Phát huy nguồn lực trí thức, doanh nhân kiều bào cần chính sách cụ thể, đặt hàng cụ thể

0
26

Phát huy nguồn lực trí thức, doanh nhân kiều bào cần chính sách cụ thể, đặt hàng cụ thể

“Việc thu hút không phải chỉ nằm trong sự kêu gọi, hứa hẹn hay bắt buộc, hoặc trông chờ vào tinh thần yêu nước hay tự giác, mà đòi hỏi những chương trình hành động cụ thể, tích cực có tổ chức và có hệ thống của những người có thẩm quyền”, GS-TS Võ Văn Tới (kiều bào Mỹ, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM) góp ý.

Tiền chỉ là một vế của phương trình

Một vấn đề tế nhị trong mời gọi trí thức kiều bào về nước, đó là lương bổng. Các trí thức kiều bào chia sẻ, nếu lấy thước đo đơn thuần về tiền, thì không biết bao nhiêu cho đủ và quả thật, sẽ không ai về nước chỉ đơn thuần vì tiền. TPHCM có cơ chế linh hoạt trả lương, phụ cấp cho chuyên gia Việt kiều có thể lên đến 150 triệu đồng/tháng. GS-TS Võ Văn Tới cho rằng, những ý tưởng tốt như vậy, lẽ ra phải tạo ra sự thúc đẩy trong việc thu hút kiều bào. Nhưng cũng như nhiều chính sách về kiều bào khác, ông chưa nhìn thấy ảnh hưởng đạt được của chính sách đó.

TS Nguyễn Quốc Bình (kiều bào Canada, cố vấn khoa học của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM) kể, bản thân ông lãnh mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng và ông chưa thấy trí thức Việt kiều nào nhận được số tiền cao nhất như chương trình đưa ra. Chương trình của TPHCM đặt ra mức thu nhập có thể gọi là cao như vậy, nhưng thực tế chưa thực hiện được, bởi rất nhiều vướng mắc, đố kỵ.

Để giảm sự đố kỵ, theo GS-TS Võ Văn Tới, các cơ quan, đơn vị cần phải bảo mật lương bổng của trí thức kiều bào, như các doanh nghiệp đã làm với người lao động. Tránh tình trạng người hiện tại làm không được nhưng khi đón nhận kiều bào lại lo lắng “nó làm tốt hơn tôi, giành hết chức, ôm hết việc, nổi tiếng hơn tôi, làm tôi lu mờ và thất nghiệp”, theo GS-TS Võ Văn Tới, vị trí việc làm cần minh bạch các tiêu chí, yêu cầu cụ thể.

GS-TS Võ Văn Tới chỉ rõ, thu nhập chỉ là một vế trong phương trình, ông bà ta đã ví “có thực mới vực được đạo”. Nhưng ăn no chưa đủ, mà phải có môi trường để họ phát triển. Chứ giờ nếu TPHCM trả 150 triệu đồng/người/tháng mà trí thức kiều bào chỉ được ngồi chơi xơi nước, muốn làm gì cũng nhận được câu trả lời “không”, thì chính sách đó vẫn sẽ không hiệu quả.

Kiều bào trong buổi họp mặt mừng Xuân Bính Thân 2016 tại TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

GS Hà Tôn Vinh (kiều bào Mỹ) cũng chia sẻ, tiền không thể nói được, vì quá nhiều so với mặt bằng lương hiện nay ở Việt Nam. Song anh em kiều bào thường khi không nghĩ đến tiền bạc trước. Điều trí thức kiều bào thích, cảm thấy được trân trọng là cần sự hỗ trợ, sự hậu đãi, tạo điều kiện để làm việc.

Theo bà Võ Thị Thanh Tuyền, Giám đốc điều hành Hội Doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ, để xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh, cần có sự quan tâm hơn nữa, nhất là phải xây dựng được một cơ chế đặc biệt mang tính đột phá nhằm thu hút nguồn lực cả về kinh tế và chất xám của chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp kiều bào. Cần xác định tiêu chí lựa chọn và thu hút người tài, xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình sàng lọc để lựa chọn được những cá nhân xuất sắc. Chính sách kiều bào đã có chủ trương cởi mở từ cấp cao. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn là đầu mối thực thi chính sách đó ở cấp cơ sở, địa phương. Cấp bách nhất vẫn là thiếu cơ chế kêu gọi, hỗ trợ trí thức kiều bào về làm việc trong nước. Tình hình này đòi hỏi lãnh đạo ở cấp địa phương cần quan tâm và có những diễn đàn riêng để kiều bào trực tiếp làm việc, trao đổi với lãnh đạo chính quyền nhằm tháo gỡ khúc mắc một cách nhanh chóng, từ đó góp phần huy động được tối đa nguồn lực kiều bào.

Phải có môi trường làm việc

Theo GS-TS Võ Văn Tới, hai yếu tố quan trọng để thu hút được chất xám là làm cho TPHCM trở thành một nơi có cơ hội cho tất cả mọi người tài và TPHCM phải có những người đi thu hút chất xám. Để trở thành nơi có cơ hội cho tất cả người tài, trong đó có trí thức kiều bào, TPHCM phải tạo được môi trường làm việc cũng như môi trường sống chất lượng. Những người đi thu hút trí thức kiều bào phải là người có toàn quyền quyết định và dám chịu trách nhiệm. Có như thế mới vượt qua được những cơ chế chồng chéo đang triệt tiêu lẫn nhau. Những người đi thu hút chất xám phải biết lắng nghe, thuyết phục, nhất là có bản lĩnh chấp nhận và dám cho thử nghiệm những ý tưởng mới.

Trong số 400.000 trí thức, chuyên gia, doanh nhân kiều bào có không dưới 150.000 người đang học tập, nghiên cứu ở các nước G7, G20. Trong đó, ở Mỹ khoảng 50.000 người, Australia khoảng 30.000 người, Nhật Bản khoảng 26.000 người và các nước châu Âu. Kể cả những người đã tốt nghiệp, thì Việt Nam có hàng trăm ngàn người trình độ cao, rất nhiều người tốt nghiệp các trường đại học danh giá trên thế giới. Đội ngũ trí thức kiều bào rất đông đảo nhưng Việt Nam lại chưa phát huy được, mỗi năm chỉ có khoảng 200 – 300 người về nước lập dự án hoặc làm việc, quá ít so với tiềm năng nguồn lực kiều bào.

Theo các kiều bào, rất cần có nhiều hơn nữa những tấm gương thành công, nhiều mô hình thu hút trí thức kiều bào hiệu quả để sự trở về của trí thức kiều bào sẽ trở thành một ví dụ cụ thể nhằm khuyến khích người khác trở về, chứng tỏ chúng ta có một chính sách chiêu hiền đãi sĩ thật sự và hữu hiệu.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ, anh em có thể chấp nhận thiệt thòi về kinh tế tài chính, nhưng không có vị trí làm việc thì không thể đóng góp được, không tác động được giá trị tới cộng đồng. Các nước đều có chương trình lớn, lâu dài kêu gọi nguồn lực người dân đang sống ở nước ngoài đóng góp cho trong nước. Việt Nam cần có các chương trình cụ thể, công khai nhân sự tham gia cụ thể, giao trách nhiệm cụ thể với chế độ đãi ngộ thỏa đáng.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống mong mỏi: “Cần tạo ra thành công cho những trí thức kiều bào về nước, để người trẻ hơn đang ở nước ngoài trông vào, thêm tin tưởng”.

Theo GS-TS Võ Văn Tới, TPHCM phải hỗ trợ kiều bào, đặc biệt trong giai đoạn ban đầu mới về nước. Có thể họ không cần một sự đãi ngộ khác biệt nào, nhưng bổn phận của các cơ quan chức năng là phải thực hiện những đãi ngộ tốt nhất có thể. Nghĩa là TPHCM phải tạo các điều kiện giúp trí thức kiều bào thực hiện thành công ý tưởng của họ.

TS Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng, ngoài chính sách lương bổng và nhà cửa, quan trọng nhất là nơi tiếp nhận trí thức kiều bào làm việc phải năng động, môi trường làm việc phải có đủ điều kiện – có chương trình, dự án lớn, tạo ra cả cơ hội và thách thức để trí thức kiều bào chinh phục, khẳng định bản lĩnh, sự cống hiến.

Trước tình hình câu chuyện phát huy nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp kiều bào đặt ra từ nhiều năm nay và đến nay việc tìm lời giải hiệu quả vẫn là vấn đề thời sự, nhiều trí thức kiều bào đánh giá, Việt Nam rất có nhiều khả năng khơi được nguồn lực quý báu đó, vấn đề là cách làm, sắp xếp làm sao cho tốt. Không nên kéo dài và lặp lại tình trạng chính sách rất hay, nhưng thực hiện chưa hiệu quả, lại thay đổi chính sách, thay đổi mãi thành ra đi lòng vòng về chỗ cũ.

TS Nguyễn Quốc Bình cũng tin tưởng, nếu như những nơi cần tiếp nhận trí thức Việt kiều mạnh dạn ứng dụng các cơ chế mà TPHCM đã đề ra thì kết quả có thể sẽ còn cao hơn nhiều.

Tiến sĩ DƯƠNG HOA XÔ – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM:

Cần có “cơ chế mở” giúp cán bộ khoa học trẻ

Cuối năm 2014, TPHCM có Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học – Công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Đây là một “cơ chế mở” để TPHCM thu hút nhân tài cho việc phát triển khoa học công nghệ, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, chính sách này mới chỉ áp dụng cho chuyên gia, khó áp dụng cho cán bộ khoa học đang làm việc hưởng lương theo quy định của Nhà nước, trong khi đây chính là lực lượng nòng cốt để xây dựng và phát triển các đơn vị. Vì vậy, TPHCM cần có “cơ chế mở” giúp cán bộ khoa học, nhất là lực lượng trẻ, có mức thu nhập phù hợp để ổn định cuộc sống. Có như vậy mới thu hút và giữ chân được nhân tài, đặc biệt là những người đã được đào tạo xong ở nước ngoài, giúp nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ bền vững.

Tiến sĩ LƯƠNG BẠCH VÂN – Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM:

Đừng bỏ ngỏ thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba

Ngoài những kiều bào lớn tuổi, còn có trí thức trẻ, là thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba sinh trưởng ở nước ngoài. Mặc dù có quốc tịch nước ngoài, chưa hề có quốc tịch Việt Nam, nhưng nhờ giáo dục trong gia đình, các em luôn hướng về quê hương.

Thế hệ kiều bào thứ hai đang trong độ tuổi khoảng 40, độ tuổi sung sức nhất của đời người. Trong đó, trí thức, doanh nhân rất đông đảo, hoạt động trong nhiều ngành công nghệ thông tin, ô tô, kỹ thuật cao… Riêng nhóm hội thanh niên Việt Nam tại Pháp đã có 120 – 150 em. Nhiều em sẵn sàng về, kết nối, cùng nhau làm điều gì đó cho Việt Nam. Và chính các em là lực lượng kế thừa, tiếp tục về nước đầu tư, đóng góp để TPHCM trở thành đầu tàu về kỹ thuật, công nghệ.

Song các em lại vướng ở giấy tờ, thủ tục: các em không được hưởng chế độ về quốc tịch. Luật Quốc tịch chỉ cho phép những người đã từng có quốc tịch Việt Nam đăng ký trở lại quốc tịch Việt Nam, còn thế hệ trẻ, sinh ở nước ngoài, chưa từng có quốc tịch Việt Nam, nên không được hưởng chính sách của Nhà nước. Với con em kiều bào sinh ra ở nước ngoài, dưới 18 tuổi, bố mẹ quyết định quốc tịch cho con. Khi trên 18 tuổi, các em muốn có quốc tịch Việt Nam, phải làm thủ tục như người nước ngoài xin nhập tịch, rất nhiêu khê và phải được Chủ tịch nước đồng ý. Trong khi đó, thế hệ kiều bào thứ hai đang ở độ tuổi 40, không có quốc tịch Việt Nam. Thế hệ tiếp nối, thứ ba, cũng vậy. Đây là thiệt thòi lớn! Trong khi chính các em là lực lượng chúng ta cần phát huy trong thời gian tới.

Đường Loan