Võ Thị Cẩm Duyên (thứ 2 từ trái qua) cùng các bạn nhận giải thưởng về NCKH của Khoa Kỹ thuật Y sinh.

Tỏa sáng cùng Kỹ thuật Y sinh

Là sinh viên khóa 2016 của Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế (IU) – ĐHQG TPHCM, Võ Thị Cẩm Duyên vừa hoàn thành khóa luận loại xuất sắc và dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm 2021.

Tháng 6 vừa qua, bài báo khoa học “Rapid Detection of Tebuconazole Based on Aptasensor and Aggregation of Silver Nanoparticles” (Tạm dịch: Thiết kế Aptasensor phát hiện nhanh Tebuconazole dựa trên sự kết tụ của các hạt nano bạc) của Duyên (với sự hỗ trợ của TS Trương Phước Long) đã được đăng trên tạp chí “Journal of Nanomaterials” – một trong các tạp chí quốc tế uy tín của ngành Kỹ thuật Y sinh.

Duyên cho biết, Tebuconazole là một hoạt chất diệt nấm được sử dụng trong nông nghiệp, tuy nhiên nó được xem là một chất gây ung thư và có nguy cơ tiềm ẩn gây nguy hiểm cho môi trường. Vì vậy, việc giám sát hoạt chất này trong thực phẩm và trong môi trường đóng một vai trò quan trọng.

Nội dung chính của nghiên cứu này là thiết kế một cảm biến sinh học sử dụng DNA aptamer như một phần tử nhận biết sinh học và các hạt nano bạc như phần tử chuyển đổi để phát hiện nhanh Tebuconazole dựa trên sự kết tụ của các hạt nano bạc. Các hạt nano bạc này một khi kết tụ sẽ thay đổi phổ hấp thụ, từ đó gây ra sự thay đổi màu của dung dịch phản ứng. Phương pháp này cho phép nhận biết kết quả bằng mắt thường trong vòng 20 phút với độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Bước đầu tiếp cận với nghiên cứu khoa học, Duyên đã được học nhiều kiến thức cơ bản về sinh học phân tử, kỹ thuật PCR, kỹ thuât LAMP, các xét nghiệm lâm sàng cũng như kỹ năng làm thí nghiệm và đọc báo khoa học từ thầy Khôn. Các thí nghiệm đầu tiên của Duyên là thực hiện phản ứng PCR để phát hiện kí sinh trùng sốt rét và tối ưu hóa phản ứng LAMP để tránh hiện tượng dương tính giả trong xét nghiệm lâm sàng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, TS Trương Phước Long đã đề xuất cho Duyên làm đề tài “Phương pháp phát hiện nhanh virus” với mong muốn mang lại ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng. Bước đầu Duyên đã tiến hành thiết kế một cảm biến sinh học so màu có thể phát hiện nhanh chủng virus sốt xuất huyết bằng mắt thường dựa trên sự kết tụ của hạt nano vàng. Với kết quả khả quan, đề tài này đã được đánh giá rất cao bởi hội đồng bảo vệ luận văn tốt nghiệp Khoa Kỹ thuật Y sinh năm 2021 với số điểm 98/100. Nghiên cứu này Duyên đang dần hoàn thiện và dự kiến sẽ công bố khoa học trong thời gian sắp tới.

TS Trương Phước Long (GV Khoa Kỹ thuật Y sinh) chia sẻ: “Duyên rất chuyên cần, chăm chỉ trong học tập, đồng thời luôn có tinh thần học hỏi, kiên nhẫn, chủ động và sáng tạo trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, em còn nắm bắt kiến thức, kỹ thuật mới rất nhanh”.

Duyên cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về cảm biến sinh học và các phương pháp phát hiện nhanh virus. Hiện tại việc phát hiện thành công chủng virus sốt xuất huyết đã tạo cơ sở để ứng dụng cảm biến sinh học này trên nhiều chủng virus khác. Ngoài việc công bố khoa học, mong muốn xa hơn nữa là có thể ứng dụng các phương pháp này trong các xét nghiệm lâm sàng.