Phát huy nguồn lực trí thức, doanh nhân kiều bào – còn quá nhiều rào cản

0
12

Phát huy nguồn lực trí thức, doanh nhân kiều bào – còn quá nhiều rào cản 

Nhiều kiều bào về nước đầu tư, làm việc đã gặp rất nhiều rào cản, trở ngại, thậm chí nhận thất bại, không chỉ thiệt thòi về kinh tế mà quan trọng hơn là lòng tin bị ảnh hưởng. Tiềm năng tri thức của kiều bào là rất lớn, được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cũng là của dân tộc, nhưng hầu như chưa có chính sách phát huy hiệu quả, đúng mức tiềm lực.

Tiền mất, tật mang

Đó là tình cảnh của Giám đốc Công ty TNHH May thương mại, dịch vụ Minh Châu (huyện Hóc Môn, TPHCM).

Kiều bào dâng hương tại đền Bến Dược. Ảnh: Việt Dũng

Những ngày này, lòng bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (kiều bào Pháp) nóng như lửa đốt bởi lệnh thi hành án phát mãi toàn bộ nhà xưởng và tài sản cá nhân thế chấp để xây dựng dự án 9 năm về trước đang dồn ép từng ngày.

Kể về câu chuyện lao dốc sức khỏe và kiệt quệ tài chính của mình, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh bùi ngùi, 10 năm về trước, Công ty Minh Châu là một trong những doanh nghiệp (DN) đã hăng hái đầu tư vào Cụm công nghiệp Nhị Xuân, góp phần thực hiện Đề án quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, theo Nghị quyết 16.

Vì mục tiêu an sinh xã hội, công ty được ưu đãi 100% lãi vay cho phần xây dựng và trang thiết bị máy móc trong thời hạn 10 năm. Theo mức ưu đãi này, công ty lập kế hoạch tài chính 10 năm. Tổng mức đầu tư của công ty tính đến thời điểm 2009 là 36 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 triệu USD theo tỷ giá thời điểm đó. Lúc cao điểm, năm 2007-2008, công ty dạy nghề và giải quyết việc làm cho 272 người sau cai nghiện.

Đúng lúc đang “leo cau đến buồng” thì lại “hỏng ăn”, bởi 2 cú sốc đến… bất ngờ. Năm 2009, Nghị quyết 16 kết thúc, bắt đầu thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, hầu hết người sau cai được đưa về quản lý tại cộng đồng, dẫn đến việc công ty không có lao động.

Cũng từ thời điểm này, Công ty Minh Châu bị cắt ưu đãi lãi vay đầu tư do dự án hoạt động trong ngành dệt may, thuộc lĩnh vực bị cấm nhận trợ cấp theo cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

“Chính sách đưa ra không phải ngày một ngày hai thì bàn bạc, quyết định xong, mà phải cả năm cả tháng. Nhưng DN chúng tôi không được tiên lượng tình hình, đến khi quy định có hiệu lực thì mọi chuyện đột ngột thay đổi hoàn toàn. Những năm qua, chúng tôi phải bán tài sản thế chấp mà không đủ trả nợ gốc và lãi. Đồng thời, thiệt hại rất lớn về thương hiệu DN, uy tín và sức khỏe cá nhân bị suy giảm, tôi phải điều trị trầm cảm và bệnh cường giáp phát triển”, bà Mỹ Linh buồn bã.

Chia sẻ về chính sách đối với DN kiều bào, ông Nguyễn Như Khuê, Tổng Giám đốc Công ty Lotus Chemical Technology Ltd, ví von: DN do kiều bào đứng tên như… bánh mì kẹp thịt! Không ra công ty nước ngoài để được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, cũng không ra công ty trong nước để hưởng chính sách khuyến khích đầu tư trong nước.

Ông Khuê cảm thán: “DN kiều bào đứng giữa, muốn sống ra sao thì phải ráng… bơi”.

Giáo sư Hà Tôn Vinh (kiều bào Mỹ) trải lòng, với kiều bào, không phải bàn tới chuyện có yêu nước hay không, bởi đó là điều dĩ nhiên rồi, với bất kỳ người Việt Nam nếu còn sự tự trọng, chấp nhận nguồn gốc mình sinh ra. Điều mong muốn nhất của kiều bào là đất nước phát triển vững mạnh, nên ai nấy đều muốn làm gì đó cho Việt Nam.

GS Hà Tôn Vinh chia sẻ: “Nhưng nhiều GS, nhà khoa học, doanh nhân bạn bè tôi không về nước lâu, không ở lâu, tiếp cận tình hình trong nước chưa tốt nên đều… thất bại hết. Có bạn thân của tôi mất cả triệu USD đầu tư, mở văn phòng hoành tráng rồi… thất bại”.

Là người có quá trình làm công tác kiều bào cả chục năm nay, TS Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cũng cho hay sự thất bại của kiều bào khi về nước làm ăn là khá nhiều. Nhiều kiều bào về nước, muốn thuê nhà, người cho thuê biết là Việt kiều nên gợi ý làm giấy thỏa thuận nếu người thuê chịu sửa sang lại nhà thì sẽ cho thuê nhà lâu dài. Tin tưởng, kiều bào sửa xong nhà mới phát hiện ra người thỏa thuận với mình không phải là chủ nhà. Rồi nhiều kiều bào nhờ thân nhân đứng tên giùm bất động sản và không ít trường hợp bị qua mặt, bị bán mất nhà cửa lúc nào không hay.

“Các trường hợp thất bại vừa bị thiệt thòi về kinh tế, quan trọng hơn là lòng tin của kiều bào bị ảnh hưởng”, TS Lương Bạch Vân nhìn nhận.

Thiếu thông tin và “sốc” văn hóa

Theo GS Hà Tôn Vinh, trí thức kiều bào được đào tạo bài bản, tiếp cận nhiều tri thức mới, có tinh thần phóng khoáng, tư tưởng rộng mở. Song, bản thân ông cũng như bạn bè, đều xa Việt Nam lâu năm, khi về phải học lại tiếng Việt. Điều không mấy thuận lợi là đa số thiếu thông tin về tình hình trong nước.

GS Hà Tôn Vinh cho rằng: “Thiếu thông tin nên lo lắng lớn nhất của kiều bào khi về nước là… không biết mình đứng ở đâu, làm gì, cơ hội nằm ở đâu? Chưa nói đến những khó khăn về thủ tục hành chính, nhiều kiều bào thất bại vì có nguyên nhân không quen môi trường, lại chưa được hướng dẫn, hỗ trợ từ cơ quan hữu quan. Hệ quả là kiều bào bị lạc, bị hẫng, khó có dịp cống hiến cho đất nước”.

GS Hà Tôn Vinh cũng đã “để ý”, như là một khảo sát nhỏ với hơn 30 GS đủ loại bằng cấp, đủ loại lĩnh vực về Việt Nam mà không ở lại được.

Ông nhận xét: “Anh em kiều bào nhiều khi sống thoáng, anh em trong nước lại ngại. Đây cũng là công ăn việc làm, tự dưng đưa một anh Việt kiều đến, anh ta tuyên bố hơi mạnh bạo chút, hơi thoáng chút, tác phong công nghiệp, thế là các cơ quan, đơn vị… thôi, ngãng ra, không tiếp nhận kiều bào về làm việc”.

Ông Nguyễn Như Khuê kể, mình cũng từng giới thiệu rất nhiều bạn bè là GS, các nhà khoa học về Việt Nam. Ông dẫn tới Đại học Bách khoa, Khu Công nghệ cao TPHCM, hay một số trung tâm đào tạo của TP. Điểm chung là cấp trên đều “ok”, mọi chuyện tốt lắm, nhưng ở dưới thì… không ai muốn nhận những người này. Những GS nổi tiếng, sẵn sàng về Việt Nam dạy mỗi năm 1 tháng. Song ngay cả điều này cũng rất khó thực hiện. Rõ ràng chính sách về kiều bào nói rất nhiều nhưng đi vào thực tế rất thiếu, rất ít.

TS Nguyễn Quốc Bình cho rằng, có lẽ khó khăn lớn nhất mà bất cứ trí thức Việt kiều nào cũng có thể gặp phải là cung cách làm việc, cách cư xử giữa lãnh đạo với chuyên gia hay nhân viên.

Ở các nước phát triển, lãnh đạo, chuyên gia, nhân viên đều bình đẳng, mỗi người có một vị trí của mình. Ở Việt Nam, hình như lãnh đạo lúc nào cũng… đúng! Cũng trải qua những chuyện “không thể tưởng tượng nổi”, GS-TS Võ Văn Tới chia sẻ, có nhiều người đang ở nước ngoài rất giỏi, ông muốn giới thiệu để bộ môn tuyển dụng nhưng trường lấy lý do biên chế đủ rồi, nếu tuyển thêm thì sẽ phình biên chế ra.

GS-TS Võ Văn Tới ngỡ ngàng: “Một cơ chế rất là lạ! Chẳng hạn tôi là GS, người ta tính bằng… 5 thạc sĩ. Rồi nhà trường bảo biên chế của bộ môn dư rồi. Trời ơi, làm sao 1 GS-TS được “quy đổi” bằng 5 thạc sĩ được, và ngược lại!”.

TS Lương Bạch Vân cho hay, nhiều nơi, kiều bào hình thành những nhóm chuyên gia ở các lĩnh vực, nhưng không có sự kết nối, định hướng ở trong nước nên không biết làm gì vì không biết trong nước cần gì?

TS Lương Bạch Vân dẫn chứng, nhiều kiều bào Pháp, Đức thấy được lợi thế của Việt Nam, đã vận động kinh phí thế giới để hỗ trợ quê hương phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió nhằm giúp Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bản thân bà đã trực tiếp dẫn nhiều đoàn trí thức kiều bào đến làm việc với các cơ quan chức năng, rốt cuộc vẫn phải mòn mỏi chờ đợi câu trả lời đang bỏ ngỏ: Việt Nam cần hỗ trợ như thế nào, cần quy mô to hay dự án nho nhỏ cho vùng sâu vùng xa?

TS Lương Bạch Vân cho rằng, cách vận động kiều bào của chúng ta rất lãng phí, cứ bên trong chờ bên ngoài, bên ngoài chờ bên trong. Các anh chị kiều bào một mặt muốn truyền tâm huyết về cho đất nước, nhưng đơn phương độc mã, hỏi nhu cầu trong nước cần gì thì chưa có câu trả lời, còn tự gửi hồ sơ về trong nước thì không rõ có phù hợp không. Nhiều tâm huyết của kiều bào bị lãng phí!

GS-TS NGUYỄN KỲ PHÙNG
(Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM)

Mới khuyến khích về tinh thần

Tính đến cuối năm 2015, TPHCM thu hút được 12 chuyên gia khoa học công nghệ là Việt kiều và chuyên gia nước ngoài. Đến giữa năm 2016, đã thu hút thêm 15 người nữa. TPHCM đang thiếu cán bộ đầu đàn giỏi, các “kỹ sư trưởng”, “tổng công trình sư”. Số lượng các nhà khoa học đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao và hiện đang tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính chuyên nghiệp là rất ít và ngày càng suy giảm. TP chưa sử dụng và phát huy được trí tuệ của lực lượng trí thức, chuyên gia khoa học Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt thiếu các chính sách cụ thể để thu hút nguồn nhân lực khoa học – công nghệ ở nước ngoài. Mọi chủ trương chính sách mới chỉ ở mức khuyến khích về tinh thần, không có các điều kiện vật chất để thực hiện, ví dụ như chính sách về nhà ở, tiền lương cho chuyên gia nước ngoài…

Bà DƯƠNG THỊ KIM DUNG
(Kiều bào Mỹ, phụ trách công tác kiều bào phường 5, quận 3, TPHCM)

Kiều bào lo ngại về cướp giật, giao thông, vệ sinh thực phẩm

Tôi đã động viên nhiều trí thức kiều bào mà mình quen biết hãy trở về Việt Nam giúp nền kinh tế đất nước phát triển tốt hơn. Nhiều kiều bào chịu thiệt thòi, sẵn sàng về nước. Nhưng bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều tồn tại ở các mặt an ninh trật tự, an toàn thực phẩm đã làm ảnh hưởng đến chuyện kiều bào về quê hương. An ninh trật tự còn phức tạp, vẫn còn chuyện Việt kiều, người nước ngoài bị cướp giật ngay giữa ban ngày tại trung tâm TP; bị taxi hay nhà hàng “chặt chém” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ của kiều bào. Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát tốt, kiều bào rất ưu tư và đây cũng là mặt cản trở kiều bào về nước. Nhiều kiều bào về nước, phải mang lỉnh kỉnh đồ ăn thức uống về. Giao thông đi lại bát nháo nên không dám đi đâu. Rất mong những hình ảnh xấu được TP ngăn ngừa, mạnh tay giải quyết.

ĐƯỜNG LOAN