Trí thức, doanh nhân kiều bào đóng góp liên tục, bền bỉ

0
37

LTS: Việt Nam có khoảng 4,5 triệu đồng bào đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài; là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của dân tộc. Cùng với nguồn kiều hối hàng năm (năm 2015 đạt 12,25 tỷ USD), một nguồn lực lớn cần phát huy hơn nữa chính là nguồn lực trí thức kiều bào ở các lĩnh vực. Một con số hoan hỉ là tỷ lệ rất lớn – khoảng 10% (hơn 400.000 người) – người Việt Nam ở nước ngoài là các doanh nhân, chuyên gia, trí thức, người có trình độ cao, được đào tạo bài bản tại các nước tiên tiến. Tuy nhiên, thời gian qua, có rất ít trí thức Việt kiều về nước làm việc, kho báu nguồn lực trí thức kiều bào chưa được phát huy đúng tầm. Việc phát huy nguồn lực trí thức, doanh nhân kiều bào đã đặt ra từ hàng chục năm nay, nhưng để tìm được lời giải hiệu quả nhất, vẫn là vấn đề thời sự. Làm thế nào có thể phát huy trí tuệ kiều bào cho các vấn đề phát triển cấp bách cũng như lâu dài, bền vững của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung?

Với kinh nghiệm phần lớn đời người bôn ba ở xứ người, nhiều kiều bào về nước đã mang theo cách làm mới, tạo ra giá trị mới ở nhiều lĩnh vực, đóng góp cho TPHCM, cho đất nước.

“Làm đến khi nào TP không cần tôi nữa!”

Nhận xét về hơn 7 năm về nước làm việc, Giáo sư – Tiến sĩ (GS-TS) Võ Văn Tới (kiều bào Mỹ) sáng bừng lên niềm hạnh phúc xen lẫn ngạc nhiên vô cùng vì “không ngờ mình làm được những chuyện như thế”.

Gần 8 năm trước, GS-TS Võ Văn Tới quyết định về Việt Nam làm việc. Văng vẳng đâu đó lời phủ đầu của bạn bè “về chẳng làm ăn được gì đâu, rồi thui chột thôi”. Sự nhắc nhở của bạn bè không phải không có cơ sở. Ngành kỹ thuật y sinh ở Việt Nam lúc đó gần như là con số 0, nói đến kỹ thuật y sinh, ai cũng lạ lẫm. Chọn mở và làm Trưởng bộ môn Kỹ thuật Y sinh ở Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, GS-TS Võ Văn Tới đã chọn con đường mới hoàn toàn chưa có ai bước chân. Tất nhiên, lời nhắc nhở của bạn bè không ngăn được bước chân người con xa xứ trở về cố hương. Ông muốn được đóng góp cho đất nước mình, một sự đóng góp không chờ đợi ưu đãi gì hết.

GS-TS Võ Văn Tới (bìa phải), Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TPHCM, giới thiệu các thiết bị y sinh với lãnh đạo TPHCM

Với một người đã sống hơn 40 năm ở Thụy Sĩ và Mỹ, lựa chọn quay về của GS-TS Võ Văn Tới bị coi là… ngược đời. Nhưng chính ông lại tìm được nhiều hơn ý nghĩa cuộc sống trong sự “ngược đời” đó, nhận ra nhiều cơ hội để đóng góp cho đất nước đang phát triển. Hơn 7 năm qua, 5 khóa học trò ngành Kỹ thuật Y sinh đã tốt nghiệp; điểm tuyển đầu vào cũng cao dần hàng năm, từ 16/30 điểm, năm nay đã là 22,5/30 điểm. Từ một ngành mới mẻ, không hề có khái niệm trong bản đồ giáo dục Việt Nam, bộ môn Kỹ thuật Y sinh do GS-TS Võ Văn Tới gầy dựng được Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) đánh giá chất lượng đào tạo, cho điểm hạng nhất Việt Nam, hạng nhì ASEAN.

“Không phải đi từ cái không thành cái có mà đi từ cái không đến cái nhất! Sinh viên tốt nghiệp không phải lo gì về đầu ra, vừa ra trường đã có việc làm thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng; không đủ người cung cấp cho các bệnh viện”, GS-TS Võ Văn Tới tự hào. Đặc biệt, sự trở về của GS-TS Võ Văn Tới đã tạo hấp lực giúp bộ môn tập hợp được cả chục thạc sĩ, TS trẻ đã học xong, đang làm việc ở nước ngoài về làm giảng viên.

Sự trở về của TS Nguyễn Quốc Bình (kiều bào Canada) cũng “liều lĩnh” không kém! Trong một dịp hè về nước, gặp gỡ lãnh đạo TPHCM, TS Nguyễn Quốc Bình được chia sẻ ý tưởng TPHCM muốn xây dựng một trung tâm công nghệ sinh học. “Trung tâm được thành lập trên giấy tờ. Lúc đó, chúng tôi không biết vốn liếng thế nào, dự kiến phát triển ra sao?”, TS Nguyễn Quốc Bình nhớ lại chuyện bắt đầu từ một dự án trên giấy và chưa rõ ngày kết thúc của 12 năm về trước.

Sau đó, TS Nguyễn Quốc Bình được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, cùng với TS Dương Hoa Xô, Giám đốc trung tâm thời kỳ đó, hai người bắt tay giúp TP thực hiện dự án với nhiệt huyết cống hiến. Sử dụng kế sách “lên lầu rút thang”, TS Nguyễn Quốc Bình quay lại Canada bán hết nhà cửa, xe cộ rồi trở về Việt Nam. Ông giải thích: “Tôi tự cắt đường lui của mình, dù khó khăn cũng không lui bước, sẽ dốc sức làm việc cho bằng được và chấp nhận ở lại đến khi nào TP không cần tôi nữa”.

Hơn 10 năm đằng đẵng hình thành dự án từ 1 dòng trên giấy, cũng nhiều khi phiền lòng nhưng chưa khi nào ông Bình nản lòng. Việc có lúc chạy nhanh, có lúc chạy chậm, nhưng lúc nào ông cũng có việc để làm. Khi chưa được TP cấp tiền xây dựng theo tiến độ, ông mở lớp đào tạo, tự xin thêm học bổng cho học trò du học. “Mình tự nghĩ ra việc mà làm, chứ ngồi chờ giao việc, chờ điều kiện đủ mới làm thì… phát điên mất!”, TS Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.

Hơn 11 năm bươn chải, giờ đây, trung tâm trở thành một trung tâm công nghệ sinh học lớn nhất Việt Nam, hiện đại không thua các trung tâm trong khu vực. Đặc biệt, trung tâm đã có nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm có giá trị. Sản phẩm nghiên cứu quan trọng nhất là tạo vi khuẩn nhược độc đột biến gen Wzz làm vaccine kháng bệnh gan thận mủ cho cá tra. Vaccine này chỉ cần được ứng dụng thành công, cứu được 50% cá tra đang thất thoát như hiện nay vì bệnh gan thận mủ, thì hiệu quả có thể mang lại khoảng 150 triệu USD/năm giúp ngành công nghiệp nuôi, chế biến cá tra. Nay, TS Nguyễn Quốc Bình đã thôi công tác quản lý mà làm cố vấn khoa học của trung tâm, vẫn dẫn dắt các bạn trẻ trong công tác nghiên cứu khoa học.

Theo TS Nguyễn Quốc Bình, giá trị nhất của trung tâm hiện nay không phải là cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm khu vực mà là con người, là phương cách hoạt động. Từ 2 nhân sự ban đầu, đến nay, trung tâm đã có hơn 80 thạc sĩ, TS (trong tổng số 170 lao động), 80% trong số đó là người dưới 30 tuổi, được đào tạo bài bản ở các nước phát triển. Hầu như mỗi nghiên cứu viên trẻ đều phụ trách ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng. Họ làm việc một cách tự chủ, tự tin, với các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Trang thiết bị có thể lỗi thời, sau 5 năm có thể đã không còn được sử dụng, nhưng con người thì kinh nghiệm, kiến thức ngày càng trau dồi, giá trị ngày càng lớn. TS Nguyễn Quốc Bình đã đào tạo hơn 30 thạc sĩ, TS trong thời gian qua cho Việt Nam.

Niềm vui của kiều bào trong một buổi họp mặt tại TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Miệt mài cống hiến

Theo Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, những năm gần đây, các chính sách về miễn thị thực, Luật Quốc tịch cho phép người Việt Nam mang 2 quốc tịch, Luật Nhà ở cho phép mở rộng đối tượng kiều bào được sở hữu nhà ở trong nước… đã tạo điều kiện giúp kiều bào an tâm về nước sinh sống, làm việc, đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất trên địa bàn TPHCM.

TPHCM đã thu hút được 300 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về hợp tác, làm việc lâu dài. Tiêu biểu như Viện Khoa học và Công nghệ tính toán thuộc Sở Khoa học và Công nghệ đã đi vào hoạt động, với sự tham gia của 10 nhà khoa học kiều bào uy tín là lãnh đạo khoa học chủ chốt của viện; đã và đang thực hiện 14 công trình khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.

Riêng Đại học Quốc gia TPHCM đã hợp tác với hơn 200 trí thức kiều bào như TS Nguyễn Đình Uyên (kiều bào Mỹ), ngành Viễn thông; GS-TS Võ Văn Tới; GS-TS Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật Bản) thiết kế và chế tạo thử nghiệm thành công chip vi xử lý 32 bit mang tên VN1632…

Trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt có sự xuất hiện của các mô hình trí thức kiều bào cũng là doanh nhân, vừa giỏi nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, vừa làm quản lý doanh nghiệp có tiềm năng, nắm chắc thông tin và có quan hệ chặt chẽ với thị trường thế giới. Không hiếm các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thành công ngay trong nước, kết hợp đầu tư với đào tạo, chuyển giao công nghệ cao. Ông Ngô Đức Chí (kiều bào Bỉ) đã vận động Công ty Global Cyber Soft của Mỹ chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin trọn gói và tích hợp hệ thống tại Việt Nam.

Ông Võ Quang Huệ (kiều bào Đức) vận động Công ty Robert Bosch xây dựng nhà máy sản xuất dây chuyền lực biến đổi liên tục (dùng trong hộp số tự động của xe hơi). Ông Thân Trọng Phúc (kiều bào Mỹ) góp phần thuyết phục Intel đầu tư xây dựng nhà máy chế tạo và sản xuất chip bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TPHCM…

Kiều bào tham quan địa đạo Củ Chi

Gần đây, người Việt Nam ở nước ngoài đã có những công trình nhất định ở các lĩnh vực hạ tầng như cầu Phú Mỹ hay đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trung tâm thương mại như công trình Mê Linh Plaza, Vincom… Nhiều doanh nhân kiều bào đã trở thành cổ đông chính trong một số ngân hàng lớn ở Việt Nam như TechcomBank, VIB Bank. Ở lĩnh vực sản xuất, nhà hàng, du lịch, các tên tuổi như Eurowindow, Sun Group, Dalat Edensee Resort… cũng có sự đóng góp của kiều bào.

TPHCM có số người sống ở nước ngoài đông nhất cả nước, khoảng 2,5 triệu người, tập trung tại các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Canada, Australia, Pháp, Đức… Tuy sống xa quê hương, nhưng theo TS Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, sự đóng góp liên tục của kiều bào với TPHCM ở rất nhiều lĩnh vực. Nhất là trong giai đoạn mở cửa, phía sau con số đầu tư nước ngoài (FDI) vào TPHCM, vào Việt Nam luôn luôn có dáng dấp của kiều bào.

“Nhiều công ty nước ngoài không có nhiều thông tin về TPHCM, về Việt Nam. Sở dĩ họ đầu tư vì có mối quan hệ với kiều bào là người có chuyên môn, có khả năng mời về”, TS Lương Bạch Vân nhìn nhận.

Đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài về nước ngày càng nhiều, có khoảng 2.500 doanh nghiệp có vốn của người Việt Nam ở nước ngoài được TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp hơn 45.000 tỷ đồng. Hơn 122 dự án đầu tư nước ngoài có vốn của kiều bào được phép hoạt động theo hình thức đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư trên 260 triệu USD.

Đường Loan