NGÀNH KỸ THUẬT Y SINH TẠI KHOA KỸ THUẬT Y SINH,

TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ – ĐHQG – HCM

Danh sách các câu hỏi:

Câu 1: Kỹ Thuật Y Sinh là gì?

Câu 2: Nhu cầu của xã hội về kỹ sư KTYS ra sao?

Câu 3: Khối thi/tổ hợp môn và điểm xét tuyển:

Câu 4: Khi theo học ngành Kỹ thuật Y Sinh (KTYS), sinh viên sẽ được đào tạo như thế nào?

Câu 5: Khoa KTYS thu hút rất nhiều sinh viên trong những năm vừa qua. Vậy điểm gì đặc biệt của chương trình đào tạo?

Câu 6: Sự  khác biệt của ngành KTYS tại Khoa KTYS, Trường ĐHQT – ĐHQG – HCM với ngành KTYS ở các trường khác?

Câu 7: Chương trình đào tạo ngành KTYS đạt chuẩn kiểm định AUN-QA (ASEAN) và chuẩn ABET (Hoa Kỳ) thì sinh viên theo học có ưu thế gì?

Câu 8: Vì ngành KTYS còn khá mới tại Việt Nam, vậy cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp như thế nào?

Câu 9: Các định hướng nghiên cứu của ngành KTYS tại trường ĐHQT? Phù hợp với ai?

Câu 10: Định hướng Thiết bị Y tế và Tín hiệu- Hình ảnh Y sinh có sự khác biệt ra sao? Và cụ thể 2 định hướng này là như thế nào?

Câu 11: Định hướng Y học tái tạo cụ thể ở đây là gì? Nếu theo học định hướng này các bạn có cần phải tìm hiểu và giỏi các kiến thức về tế bào gốc, gene, … không?

Câu 12: Định hướng Kỹ thuật Dược cụ thể là gì? Nếu theo học về định hướng này thì các bạn sẽ chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đúng không?

Câu 13: Nhiều bạn vẫn chưa rõ về định hướng Kinh thầu Y sinh, thầy cô có thể chia sẻ cho các bạn định hướng này là gì?

Câu 14: Với việc có nhiều định hướng trong ngành, liệu sinh viên có thể theo học 2-3 định hướng hay chỉ được chọn 1 định hướng thôi?

Câu 15: Với đặc thù là 1 ngành khoa học và còn phải học bằng tiếng Anh hoàn toàn, nhiều bạn sợ rằng với trình độ tiếng Anh của bản thân sẽ không thể theo kịp, Khoa có những giải pháp và lời khuyên thế nào?

Câu 16: Ngành KTYS thiên về hướng kỹ thuật-khoa học sức khỏe, vậy trong quá trình học các bạn sinh có được thực hành hoặc trải nghiệm thực tế nhiều không?

Câu 17: Cơ hội lấy học bổng hoặc đi thực tập ở nước ngoài đối với ngành học này như thế nào?

Câu 1: Kỹ Thuật Y Sinh là gì?

Kỹ thuật Y Sinh (KTYS) là một chuyên môn liên ngành đa lĩnh vực ứng dụng công nghệ tiên tiến như nano, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, mạng kết nối vạn vật, rô bô, … để phát triển những phương pháp nghiên cứu mới và chế tạo ra các thiết bị phù hợp với nhu cầu hiện đại nhằm chẩn đoán, chữa trị và chăm sóc sức khỏe cũng như giúp hiểu biết sâu hơn về các tiến trình sinh học của con người. KTYS kết nối các kỹ thuật truyền thống như: Điện, Điện tử, Viễn thông, Cơ khí, Tin học với các ngành khoa học liên quan đến sự sống và con người như: Sinh học, Hoá sinh, Y – Dược – Nha khoa, và các ngành khoa học cơ bản cũng như ứng dụng khác. Những sản phẩm của ngành KTYS bao gồm máy CT-scan, X-quang, nội soi, bộ phận nhân tạo trong cơ thể, công nghệ vật liệu sinh học, công nghệ tế bào gốc, công nghệ dược học, phòng thí nghiệm trên chip, các bộ kit và thiết bị y tế dùng trong nhà, và chẩn đoán tại chỗ cũng như từ xa. Như vậy, ngành KTYS chủ yếu dùng kỹ thuật để phục vụ an sinh của con người. Chính vì thế ngành KTYS thu hút nhiều sinh viên cả nam lẫn nữ ham thích về cả Kỹ thuật lẫn Y Dược.

Câu 2: Nhu cầu của xã hội về kỹ sư KTYS ra sao?

Nhu cầu của xã hội về kỹ sư KTYS rất lớn ở các nước tiên tiến trên thế giới. Hiện tại, nhu cầu về kỹ sư KTYS càng ngày càng lớn ở Việt Nam. Sinh viên tốt nghiệp ngành KTYS, với kiến thức chuyên môn và vốn tiếng Anh, đều có việc làm ngay khi ra trường trong các công ty thiết bị y tế, các bệnh viện, các công ty dược, viện thẩm mỹ và các đơn vị xét nghiệm hay được học bổng theo học chương trình sau đại học ở các nước như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Hàn quốc, Nhật Bản, …

Câu 3: Khối thi/tổ hợp môn và điểm xét tuyển:

Tính đến thời điểm hiện tại khối thi/tổ hợp môn xét tuyển ngành KTYS tại Trường Đại học Quốc tế (ĐHQT), Đại học Quốc Gia TP. HCM (ĐHQG-HCM) là A00 (Toán – Lý – Hóa), A01 (Toán – Lý – Anh văn), B00 (Toán – Hóa – Sinh), D07 (Toán – Hóa – Anh văn). Điểm xét tuyển thay đổi từng năm, tùy theo theo số lượng và chất lượng của ứng viên năm ấy.

Câu 4: Khi theo học ngành Kỹ thuật Y Sinh (KTYS), sinh viên sẽ được đào tạo như thế nào?

Sinh viên đậu vào ngành KTYS sẽ được khảo sát về trình độ tiếng Anh. Nếu các bạn có chứng chỉ tiếng Anh rồi thì có thể nộp vào mà không cần thi. Dựa vào kết quả các bạn sẽ được sắp lớp theo trình độ tiếng Anh.

  • Trong 2 năm đầu của ngành KTYS các bạn sẽ học chung với nhau trong các môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh văn và các môn cơ bản ngành KTYS.
  • Sang năm 3 các bạn sẽ được chọn chuyên ngành trong các hướng sau: Thiết bị y tế, Xử lý tín hiệu và hình ảnh y sinh, Kỹ thuật Dược, Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, và Kinh thầu Y Sinh. Dĩ nhiên trong 2 năm đầu các bạn sẽ có cơ hội hiểu biết về các hướng này để lựa chọn. Trong năm 3 và 4, các bạn sẽ được học các môn chuyên ngành để giúp các bạn tập trung vào chủ đề chuyên môn để làm luận văn ra trường vào cuối năm 4.

Câu 5: Khoa KTYS thu hút rất nhiều sinh viên trong những năm vừa qua. Vậy điểm gì đặc biệt của chương trình đào tạo?

Điểm đặc biệt của chương trình đào tạo tại Khoa KTYS của Trường ĐHQT – ĐHQG – HCM  là cách học thực tiễn và làm nghiên cứu khoa học. Do đó các bạn có cơ hội trải nghiệm thực tế chứ không “học chay”, các bạn sẽ khám phá các thiết bị y tế bằng cách tự tay tháo ráp chúng và làm thí nghiệm với người sống. Các bạn được trực tiếp làm thí nghiệm trên các vật liệu sinh học giúp chữa lành vết thương, các dược liệu nano hoá, thu nhận tín hiệu sinh học từ não bộ và các cơ quan khác của cơ thể người. Các phòng thí nghiệm mở cửa 24 giờ trên 7 ngày để các bạn có thể làm việc và sáng tạo theo ý thích. Các bạn cũng học cách trình bày trước công chúng, làm việc nhóm cùng các kỹ năng mềm khác. Các bạn được truyền đạt tư duy sáng tạo chứ không đi theo lối mòn và học các phương pháp giải quyết vấn đề chứ không phải học giải đáp bài toán có sẵn. Các bạn cũng sẽ được khuyến khích để phát huy sở thích và hoài bão của mình.

Câu 6: Sự  khác biệt của ngành KTYS tại Khoa KTYS, Trường ĐHQT – ĐHQG – HCM với ngành KTYS ở các trường khác?

  • Được thành lập năm 2009. Trải qua 11 năm hoạt động, Khoa KTYS luôn đi đầu trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực KTYS trong khối ĐHQG-HCM nói riêng và cả nước nói chung.
  • 100% giảng viên cơ hữu đều là tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài với nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy. Sinh viên có cơ hội đồng hành cùng các thầy cô chế tạo thiết bị và làm nghiên cứu khoa học.
  • Các phòng thí nghiệm có những thiết bị tiên tiến, chuyên dụng. Một số thiết bị là duy nhất ở Việt Nam và khu vực. Sinh viên được tự do sử dụng để học hỏi và sáng tạo.
  • Sinh viên ham thích Toán hoặc Lý hoặc Hóa hoặc Công nghệ Thông tin hay Sinh học đều tìm thấy sự phù hợp cho mình với các định hướng đào tạo khác nhau.
  • Khoa KTYS tạo cơ hội cho các bạn trau dồi kiến thức đa dạng và chỉ dẫn để khám phá những ứng dụng cụ thể, từ đó tự tìm ra cảm hứng và tạo động lực cho mình.
  • Khoa KTYS khuyến khích sinh viên đứng ra tổ chức các hoạt động ngoại khóa như làm báo, đi dã ngoại, văn nghệ, tham gia hội nghị quốc tế, làm các công việc thiện nguyện, … Điều này giúp các bạn phát huy sở thích cá nhân của mình, tạo môi trường thân thiện, tạo mối thân tình, học cách tổ chức sự kiện, chỉ huy, … ngoài việc học.
  • Chương trình đào tạo của Khoa KTYS là chương trình đào tạo ngành KTYS duy nhất trong cả nước đã đạt chuẩn kiểm định AUN-QA của đại học trong các nước Đông Nam Á (ASEAN) và đạt chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo khoa học kỹ thuật ABET của Hoa Kỳ.
  • Khoa KTYS là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo từ kỹ sư đến thạc sĩ và tiến sĩ KTYS trong các hướng Thiết bị y tế, Xử lý tín hiệu và hình ảnh y sinh, Kỹ thuật Dược, Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, và Kinh thầu Y Sinh.
  • Phương châm của Khoa: “Chất lượng cao, Bền vững và Hữu ích” tạo thành một văn hóa đặc thù cho các thành viên từ giảng viên, cán bộ đến sinh viên là làm việc hết mình vì cộng đồng.

Câu 7: Chương trình đào tạo ngành KTYS đạt chuẩn kiểm định AUN-QA (ASEAN) và chuẩn ABET (Hoa Kỳ) thì sinh viên theo học có ưu thế gì?

Khoa KTYS không ngừng cải tiến chương trình đào tạo bậc đại học theo nhu cầu của xã hội để đào tạo ra các thế hệ sinh viên vừa có kiến thức thực tiễn, vừa có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng sau khi sinh viên ra trường. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng của chương trình đạo tạo và để đảm bảo các sự thay đổi cải tiến đều là phù hợp cho sinh viên thì Khoa KTYS đã tiến hành kiểm định chương trình đào tạo bậc đại học và đều đạt chuẩn chất lượng của chương trình kiểm định, cụ thể: năm 2015, chương trình đào tạo ngành KTYS của Khoa đã đạt chuẩn kiểm định AUN-QA với điểm số cao nhất Việt Nam và nhì Đông Nam Á; năm 2019, chương trình đào tạo ngành KTYS của Khoa đã đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ và được công nhận trên toàn thế giới.

Những thành tựu này giúp cho sinh viên của Khoa khi tốt nghiệp dễ dàng tìm được những việc làm tốt trong các công ty quốc tế và được nhận vào các chương trình sau đại học của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới.

Câu 8: Vì ngành KTYS còn khá mới tại Việt Nam, vậy cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp như thế nào?

Nhìn chung, cơ hội việc làm cho ngành KTYS rất đa dạng. Với vốn tiếng Anh và kiến thức đa ngành bao trùm Kỹ thuật – Y – Dược, sinh viên Khoa KTYS luôn tìm được việc làm phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp trong các công ty thiết bị y tế, bệnh viện, các viện/trung tâm nghiên cứu, hoặc xin học bổng đi du học tại các nước ở khắp 5 châu lục. Cụ thể Kỹ sư KTYS có thể:

  • Làm việc trong các công ty thiết kế và cung cấp thiết bị y tế, bệnh viện, công ty dược, trường đại học.
  • Trở thành doanh nhân có khả năng đưa ra thị trường những sản phẩm y tế mới.
  • Được giới thiệu các học bổng sau đại học về ngành KTYS ở Việt Nam và nước ngoài.
  • Làm cán bộ nghiên cứu ở các Viện/Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm Y sinh.
  • Tham gia chương trình tích hợp kỹ sư – thạc sĩ KTYS: Trong vòng 5 năm sinh viên có thể lấy được 2 bằng kỹ sư và thạc sĩ ngành KTYS (thay vì 6,5 năm đến 7 năm).
  • Sinh viên có cơ hội xét tuyển vào ngành Y Khoa chất lượng cao của Khoa Y Đại học Quốc Gia TP. HCM.

Câu 9: Các định hướng nghiên cứu của ngành KTYS tại trường ĐHQT? Phù hợp với ai?

Ngành KTYS tại Trường ĐHQT có nhiều định hướng đào tạo khác nhau để sinh viên lựa chọn tuỳ theo thế mạnh và môn học mà sinh viên yêu thích. Cụ thể:

  • Hướng Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, và Hướng Kỹ thuật Dược phù hợp cho các bạn giỏi về Hoá và Sinh học.
  • Hướng Thiết bị Y tế, Hướng Xử lý tín hiệu hình ảnh Y sinh phù hợp với các bạn yêu thích Lý, Điện tử, Công nghệ thông tin.
  • Hướng Kinh thầu dành cho các bạn yêu thích kinh doanh, khởi nghiệp sản phẩm y tế mà mình nghiên cứu.

Câu 10: Định hướng Thiết bị Y tế và Tín hiệu- Hình ảnh Y sinh có sự khác biệt ra sao? Và cụ thể 2 định hướng này là như thế nào?

Sự khác biệt chủ yếu giữa hướng Thiết bị Y tế và hướng Xử lý Tín hiệu và Hình ảnh Y sinh nằm ở chỗ hướng Thiết bị Y tế tập trung nhiều đến thiết kế máy móc thiết bị y tế (phần cứng) và phần mềm phục vụ điều khiển thiết bị y tế, trong khi hướng Xử lý tín hiệu – hình ảnh y sinh tập trung nhiều đến các giải thuật và lập trình xử lý tín hiệu – hình ảnh y sinh (phần mềm).

Cụ thể, theo hướng Thiết bị Y tế, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về: (1) Nguyên tắc hoạt động của các Thiết bị Y tế như máy đo điện tim, máy siêu âm, máy chụp cắt lớp CT, máy đo giấc ngủ…, (2) Ứng dụng của Thiết bị Y tế trong khám bệnh và chữa bệnh, (3) Kiến thức và kỹ năng để có thể nghiên cứu, chế tạo ra các Thiết bị Y tế mới, …

Trong khi đó hướng Xử lý Tín hiệu – Hình ảnh Y Sinh, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng để có thể phát triển ra những giải thuật và phần mềm có khả năng tự động phân tích các tín hiệu và hình ảnh y sinh như tín hiệu điện tim, tín hiệu điện não, hình ảnh X-ray, CT, MRI… nhằm hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Ví dụ như một phần mềm trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện được khối u trong ảnh chụp CT hoặc phát hiện được bệnh mất trí nhớ Alzheimer trong ảnh chụp MRI não.

Câu 11: Định hướng Y học tái tạo cụ thể ở đây là gì? Nếu theo học định hướng này các bạn có cần phải tìm hiểu và giỏi các kiến thức về tế bào gốc, gene, … không?

Y học tái tạo là một trong 5 định hướng đào tạo của Khoa KTYS, nhằm cung cấp kiến thức cơ bản giúp sinh viên hiểu và ứng dụng các phương pháp được học trong chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Đặc biệt, sinh viên sẽ hiểu được các cơ chế tái tạo mô hay các cơ quan khác, hiểu về tế bào gốc từ đó có khả năng xây dựng phương pháp tốt nhất trong chăm sóc sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Với kiến thức được học, sinh viên có khả năng tạo ra các sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp nhằm nâng cao sức khỏe và tính thẩm mỹ cho người sử dụng.

Về cơ hội nghề nghiệp, sinh viên hoàn toàn có khả năng thích ứng làm việc tại các công ty về mỹ phẩm, tư vấn viên cho các spa làm đẹp, làm tư vấn cho bệnh viện về các sản phẩm mới có tính chất tốt trong quá trình điều trị. Đặc biệt, các bạn theo hướng này rất phù hợp để nâng cao và học lên các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Nếu theo học thì các bạn sẽ được trang bị kiến thức, không cần phải chuẩn bị trước về tế bào gốc, gene, …

Câu 12: Định hướng Kỹ thuật Dược cụ thể là gì? Nếu theo học về định hướng này thì các bạn sẽ chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đúng không?

Định hướng Kỹ thuật Dược cụ thể các bạn sẽ được học các kỹ thuật bào chế thuốc truyền thống, quy trình sản xuất thuốc, sử dụng và hiểu nguyên tắc hoạt động của các trang thiết bị trong sản xuất và phân tích thuốc. Ngoài ra, các bạn cũng được tiếp cận kỹ thuật hiện đại trong phát triển thuốc mới như công nghệ nano trong phân phối thuốc nhằm đưa thuốc đến trúng tế bào bệnh mà mình quan tâm, không gây ảnh hưởng hay tác dụng phụ đến các tế bào, cơ quan thường.

Nếu theo học về định hướng này bạn có cơ hội công việc như sau:

  • Nghiên cứu và sản xuất sản phẩm trong công ty dược, hoá dược, các viện phân tích, viện nghiên cứu dược liệu.
  • Kinh doanh các thiết bị, vật tư, hoá chất trong lĩnh vực Dược, Hoá, Sinh.
  • Giám sát, đánh giá quy trình sản xuất dược phẩm.
  • Học liên thông ngành Y tại Khoa Y ĐHQG – HCM, và có thể tiếp tục học trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành KTYS hoặc các ngành liên quan.

Câu 13: Nhiều bạn vẫn chưa rõ về định hướng Kinh thầu Y sinh, thầy cô có thể chia sẻ cho các bạn định hướng này là gì?

Định hướng Kinh thầu Y sinh nhằm vào việc nghiên cứu phương cách tối ưu để đưa sản phẩm hàn lâm ra thị trường cũng như đưa nhu cầu trong xã hội vào các phòng thí nghiệm đại học để tìm giải pháp thích đáng. Sinh viên được học những phương pháp thành lập những công ty khởi nghiệp (Startup) hay những công ty con (Spin-off) và phát triển những phương pháp mới để lãnh đạo và điều khiển công ty thiết bị y tế và bệnh viện. Sinh viên được khuyến khích xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa đại học và công kỹ nghệ trong lĩnh vực thiết bị y tế và ứng dụng kỹ thuật vào việc chăm sóc sức khỏe (còn gọi là “kỹ thuật lâm sàng”). Đây là một hướng mới của Khoa KTYS và đang trong thời kỳ phát triển.

Câu 14: Với việc có nhiều định hướng trong ngành, liệu sinh viên có thể theo học 2-3 định hướng hay chỉ được chọn 1 định hướng thôi?

Hiện tại ngành KTYS có 5 hướng đào tạo chính là: Thiết bị Y tế, Tín hiệu và Hình ảnh Y Sinh, Kỹ thuật Dược, Y học tái tạo và Kinh thầu Y Sinh. Khoa KTYS không giới hạn một sinh viên chỉ được chọn theo học một hướng. Các bạn có thể chọn lựa các hướng phù hợp với bản thân và theo học

Câu 15: Với đặc thù là 1 ngành khoa học và còn phải học bằng tiếng Anh hoàn toàn, nhiều bạn sợ rằng với trình độ tiếng Anh của bản thân sẽ không thể theo kịp, Khoa có những giải pháp và lời khuyên thế nào?

Những sinh viên trúng tuyển vào Trường ĐHQT sẽ tham dự bài kiểm tra Anh văn đầu khóa theo hình thức TOEFL iBT. Kết quả được dùng để phân loại trình độ tiếng Anh của sinh viên. Sinh viên có thể theo học ngay chương trình chính thức hoặc trải qua các lớp học tiếng Anh tăng cường. Đối với những sinh viên đã có chứng chỉ tiếng Anh (TOEFL iBT, IELTS) sẽ được xếp lớp học theo trình độ tương ứng.

Chương trình tiếng Anh tăng cường nhằm giúp sinh viên đủ khả năng và tự tin theo học chính thức. Chương trình được thiết kế thành các cấp độ khác nhau, theo hình thức TOEFL iBT/IELTS, dành cho sinh viên ở mọi trình độ. Bên cạnh đó, sinh viên có thể đăng ký là thành viên của các câu lạc bộ tiếng Anh như English Speaking club để phát triển và hoàn thiện các kỹ năng nghe, nói trước đám đông, thuyết trình. Cho nên các bạn không tự tin về tiếng Anh của mình cũng đừng quan ngại nhé.

Câu 16: Ngành KTYS thiên về hướng kỹ thuật-khoa học sức khỏe, vậy trong quá trình học các bạn sinh có được thực hành hoặc trải nghiệm thực tế nhiều không?

Trải nghiệm thực tế là một phần quan trọng trong quá trình học tập tại Khoa KTYS, giúp sinh viên vừa có cái nhìn thực tế vừa tạo động lực cho việc học lý thuyết. Khoa KTYS luôn tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm thực tế thông qua việc tổ chức các buổi tham quan thực tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế, công ty thiết bị y tế, … Để tốt nghiệp, sinh viên cũng phải trải qua một kỳ thực tập tại các bệnh viện, công ty trong lĩnh vực KTYS. Ngoài ra, Khoa cũng thường xuyên mời các chuyên gia trong lĩnh vực KTYS tới Khoa để chia sẻ kiến thức cho các em sinh viên thông qua các buổi seminar, tọa đàm, workshop, … Mục tiêu là giúp sinh viên không chỉ có lý thuyết vững chắc mà còn có kinh nghiệm thực tế để có cơ hội tìm được việc làm tốt nhất có thể.

Câu 17: Cơ hội lấy học bổng hoặc đi thực tập ở nước ngoài đối với ngành học này như thế nào?

KTYS là một ngành đang rất phát triển trên thế giới. Nhiều viện nghiên cứu, chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, công ty mới…về KTYS được lập ra ở nhiều nước, nhất là những nước phát triển như Mỹ, Canada, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Do đó cơ hội lấy học bổng hoặc đi thực tập ở nước ngoài cho sinh viên tốt nghiệp ngành KTYS là rất lớn. Thực tế cho thấy nhiều cựu sinh viên của Khoa KTYS đã xin được học bổng Tiến sĩ ở các nước hàng đầu về lĩnh vực này như Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc….