Tôi rất tin tưởng trong khoa học và công nghệ, Việt Nam sẽ tìm ra được “khe cửa hẹp” để phát triển

0
16

Tôi rất tin tưởng trong khoa học và công nghệ, Việt Nam sẽ tìm ra được “khe cửa hẹp” để phát triển

Đầu năm 2004, một phái đoàn của Viện Khoa học Quốc Gia Hoa Kỳ (National Science Foundation) dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Võ Văn Tới, người ngày 17/5 vừa qua được Tổng thống Mỹ G. Bush bổ nhiệm vào Ban Giám đốc thuộc Quỹ học bổng Chính phủ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam (VEF), đã viếng thăm một số viện nghiên cứu và trường đại học có giảng dạy về Kỹ Thuật Y Sinh Học (BE) tại Việt Nam để thẩm định nhu cầu và đề xuất một số biện pháp để phát triển ngành công nghệ này tại Việt Nam.

 

Giáo sư Võ Văn Tới hiện đang công tác tại khoa Y và khoa Khoa học máy tính và Kỹ thuật điện thuộc trường Đại học Tufts và là một thành viên nghiên cứu hậu Tiến sĩ tại Trung Tâm BE thuộc bộ phận kỹ thuật và khoa học y tế của trường Đại học Harvard và Học viện Kỹ thuật Massachusettes (MIT). Ông đã tạo ra chương trình và xây dựng khoa Ứng dụng những giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề y tế – Biomedical Engineering (BE). Ông cũng đã có công sáng lập và là Phó giám đốc của Viện Nghiên cứu về Mắt tại Sion, Thụy Sỹ, người đồng sáng lập tổ chức gồm các giáo sư đại học người Việt gốc Bắc Mỹ.

 

Tại khoa BE thuộc trường Đại Học Tufts, Giáo sư Võ Văn Tới đã xây dựng một dự án khởi xướng khoa BE ảo chuyên đào tạo các nghiên cứu sinh người Việt.

 

Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với ông về VEF và dự án mô hình phân khoa ảo dành cho nghiên cứu sinh ngành Y Sinh của Việt Nam.

 

PV: Xin Giáo sư cho biết vì sao ông được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm vào Ban Giám đốc VEF?

 

GS. Võ Văn Tới: VEF là cơ quan trực thuộc Liên bang Mỹ hoạt động độc lập, được thành lập nhằm củng cố và tăng cường những hoạt động khoa học, kỹ thuật, y tế của Việt Nam thông qua việc trao đổi về giáo dục và hợp tác về khoa học, kỹ thuật. Quỹ có 13 thành viên gồm 6 người ngoài Chính quyền do Tổng thống bổ nhiệm và 7 người đại diện cho Chính quyền trong đó có Ngoại trưởng, các thành viên thuộc bộ Tài chính và Giáo dục, Thượng và Hạ Nghị Viện Mỹ. Ngân sách hàng năm của VEF là 5 triệu USD và kéo dài trong 20 năm, chủ yếu dành cho việc đưa sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tại Mỹ.

 

Tôi biết có một số giáo sư, nhà khoa học giới thiệu tôi vào chức vụ này, nhưng vì sao được bổ nhiệm thì tôi hoàn toàn không biết. Nhưng tôi nghĩ đó vừa là một vinh dự vừa là một cơ hội tốt để tôi có thể giúp Việt Nam chọn được những sinh viên tốt nhất được du học ở Mỹ.

 

Cách lựa chọn nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam đi học o Mỹ của VEF như thế nào?

 

Theo tôi được biết năm nay có khoảng 1500 sinh viên nộp đơn xin du học Mỹ. Qua hồ sơ VEF sẽ chọn trong số đó khoảng 400 em và tổ chức thi tuyển để lấy 150 em sẽ tham dự cuộc phỏng vấn do các giáo sư trong viện Hàn Lâm khoa học Mỹ tiến hành vào đầu tháng 8 để lựa chọn được 50 em giới thiệu cho các trường Đại học nổi tiếng của Mỹ.

 

Các bạn có thể biết cụ thể hơn việc tuyển chọn nghiên cứu sinh của VEF qua trang web của VEF.

 

Tôi nghe nói không ít em dự thi đi học theo VEF trình độ thấp. Có em dự thi vào ngành vật lí mà hiểu lơ mơ về cơ học lượng tử, big bang. Có đúng vậy không?

 

Tôi không được nghe ai nói như vậy. Theo tôi trình độ của sinh viên Việt Nam khá cao, có ý chí và cách làm việc tốt. Mặt khác trong điều kiện hầu hết các trường Đại học ở Việt Nam sách giáo khoa, tài liệu, phòng thí nghiệm, chất lượng giảng viên … còn thiếu thốn và hạn chế nên cần có một cái nhìn khách quan trong việc đánh giá sinh viên Việt Nam với sinh viên Mỹ và các nước. Tôi rất tin tưởng vào sự thành đạt của sinh viên Việt Nam, chỉ mong các em có tính tự chủ cao hơn.

 

Tôi không đồng ý với một số người Việt ở Mỹ đánh giá nền giáo dục của Việt Nam là lạc hậu. Hơn 10 năm qua có nhiều dịp được làm việc với nhiều cơ sở nghiên cứu và trường đại học ở Việt Nam tôi thấy mặc dù có rất nhiều điều cần cải tổ nhưng trong nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam đã có những bước phát triển đầy khích lệ, thậm chí đã có một số ít lĩnh vực, công trình có tầm vóc quốc tế.

 

Xin giáo sư cho biết mục tiêu của dự án ảo là gì?

 

Việt Nam hiện rất cần đội ngũ giảng viên xuất sắc về kỹ thuật và công nghệ. Muốn vậy các giảng viên phải được làm việc trong môi trường có cơ sở vật chất, có cộng sự viên đắc lực, và có một cơ chế khuyến khích, đãi ngộ thích hợp. Hơn nữa, một ngành kỹ thuật thành công đòi hỏi kiến thức về quản trị, biết làm thế nào để chuyển hoá các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm đứng vững trên thị trường và sinh lợi. Vì vậy tôi xây dựng mô hình đào tạo môt thế hệ mới của các giảng viên kỹ thuật có nhiêm vụ thực hiện và quảng bá sự liên hệ mật thiết giữa ba phương diện: giáo dục, nghiên cứu khoa học và kinh thầu (Entrepreneurship). Mô hình này có thể áp dụng được cho mọi lĩnh vực khoa học và kỹ thuật mũi nhọn và cho bất kỳ một trường đại học nào. Cụ thể, chúng tôi đề nghị một dự án nhằm thiết lập một mô hình của một phân khoa ảo về Kỹ Thuật Y Sinh của một trường đại học Việt Nam trong lòng Đại Học Tufts. Đại Học Tufts sẽ đóng vai trò người nuôi dưỡng để gây dựng giai đoạn hình thành và trưởng thành của phân khoa ảo này. Phân khoa này sẽ được thực sự phát triển tại một đại học ở Việt Nam sau khi các thành viên của phân khoa ảo này tốt nghiệp tại Đại học Tufts và trở lại Việt Nam.

 

Tại sao dự án lại bắt đầu với Kỹ thuật Y Sinh?

 

Kỹ thuật Y Sinh là một bộ môn đa ngành, nó nối liền các ngành khoa học tự nhiên và y tế với các ngành khác như kỹ thuật, lý hoá và toán học đòi hỏi sự hiểu biết chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau của ngành khoa học ứng dụng và khoa học cơ bản cũng như kỹ thuật.

 

Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, sự quan tấm đến các hoạt động của ngành Kỹ Thuật Y Sinh đã gia tăng đáng kể. Mặc dù hiện tại Việt Nam không có những công nghệ tiên tiến và tri thức ứng dụng (know-how) rộng rãi, nhưng có những nhà nghiên cứu có khả năng chuyên môn cao. Họ luôn chú tâm đến những kỹ thuật mới có thể cung cấp cho họ cơ hội và sự phát triển có hệ thống trong lĩnh vực này. Chính phủ và các nhà lãnh đạo đại học Việt Nam đều nhận thức rõ tầm quan trọng của lĩnh vực Kỹ Thuật Y Sinh. Họ cũng đang nỗ lực phát triển này bằng cách tích cực tìm sự ủng hộ và hợp tác quốc tế, đặc biệt từ phía Hoa Kỳ.

 

Vậy cụ thể  phân khoa ảo về Kỹ Thuật Y Sinh sẽ tuyển lựa sinh viên và giảng dạy như thế nào?

 

Phân khoa ảo về Kỹ Thuật Y Sinh sẽ gồm những sinh viên Việt Nam tuyển chọn từ những ngành chuyên môn có thể khác nhau của một trường đại học tại Việt Nam. Nhóm sinh viên này sẽ qui tụ trong ba nhóm nhỏ: quản trị, kinh thầu và nghiên cứu. Sinh viên của hai nhóm đầu học chương trình thạc sĩ về ngành kỹ thuật y sinh, còn sinh viên ở nhóm thứ ba sẽ học tiến sĩ về ngành này. Tất cả các ứng viên phải có bằng thạc sĩ ở Việt Nam và một số kinh nghiệm giảng dạy hoặc quản trị. Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ học đúng theo chương trình kỹ thuật y sinh của đại học Tufts, tham gia vào các đề tài nghiên cứu và giảng dạy, viết dự án dự thảo và xuất bản công trình nghiên cứu khoa học. Cả nhóm sẽ cùng học phương thức điều hành phân khoa và thiết kế chương trình giáo dục và đào tạo cho trường đại học của mình. Trong thời gian học tập tại Hoa Kỳ, sinh viên Việt Nam có thể về nước dạy các khoá học hè tại trường đại học của mình cùng với các giáo sư Hoa Kỳ.

 

Trong khuôn khổ của dự án này, chúng tôi đã đề xuất mô hình thử nghiệm trước hết ứng dụng cho một trường đại học, sau đó sẽ luân chuyển tới các trường khác. Đối với môi trường đại học chương trình này sẽ tiếp nhận hai sinh viên học quản trị trong vòng 2 năm; ba sinh viên học kinh thương trong vòng hai năm, 3 sinh viên nhóm nghiên cứu làm tiến sĩ trong vòng 5 năm, nhu vậy mỗi trường đại học sẽ có tổng số là 25 năm học bổng.

 

Hiện nay với các nước nghèo đói cơ hội phát triển về khoa học công nghệ ngày càng khó. Chẳng hạn trong lĩnh vực công nghệ sinh học, theo Giáo sư là Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển, nhưng Singapore và Trung Quốc, những nước có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ hơn Việt Nam nhiều lần cũng đang đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này. Vậy Việt Nam làm thế nào để có thể cạnh tranh với họ được?

 

Tôi còn nhớ đầu năm 1999 khi đi thăm một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long tôi thấy bà con sử dụng chiếc máy đập lúa. Khi hỏi, được biết chiếc máy đó do một người nông dân cải tiến từ chiếc máy cày. Tôi rất phục sự năng động và sáng  tạo của người dân Việt Nam. Vì vậy tôi tin rằng nếu nhà nước biết đầu tư đúng hướng (chẳng hạn như Cuba đã đầu tư cho công nghệ cách đây vài chục năm) thì nhất định chúng ta sẽ tìm ra được “khe cửa hep” để phát triển.

 

Gần đây, Đảng và nhà nước Việt Nam có đề ra một số chính sách mới trong việc thu hút chi thức Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước. Theo giáo sư liệu những chính sách đó có đem lại hiệu quả không?

 

Theo tôi những chính sách đó rất quan trọng nhưng trước hết vẫn là tấm lòng của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đầu những năm 1990 khi về nước tôi đã trao đổi và mong được hợp tác với nhiều người về sự phát triển khoa học của đất nước nhưng hầu như chẳng mấy ai nghe. Nhưng là người Việt Nam tôi luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm với đất nước nên sau nhiều lần đi về, thuyết phục, dần dần công việc của tôi với các đồng nghiệp ở trong nước ngày càng có hiệu quả hơn. Trong các nhà quản lí khoa học mà tôi có dịp làm việc, người đã để lại trong tôi một ấn tượng rất sâu sắc là anh Hoàng Văn Phong (khi đó anh đang làm Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội). Anh là một người có tầm nhìn xa, lớp lang và có tính thực tiễn cao. Chính anh đã khuyến khích tôi phân khoa ảo cho Việt Nam.

 

Xin cám ơn Giáo sư và chúc dự án ảo của Giáo sư sớm trở thành hiện thực.