Nghiên cứu khoa học trong đào tạo tiến sĩ ở Đại Học Hoa Kỳ và đề nghị một phương cách cho Việt Nam

Nghiên cứu khoa học trong đào tạo tiến sĩ ở Đại Học Hoa Kỳ và đề nghị một phương cách cho Việt Nam

 GS. TS. Võ Văn Tới
Đại Học Quốc Tế – Đại Học Quốc Gia-HCM
vvtoi@hcmiu.edu.vn

Lời mở đầu

Hệ thống giáo dục sau đại học Hoa Kỳ rất đa dạng và thay đổi thường xuyên. Những gì chúng tôi trình bày dưới đây chỉ phản ánh một vài khía cạnh trong cái đa dạng đó và được áp dụng trong vài đại học ở Hoa Kỳ. Trước khi trình bày, chúng tôi muốn xác định rằng nghiên cứu khoa học trong việc đào tạo tiến sĩ được xem như là những công trình có giá trị trong việc làm tăng kiến thức của con người nhưng không hẳn có thể ứng dụng vào thực tiễn ngay trước mắt.

Vài yếu tố căn bản trong việc thúc đẩy sự gắn kết NCKH với đào tạo Tiến Sĩ

  • Về phía Giáo sư: Mặc dù việc đánh giá một giáo sư dựa trên 2 tiêu chí đồng hạng là công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) và giảng dạy, và một tiêu chí ít quan trọng hơn là phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên trên thực tế NCKH được xem như là tiêu chí căn bản nhất cho việc đánh giá này. Kết quả của NCKH thể hiện qua số lượng bài báo đăng tải trên các tạp chí chuyên môn và số kinh phí mà giáo sư tìm được cho các NCKH của mình. Một vài đại học coi trọng việc NCKH nên đã giảm số môn học mà một giáo sư phải dạy trong năm từ 4 xuống 3 môn (tương đương với 3*39*50 = 5,850 phút hay 97.5 giờ giảng trong lớp). Ngoài ra nếu giáo sư tìm được nhiều đề án hơn nửa thì chỉ cần dạy 2 môn trong năm là được. Chính vì thế các giáo sư rất cần sự hỗ trợ của nghiên cứu sinh (NCS) và mong muốn thu nhận nhiều NCS vào nhóm của họ.
  • Về phía NCS: Mục tiêu quan trọng nhất của NCS là lấy được bằng tiến sĩ để có cơ hội trở thành giáo sư trong các trường đại học hoặc giữ những chức vụ quan trọng trong các viện nghiên cứu hay công ty. Hơn nữa phải có bằng Tiến Sĩ (TS) thì một người mới có thể làm chủ nhiệm đề tài NCKH quan trọng. Để thỏa mãn yêu cầu tối thiểu để đạt được bằng TS, NCS phải học xong một số môn học ấn định và bảo vệ thành công luận án TS. Trong khi thực hiện luận án TS, NCS trước hết phải tham gia tích cực vào một đề tài NCKH giáo sư hướng dẫn (GSHD) chủ đạo. Thông qua quá trình này GSHD sẽ chốt lại một hướng nghiên cứu hẹp hơn để NCS đào sâu vấn đề và làm đề tài cho luận án TS. Giá trị của luận án được đánh giá dựa trên những khám phá mới, mang tính lý luận cao, hoặc một giả thiết hay mô hình mới để giải thích cơ cấu của một hiện tượng khoa học, hoặc một nguyên lý mới có thể đưa đến sự phát triển một sản phẩm mới. Lưu ý rằng thiết kế một sản phẩm mới không được công nhận là đủ cho yêu cầu của một luận án, nó chỉ có thể là một phần của luận án mà thôi. Ngoài ra uy tín của GSHD cũng như của các giáo sư đồng hướng dẫn, số bài báo NCS đã đăng, cũng đóng góp vào thành công của luận án.
  • Về phía ban giám hiệu trường đại học: Đại học mong muốn giáo sư phải có nhiều nghiên cứu khoa học và phải đào tạo nhiều TS. Thực vậy, một trong những nguồn thu nhập của đại học là phí thu được từ những đề án NCKH của giáo sư (overhead hay indirect costs) và học phí của NCS. Ngoài ra số lượng đào tạo TS hằng năm giúp vào sự xây dựng danh tiếng của trường. Các đại học giao quyền chủ động thu nhận và đào tạo NCS cho các giáo sư.
  • Về phía chính phủ: Chính phủ có những chương trình khuyến khích giáo sư chuyển giao công nghệ cho các công ty như: chương trình công ty khởi nghiệp (Small Business Innovative Research, SBIR), và liên kết giữa hàn lâm và doanh nghiệp (Small Business Technology Transfer, STTR). Chính phủ sẽ cho đứt một khoảng kinh phí để giáo sư (và một cách gián tiếp sinh viên của họ) thành lập các công ty khởi nghiệp hay cộng tác với các công ty để phát triển kết quả NCKH thành sản phẩm hữu dụng trên thị trường. Thông thường, trong những chương trình này kết quả nghiên cứu mang đến là bằng sáng chế hay bằng sở hữu trí tuệ cho tác giả. Tuy nhiên chính phủ không can thiệp vào lợi nhuận cũng như không can thiệp việc gắn kết NCKH và đào tạo TS mà các trường đại học sẽ có những quy chế về việc xin bằng sáng chế cũng như việc chia lợi nhuận cho GSHD và phòng thí nghiệm của họ.

Ngoài những yếu tố chính nêu trên những yếu tố dưới đây cũng giúp gắn kết NCKH với đào tạo tiến sĩ.

Nguồn tài trợ cho NCS làm TS

  1. Quỹ học bổng: Các quỹ này cung cấp tài chính cho NCS để trả học phí và các khoảng sinh hoạt phí khác để theo đuổi việc học. Vì vậy NCS sẽ toàn tâm nghiên cứu về đề tài của mình. Đa số những đề tài này đáp ứng được sự quan tâm của cơ sở cung cấp kinh phí đào tạo và mang tính ứng dụng thực tiễn.
  2. Công ty: Các cơ quan này trả nhà trường học phí và trả lương cho nhân viên của họ để làm NCS tại đại học. Tùy theo sự thỏa thuận NCS có thể học tập trung hoặc tại chức. Lý do:
    1. Công ty muốn tìm giải pháp cho một vấn đề của họ nên sẽ tài trợ cho NCS để chú tâm nghiên cứu về vấn đề này.
    2. Đây hoàn toàn là công tác từ thiện của công ty để giúp nền giáo dục của đất nước. NCS được quyền lựa chọn đề tài nghiên cứu cho mình.
  3. Viện nghiên cứu: Các viện này không có quy chế đào tạo TS nên gởi NCS của họ đến đại học. Các cơ quan này trả nhà trường học phí và trả lương cho NCS. NCS làm việc ở viện và theo đuổi các lớp học ở trường đại học trong một bộ môn tương ứng nào đó. Việc bảo vệ luận án sẽ do bộ môn tổ chức. Thông thường NCS là cựu sinh viên của bộ môn.
  4. Đại học: Đại học tài trợ cho NCS để tham gia nghiên cứu vào đề án của GSHD. Các kết quả này giúp cho giáo sư viết những đề án mới để tiếp tục tìm tài trợ. NCS được tài trợ dưới hình thức là:
    1. Trợ giảng (Teaching Assistant): nhà trường miễn học phí và trả lương cho NCS để làm nghiên cứu với GSHD từ nguồn vốn của nhà trường; bù lại NCS sẽ giúp GSHD trong việc giãng dạy các sinh viên đại học,
    2. Phụ tá nghiên cứu (Research Assistant): nhà trường thu học phí nhưng trả lương cho NCS để làm nghiên cứu từ nguồn tài trợ mà giáo sư hướng dẫn nhận được từ các đề án.
  5. Tự túc: Đây là trường hợp hiếm có. Trường thu học phí toàn phần hay bán phần hay miễn học phí. NCS tự túc tìm nguồn sống. Đây là những người yêu thích sự học hoặc hy vọng tìm được việc làm tốt hơn với bằng TS.

Hội đồng liên quan đến việc đào tạo TS

  1. Hội Đồng Sau Đại Học của đại học: Đa số các đại học đều có cơ chế đào tạo đại học và sau đại học. Hội Đồng Sau Đại Học được thành lập để duyệt xét hồ sơ xác nhận những điều kiện đầu vào đã đạt được của ứng cử viên rồi sẽ chuyển hồ sơ xuống Bộ môn.
  2. Hội Đồng Sau Đại Học của Bộ môn: Thành viên của Hội đồng gồm tất cả các giáo sư của Bộ môn. Hội đồng này thiết lập quy trình và tiêu chí đánh giá quá trình học tập và nghiên cứu của NCS. Họ duyệt xét hồ sơ của ứng cử viên và nếu chấp nhận sẽ chỉ định GSHD dựa theo sự lựa chọn của NCS và sự đồng ý của giáo sư. Hội đồng này sẽ theo dõi và đánh giá kết quả học tập của NCS (trừ việc bảo vệ luận án) theo định kỳ.  GSHD theo dõi sát NCS trong việc học tập và nghiên cứu trong suốt quá trình học tập của NCS.
  3. Hội Đồng Hướng Dẫn và Đánh Giá của Bộ môn: Với sự đồng ý của NCS, GSHD sẽ thành lập hội đồng này. Nó gồm có GSHD, 1 giáo sư hướng dẫn phụ là người trong bộ môn, 1 giáo sư hướng dẫn phụ ngoài bộ môn và 1 giáo sư hướng dẫn phụ ngoài trường. Hội đồng này thực hiện việc thẩm định luận án một cách nghiêm khắc và minh bạch, lấy quyết định chung về kết quả của việc bảo vệ luận án của NCS. Các phản biện và quyết định đều được công bố chính thức bằng văn bản. Hội đồng này sẽ họp ít nhất 2 lần: khi NCS trình bày đề cương luận án (proposal) và khi bảo vệ luận án. Trên thực tế GSHD chính là người chỉ đạo tất cả mọi việc và đưa ra những quyết định quan trọng. Trong quá trình làm TS, các GSHD phụ giúp cho NCS giải quyết những vấn đề trong phạm vi chuyên môn của họ và giúp GSHD chính trong việc thẩm định giá trị.

Động cơ thúc đẩy sự thành công

  1. Hội Đồng Sau Đại Học của Bộ môn xem xét tiến độ học tập và nghiên cứu của NCS vào mỗi học kỳ để kịp thời đánh giá và có biện pháp thích hợp giúp NCS vượt qua cản trở nếu có và thúc đẩy NCS làm đúng thời hạn. Mặc dù NCS không phải qua một kỳ thi nào để được nhận vào chương trình nhưng sẽ phải trải qua một kỳ thi Đánh Giá Chất Lượng (Qualify Exam) do Bộ môn tổ chức sau khi đã học xong các môn học trước khi được tiếp tục theo đuổi việc làm luận án TS.
  2. NCS không phải chịu các sức ép về mặt tài chính nên có thể dồn tâm sức vào NCKH và luận án TS.
  3. NCS phải làm báo cáo (miệng và viết) thường xuyên trong nhóm và làm seminar định kỳ, trong Bộ môn về tiến độ nghiên cứu của mình cũng như những tiến bộ của những công trình nghiên cứu liên hệ các nơi khác.
  4. NCS bắt buộc gặp giáo sư hướng dẫn thường xuyên.
  5. NCS được cung cấp điều kiện làm việc tốt (phòng làm việc, máy tính, máy in, tài liệu nghiên cứu và phòng thí nghiệm).
  6. NCS được khuyến khích đi tham dự và trình bày kết quả nghiên cứu của mình trong các hội nghị quốc tế chuyên ngành.
  7. Bộ môn tổ chức seminar để mời các giáo sư nổi tiếng trong ngành đến báo cáo và NCS bắt buộc phải tham dự.
  8. NCS bắt buộc phải đăng báo chuyên ngành những nghiên cứu của mình.
  9. NCS tham gia giảng dạy chỉ 1 môn học trong quá trình học tập để lấy kinh nghiệm.
  10. Trường có những Trung Tâm Cố Vấn để giúp sinh viên vượt qua những khó khăn về học hành, tâm lý và tài chánh. 

Vài đề nghị cho Việt Nam

Đối với chương trình đào tạo TS trong nước

Chính phủ nên:

  1. Đầu tư thật tích cực để thu hút các giáo sư đang ở nước ngoài và có danh tiếng trong việc NCKH và đào tạo TS trở về làm việc trong các đại học bằng cách cho họ:
    1. Lương bổng vượt trội các nơi khác
    2. Được toàn quyền quyết định phương cách hoạt động theo cơ chế minh bạch
    3. Một ngân sách hoạt động rộng rãi
  1. Khuyến khích và tạo cơ hội cho giảng viên đương chức theo học TS bằng cách cho họ:
    1. Được giữ lương bổng hiện tại nhưng không cho phép làm kinh tế để tìm thêm thu nhập
    2. Được tài trợ toàn phần để tham dự hội thảo quốc tế về NCKH
  1. Khuyến khích và tạo cơ hội cho sinh viên cũng như quốc tế (những sinh viên này sẽ tạo hình ảnh tốt của nền giáo dục Việt Nam trên thế giới) theo học TS bằng cách cho họ:
    1. Miễn học phí
    2. Tạo điều kiện ăn ở thuận tiện
  1. Cho học bổng cho những sinh viên xuất sắc hoặc có tiềm năng làm NCKH để theo học TS nhưng không cho họ được làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp bộ và cấp nhà nước,
  1. Tạo quỹ tài trợ cho các giáo sư cũng như NCS trong việc nghiên cứu,
  1. Tạo ra những nhóm Hồ Tư Duy (Think Tank) để vạch ra những đường hướng NCKH có những tầm nhìn xa về tương lai cho đất nước,
  1. Đặt ra quy chế đánh giá minh bạch (peer review) và công tâm để tránh thiên vị (conflict of interest) trong việc lựa chọn những ứng viên của các học bổng cũng như các quỹ tài trợ,
  1. Tạo hạ tầng cơ sở cũng như hệ thống điều hành tốt để hướng dẫn việc đào tạo TS nhưng cho quyền tự chủ trong việc tổ chức đào tạo TS xuống các Bộ môn và GSHD để giảm thiểu các công việc hành chánh nặng nề,
  1. Tạo những thư viện tốt với đầy đủ tài liệu cũng như nhân sự có khả năng hướng dẫn người sử dụng tìm ra những tài liệu cần thiết,
  1. Tạo những trung tâm hỗ trợ học tập và nghiên cứu cho NCS trong việc làm luận án,
  1. Tạo phong trào làm NCKH từ các lớp trung tiểu học bằng cách vinh danh và khen thưởng xứng đáng các trường và cá nhân có thành tích trong việc NCKH,
  1. Tạo những quỹ nghiên cứu hỗ trợ sinh viên bậc đại học cùng làm nghiên cứu với giáo sư của họ,
  1. Tạo những quỹ học bổng sau TS khuyến khích các giảng viên đã có bằng TS làm NCKH ngắn hạn tại các trường hàng đầu thế giới. Những người này sẽ giúp trong việc đào tạo TS sau này,
  1. Tạo những quỹ chuyển giao công nghệ để giúp thành lập công ty khởi nghiệp và vườn ươm,
  1. Bắt buộc các doanh nghiệp hỗ trợ bằng cách:
    1. Họ phải cho phép nhân viên của họ được sử dụng thời gian hành chính để học TS
    2. Nếu công ty họ không có nhân viên theo học TS, họ phải trích ra một khoảng ngân sách hằng năm theo tỷ lệ doanh thu để cho một chương trình đào tạo TS của một trường mà họ được quyền lựa chọn.

Đối với chương trình đào tạo TS ngoài nước

Chính phủ nên:

  1. Thúc đẩy mạnh chương trình đào tạo “Tiền TS” để chuẩn bị ứng viên cho chương trình Đào Tạo Nước Ngoài (Vietnam International Education Development, VIED),
  1. Tạo quy chế và học bổng để thu hút các NCS đang học hoặc đã có bằng TS trở về nước làm nghiên cứu ngắn hay dài hạn,
  1. Khuyến khích NCS đang học ở ngoại quốc đưa GSHD của họ về cùng làm nghiên cứu với các đối tác ở Việt Nam.