Giáo sư Việt kiều thành công nhất khi trở về nước

0
51
Giáo sư Võ Văn Tới là một trong những chuyên gia Việt kiều thành công nhất trong số những người trở về nước cho tới nay

Đó là nhận định của PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM khi nói về vị giáo sư có đóng góp là người đầu tiên đưa lĩnh vực Kỹ thuật y sinh về Việt Nam tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập bộ môn Kỹ thuật Y sinh của ĐH Quốc tế vừa qua.

Ông Đạt cho rằng, thầy Võ Văn Tới là tấm gương sáng để các thế hệ học hỏi vì là một người yêu nghề, tâm huyết và tận tuỵ với nghề. Trong suốt những năm qua, thầy tới là một cánh chim đầu đàn, lan toả sự say mệ lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh (KTYS) đến với thế hệ trẻ.

Người đầu tiên đưa kỹ thuật Y sinh về Việt Nam

Từ năm 1968, chàng trai Võ Văn Tới lên đường sang Thụy Sĩ du học với mong ước được làm gì đó cho đất nước. Ở đây, ông lần lượt lấy bằng kỹ sư, tiến sĩ của ngành vi kỹ thuật tại trường ĐH Bách khoa Liên bang Lausanne (Thuỵ Sĩ). Nhận học bổng toàn phần sau tiến sĩ của Chính phủ Thụy Sĩ, ông sang học tại ĐH Harvard và Học viện Kỹ thuật Massachusettes (MIT) của Mỹ.

Sau gần 2 năm học tập, ông được nhận vào làm giáo sư tại Trường ĐH Tufts giảng dạy và là giáo sư người Việt duy nhất làm việc tại một trong những ngôi trường tốt nhất nước Mỹ này.

thầy Tới nhận bằng khen của lãnh đạo ĐHQG TPHCM.JPG
GS.TS Võ Văn Tới – người đầu tiên đưa lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh về đào tạo tại Việt Nam, được nhận bằng khen của Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM

Hơn 40 năm ở xứ người, GS Võ Văn Tới từng được vinh danh nhiều lần trên đất Mỹ với hàng loạt công trình sáng chế về y sinh như máy nhỏ mắt tự động dành cho người bị bệnh khô mắt, máy đo số lượng và vận tốc của bạch huyết cầu trong mắt…Không dừng lại đó, với những đóng góp trong nghiên cứu và giảng dạy GS Tới còn được ĐH Tufts trao giải giáo sư giỏi nhất năm 2004, được Tổng thống Mỹ G.Bush chọn làm giám đốc điều hành Quỹ giáo dục cho Việt Nam (VEF) năm 2007-2009.

Đang được ổn định mọi mặt thế nhưng năm 2009 ông đã có quyết định bất ngờ là về nước, lựa chọn ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) làm bến đỗ, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành Kỹ thuật Y sinh (KTYS)

Vị giáo sư này chia sẻ rằng: “Lúc làm việc ở ĐH Tufls, tôi thấy rất hiếm có sinh viên Việt Nam nào theo lĩnh vực này. Lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh rất quan trọng, các nước trên thế giới đua nhau phát triển trong khi Việt Nam mình hầu như không biết đến. Ngay lập tức tôi quyết định trở về để xây dựng bộ môn này để không quá muộn”.

Từ những ngày đầu khó khăn, đến nay sau 10 năm thì bộ môn KTYS do thầy Tới gầy dựng đã ngày càng phát triển. Tiếp bước, tại đây có 11 giảng viên trình độ tiến sĩ, bác sĩ và dược sĩ… tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng của quốc tế chung tay xây dựng bộ môn. Bộ môn đã xây dựng được 11 phòng thí nghiệm giáo dục và nghiên cứu chuyên ngành gồm nhiều thiết bị hiện đại. Trong đó, bộ môn đã xây dựng được 2 phòng thí nghiệm lâm sàng đặt tại các bệnh viện trong thành phố.

Một điểm nhấn khác, đội ngũ giảng viên của Bộ môn đã đạt nhiều thành tích quan trọng trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu. Có thể nhắc đến như TS Trần Hà Liên Phương, cựu giảng viên của bộ môn đã nhận được giải thưởng Nhà nghiên cứu khoa học tài năng năm 2015 của Quỹ L’Oreal- UNESCO.

giáo sư Tới và sinh viên.jpg
Thầy Tới bên các sinh viên do mình đào tạo về KTYS tại trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM)

Tiếp đó là TS Nguyễn Thị Hiệp, người đạt giải thưởng Nhà nghiên cứu khoa học tài năng năm 2016 của L’Oreal UNESCO, giải Nhất cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN – Mỹ vì có những nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực y sinh. Năm 2018, cô tiếp tục được Quỹ L’Oreal và UNESCO trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới. Với những thành tựu nghiên cứu trong lĩnh vực tái tạo y sinh nói riêng và KTYS nói chung, TS Nguyễn Thị Hiệp được trao trọng trách “gánh vác” tiếp vai trò Trưởng bộ môn thay cho thấy Tới.

Những ấp ủ để thực tế hoá nghiên cứu giúp ích cho xã hội 

Trong 10 năm qua, không chỉ đào tạo mà thầy Tới và các cộng sự đã nghiên cứu ra hàng loạt sản phẩm. Trong đó có thể kể đến như Máy viễn áp giúp bệnh nhân đo huyết áp và nhịp tim tại nhà hay bất cứ nơi nào. Sản phẩm này giúp bác sĩ theo dõi và chuẩn đoán từ xa qua mạng không dây (ADSL, Wifi hoặc 3G).

giáo sư tới hạnh phúc với việc trở về cống hiến.jpg

Hay như Thiết bị điện tim di động gồm: hệ thống đo điện tim cầm tay di động không dây gồm một thiết bị đo điện tim kết hợp với hệ thống truyền nhận dữ liệu qua Bluetooth/Internet. Bệnh nhân mang thiết bị trên người 24/24 và bác sĩ có thể xem tín hiệu điện tim của bệnh nhân qua di động hoặc xem mọi lúc mọi nơi.

Xe lăn thông minh dùng cho người khuyết tật không thể di chuyển và cánh tay quá yêu để sử dụng xe lăn. Xe hoạt động với camera nổi để nhận diện vật cản phía trước và mũ điều khiển để xe chạy theo cử động đầu của người sử dụng.

Nhiều vật liệu y sinh như kem đánh răng tải hạt khoáng nano BCP vừa có khả năng chà rửa các mảng bám trên răng vừa có khả năng tái tạo men răng. Màng kháng khuẩn tái tạo hạt Nano bạc giúp tăng hoạt động kháng khuẩn, kích thích quá trình lành vết thương. Chế tạo lab on a chip để phát hiện vi khuẩn các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết…

Không dừng lại, GS Tới cho biết rằng tầm nhìn sắp tới của ông và đồng sự là kết hợp giữa giáo dục, nghiên cứu và đưa các sản phẩm nghiên cứu hàn lâm ra ngoài thị trường.  Chia sẻ điều này trong lễ kỹ niệm 10 năm thành lập bộ môn KTYS, theo GS Tới “khác với kinh doanh hay khởi nghiệp, điều này phải trải qua nhiều bước mà mục tiêu lớn hơn là mang sản phẩm nghiên cứu phục vụ cho cộng đồng, xã hội”.

Hiện tại, dù không giữ cương vị lãnh đạo bộ môn KTYS mà chuyển sang vai trò cố vấn nhưng GS Võ Văn Tới vẫn tận tuỵ truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ. Ở tuổi hơn 70, ông vẫn nhiệt tình trực tiếp giới thiệu ngành KTYS cho các học sinh biết.

Theo thầy Tới, các học sinh đang bắt đầu hành trình chọn ngành nghề nên phải giới thiệu thật kỹ để các em hiểu để sau này không lãng phí thời gian chọn lại. Trong quá trình tư vấn, ông chỉ ra điểm đặc trưng của ngành so với các ngành liên quan để học sinh hiểu và chọn lựa ngành nghề. Có lẽ với niềm đam mê quá lớn ấy, nên 10 năm trở về nước ông vẫn luôn hạnh phúc cống hiến cho lĩnh vực mà mình đã theo đuổi.

Lê Phương