Khát khao cống hiến của cựu du học sinh

0
16

Tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Cambridge (Anh), Nguyễn Thị Phương Nghi, 25 tuổi, quay về nước với mong muốn được cống hiến cho ngành Kỹ thuật Y sinh.

Phương Nghi đang là chuyên viên nghiên cứu tại khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP HCM. Đây là nơi nghiên cứu về những giải pháp, những thiết bị có thể cải thiện sức khỏe đời sống của người dân.

Cô tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học trị liệu tại Đại học Cambridge tháng 9/2020, sau một năm nhận học bổng 40.000 USD của ngôi trường tốt thứ hai nước Anh và đứng thứ 7 thế giới này.

Nghi đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ với đề tài thảo luận và đánh giá các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán tác nhân SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh Covid-19. Cô đã so sánh tình hình và các chính sách phòng chống dịch hiệu quả ở Việt Nam với các nước khác trên thế giới, đồng thời tìm hiểu điều gì đã tạo nên sự khác biệt đó.

Phương Nghi tại phòng thí nghiệm Trường Đại học Quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phương Nghi tại phòng thí nghiệm Trường Đại học Quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô vận dụng những kiến thức khoa học cơ bản lẫn trải nghiệm thực tế thu nhận được trong những buổi thảo luận với các nhà nghiên cứu dịch tễ học tham gia quá trình kiểm soát dịch Ebola ở châu Phi, hoặc làm việc ở trung tâm nghiên cứu vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Từng cân nhắc sẽ học tiếp tiến sĩ ở Anh, song cô cho biết: “Tôi muốn trở về để tiếp tục những nghiên cứu còn dang dở từ trước khi sang Anh du học và góp phần vào việc xây dựng ngành Kỹ thuật Y sinh tại Việt Nam. Việc học tiếp có thể trong tương lai gần”.

Ngành học của Nghi, ngoài những kiến thức về khoa học sức khỏe, còn bao gồm các phương cách giúp hỗ trợ quá trình đưa những sản phẩm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vào môi trường thực tế, nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của xã hội. Đây là điều mà nhiều ngành khoa học ở Việt Nam vẫn còn thiếu khi rất nhiều đề tài nghiên cứu chưa thể ứng dụng vào thực tiễn.

“Tôi muốn áp dụng những kiến thức đã học để hỗ trợ cho việc phát triển những sản phẩm mới với giá thành rẻ ở Việt Nam. Mong muốn của tôi là người dân có thể tiếp cận được với những kỹ thuật hiện đại trên thế giới”, Nghi nói.

Mong muốn này có từ hồi cô học tập tại Anh. Ở đây có các loại máy móc hiện đại cũng như quy trình đưa những sản phẩm từ phòng Lab ra thị trường rất bài bản, hay những hỗ trợ về mặt pháp lý và quy trình xét duyệt của nhà nước cũng nhanh chóng và có hệ thống rõ ràng.

Nhờ đó, ngoài việc có cơ hội tìm hiểu thêm về các kỹ thuật chữa bệnh mới đang được áp dụng tại Anh và các quốc gia khác, Nghi còn có thêm những góc nhìn mới cho hướng thương mại hóa các sản phẩm từ phòng Lab và những vấn đề liên quan.

Công trình tiêu biểu nhất của Nghi là khóa luận đại học về keo sinh học làm từ Chitosan (chiết xuất từ vỏ tôm cua) và Hyaluronic acid (thành phần có tại khu vực collagen ở lớp trung bì của làn da, đóng vai trò như nguồn dinh dưỡng chính nuôi lớp màng collagen). Loại keo này đã được chứng minh có khả năng hỗ trợ quá trình lành vết thương, không gây độc tế bào và có thể được sử dụng như một dụng cụ y tế cho các gia đình sơ cứu để cầm máu, chống vi khuẩn.

Nói về dự định trong tương lai gần, Nghi hy vọng có thể hoàn thành được những đề án nghiên cứu có ích cho người dân. Ví dụ như keo sinh học hỗ trợ qúa trình lành thương được làm từ các nguyên vật liệu có sẵn, để giảm thiểu việc nhập khẩu những vật tư y tế đắt đỏ từ nước ngoài.

Phương Nghi hồi học thạc sĩ Đại học Cambridge, năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phương Nghi hồi học thạc sĩ Đại học Cambridge, năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trực tiếp hướng dẫn Phương Nghi học tập, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (Trưởng khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết cô học trò rất có trách nhiệm, cần mẫn và logic khi làm nghiên cứu. Nhờ vào những nỗ lực và cố gắng, Nghi từng được nhiều phòng thí nghiệm uy tín trên thế giới mời làm việc nhưng cô đã chọn quay về để đóng góp những kiến thức của mình. “Phương Nghi là top 5% học trò xuất sắc nhất của tôi”, cô Hiệp nói.

Ngoài keo kháng khuẩn – được xem là giải pháp sơ cứu hữu hiệu cho người sống xa bệnh viện, cô Hiệp chia sẻ về dự định lớn mà cô và các cộng sự, trong đó có Phương Nghi đang theo đuổi đó là loại keo vạn năng có thể tái tạo tế bào nuôi cấy tim, gan, thận…