ.
  8. Kinh thầu y sinh (Entrepreneurship): Các diễn giả bàn về những phương pháp để kích thích sinh viên quan tâm và thúc đẩy đưa sản phẩm hàn lâm ra thị trường.
  9. Y học phân tử (Molecular Medicine): Các nhà khoa học thảo luận các nghiên cứu về Biomarker (dấu ấn sinh học) để có thể xác định được những gen trong các bệnh về xương, xơ hóa động mạch, tim cũng như bệnh tăng huyết áp của bệnh nhân tại Việt Nam. Đồng thời, thảo luận về các nghiên cứu về hậu covid.
  10. Các lĩnh vực khác ứng dụng trong Chăm sóc sức khoẻ (Others applied in Healthcare): Các diễn giả thảo luận về những phương pháp làm tăng hiệu quả trong vấn đề phân phối nguồn lực y tế tại các nước đang phát triển, chế tạo vi kim từ tơ tằm để truyền thuốc hiệu quả hơn; nghiên cứu các loại giấy có thể chuyển màu để phát hiện ra covid; thiết bị chẩn đoán từ xa bệnh da liễu, ….

Các báo cáo khoa học của hội thảo được tập hợp thành kỷ yếu hội thảo (Conference Proceeding) và như thường lệ, sẽ được đăng trong chuỗi sách kỷ yếu “IFMBE Proceedings Series” của Liên đoàn Kỹ thuật Y học và Sinh học Quốc tế (IFMBE) và được xuất bản bởi Springer. Chuỗi sách này bao gồm tất cả sách kỷ yếu trong các hội thảo của IFMBE, được in thành sách giấy và sách điện tử trong CD/DVD, và trên website của Springer tại địa chỉ: link.springer.com. Mỗi bài báo có số DOI riêng, và hoàn toàn được công nhận bởi một số dịch vụ lập chỉ mục. Quyển kỷ yếu IFMBE được đánh chỉ mục của Scopus, Scimago, và Google Scholar.