Blog Trang 12

Nhóm sinh viên Khoa Kỹ thuật Y Sinh nhận được giải thưởng IBRO-APRC Brain Awareness Week Grant 2021

Vừa qua, nhóm các bạn sinh viên thuộc Khoa Kỹ thuật Y sinh bao gồm: Lê Phúc Hoàng Anh, Trần Vũ Quang Thịnh, Cao Hoàng Minh Thiện và Phạm Hoài Bảo đã vinh dự được Tổ chức Nghiên cứu Não bộ Quốc tế (IBRO) trao giải thưởng IBRO-APRC Brain Awareness Week Grant trị giá 1.250 Euro, nhằm tài trợ cho việc tổ chức một sự kiện nâng cao nhận thức về Khoa học Thần kinh cho cộng đồng. 

Dự án của nhóm sẽ hướng đến việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự phát triển của não bộ ở trẻ nhỏ, từ đó góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ em. Sự kiện dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 8/2021.

Chuyển giao công nghệ và bằng cấp sáng chế: Vẫn trên đường xa

Từ góc độ của một nhà khoa học, từng có nhiều sản phẩm thương mại thành công trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh, GS Võ Văn Tới đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Bản tin ĐHQG-HCM xoay quanh chủ đề trên.

* Thưa ông, là nhà khoa học từng làm việc ở môi trường nghiên cứu năng động của nhiều nước trên thế giới, xin ông cho biết việc đăng ký sáng chế, bảo hộ trí tuệ đối với nghiên cứu của các nhà khoa học ở những quốc gia này như thế nào?

– Tôi từng có thời gian học tập và làm việc tại Thụy Sĩ và Mỹ. Ở Thụy Sĩ hoạt động này cũng không rầm rộ lắm, bên Mỹ thì tốt hơn. Theo quan sát của tôi, các nhà khoa học tại những quốc gia này luôn ý thức cao trong vấn đề bảo hộ trí tuệ. Ngoài ra chính phủ của họ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích họ đăng ký bảo hộ trí tuệ. Chẳng hạn chính phủ Mỹ có chính sách dành cho các nhà nghiên cứu trên 65 tuổi được giảm lệ phí, ưu tiên xét nhanh hơn hay chương trình SBIR (Small Business Innovation Research) và STTR (Small Business Technology Transfer). Đây là những chương trình mà hầu như những cơ quan chính phủ liên bang nào cũng có. SBIR là chương trình khuyến khích các nhà khoa học kỹ thuật tự mở công ty khởi nghiệp (start-up), chính phủ sẽ cấp một khoản kinh phí để họ phát triển sản phẩm có thể thương mại hóa được. STTR tài trợ các giảng viên đại học cộng tác với các công ty vừa và nhỏ để phát triển sản phẩm có thể thương mại hóa được. Mặc dù các chương trình này không đề cập vấn đề bảo hộ trí tuệ nhưng nó gián tiếp khuyến khích nhà khoa học khi có ý tưởng sẽ tự phải bảo hộ sản phẩm trí tuệ của mình.

Riêng trải nghiệm của cá nhân, khoảng 20 năm trước, khi làm việc tại Mỹ tôi từng được chương trình SBIR của cơ quan chính phủ – National Eye Institute – cấp 100.000 USD để làm ra sản phẩm. Trong quá trình làm họ không đòi hỏi phải có bằng sáng chế nhưng tự động mình sẽ phải làm để bảo vệ quyền lợi của mình. Muốn làm việc này, tôi tìm đến các chuyên gia hoặc luật sư chuyên về luật sở hữu trí tuệ. Họ rất am tường thị trường. Họ tư vấn tôi để lột tả được điểm mới và cách bảo vệ nó. Sau đó họ sẽ viết, nộp đơn và theo dõi tiến độ. Nếu người xem xét hồ sơ của tôi có phản biện hoặc yêu cầu làm rõ những khía cạnh nào đó, luật sư sẽ cùng thảo luận với tôi giải pháp trước khi họ trả lời. Nếu tôi được cấp bằng sáng chế họ sẽ theo dõi trong suốt thời gian được bảo vệ để giúp tôi trả lệ phí bảo tồn nó cũng như sẵn sàng bảo vệ tôi khi có người xâm phạm quyền lợi hay hỗ trợ tôi khi có người quan tâm muốn thương mại hóa nó. Họ làm việc rất chuyên nghiệp và tận tâm nên các ý tưởng của tôi đều được cấp bằng sáng chế.

* Tiêu chí để chính phủ các nước này cấp kinh phí hỗ trợ nghiên cứu làm ra sản phẩm có thể thương mại hóa là gì, thưa ông?

– Các chương trình SBIR và STTR có 3 pha: pha đầu họ tài trợ cho nhà nghiên cứu để phát triển ý tưởng thành sản phẩm mẫu thử nghiệm, pha hai họ tài trợ để tái thiết kế thành sản phẩm công nghiệp và pha cuối họ không tài trợ nhưng kết nối nhà nghiên cứu với doanh nghiệp có tiếng tăm trong ngành. Để đánh giá những đề xuất, mỗi cơ quan liên hệ thành lập hội đồng và có những tiêu chí riêng biệt nhưng rõ ràng. Tiêu chí đánh giá quan trọng là ý tưởng có khả thi không và sản phẩm tương lai có đáp ứng nhu cầu thực tế không. Nếu sau pha đầu nhà nghiên cứu không làm ra sản phẩm như đã hứa thì họ cũng không đòi tiền lại nhưng dĩ nhiên họ sẽ khó khăn hơn trong việc xét duyệt các đề xuất trong tương lai của nhà nghiên cứu đó.

Thời gian còn theo học ở Thụy Sĩ, sau khi làm ra sản phẩm mẫu từ một ý tưởng mới và thử nghiệm thành công, tôi báo cáo với thầy hướng dẫn của mình, thầy dẫn đến gặp luật sư làm thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ, rồi cử kỹ thuật viên hỗ trợ tôi tái thiết kế ra thành sản phẩm công nghiệp, tìm công ty để sản xuất và đưa nó ra thị trường. Lúc đó vì là sinh viên nên tôi không hiểu rõ chính sách chung ra sao nên không trình bày ở đây. Ở Mỹ, các trường đại học có những chính sách khác nhau. Ở trường tôi làm việc, nếu họ không quan tâm đến kết quả của mình họ sẽ cho phép mình tự do làm gì thì làm với nó. Ngược lại, họ cấp kinh phí để làm thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ, chế tạo sản xuất, thương mại hóa và phân chia lợi nhuận rõ ràng. Thông thường nhà nghiên cứu và phòng lab của người này được hưởng lợi nhuận lớn nhất.

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng, số lượng bằng sáng chế của các nhà khoa học ở Việt Nam còn thấp là do năng lực nghiên cứu chưa tốt. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

– Tôi không đồng ý với ý kiến này. Nhà khoa học có nhiều sáng chế hay không không phản ánh được năng lực nghiên cứu của họ. Mặt khác, sở dĩ nước ta ít sáng chế là do cơ chế khuyến khích nhà khoa học về việc này còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, quy trình cấp sáng chế ở ta đối với các nhà khoa học còn khá xa lạ và mất nhiều thời gian. Khi nhà nghiên cứu nộp đơn để xét cấp sáng chế, thông thường họ không biết lột tả tính mới, đặc sắc của nó và không biết xin bảo hộ những gì; họ mô tả hoặc quá đơn giản hoặc quá cường điệu và mất khoảng ba tháng sau họ mới nhận được phản hồi là bên xét đã nhận được đơn; sau đó mất tiếp khoảng 2-3 năm mới biết được ý tưởng hoặc sản phẩm nghiên cứu của mình có được cấp sáng chế hay không. Nếu không được cấp thì cũng không biết lí giải ra sao. Điều chắc chắn là họ không được gì cả. Trong khi đó, một số tài trợ yêu cầu nhà khoa học viết bài báo về kết quả nghiên cứu rồi đăng trên các tạp chí uy tín để chứng minh năng lực nghiên cứu của mình càng sớm càng tốt. Như vậy đăng bài báo sẽ nhanh và đáp ứng hơn rất nhiều so với làm sáng chế – không những mất nhiều thời gian, tiền bạc mà còn chưa biết kết quả ra sao. Do đó, các nhà khoa học nước ta thường có xu hướng công bố bài báo hơn là xin cấp bằng sáng chế. Thứ 2, chúng ta không có đội ngũ luật sư giỏi, tư vấn chuyên nghiệp từ quá trình xin bằng sáng chế đến chuyển giao công nghệ. Và thứ ba, nhiều doanh nghiệp, công ty ở ta hầu như không quan tâm đến bằng sáng chế hay thiết bị chế tạo từ đại học.

Tôi cho rằng số lượng sáng chế nhiều hay ít tùy thuộc nhiều yếu tố và thực sự không phải là vấn đề tối quan trọng. Vì làm ra nhiều sáng chế mà không cái nào thực thi hóa được thì cũng chẳng để làm gì. Một điểm cần lưu ý là không phải những gì được cấp bằng đều có thể thương mại hóa được và thành công trên thương trường. Do vậy, nếu các nhà lãnh đạo muốn đất nước mình có nhiều bằng sáng chế thì phải tạo ra cơ chế thông thoáng, dễ dàng và hữu hiệu như các nhà xuất bản tạp chí đã tạo ra cơ chế của họ để có nhiều bài báo. Trong khi đó, nếu muốn có bằng sáng chế mà sản phẩm có thể chuyển giao công nghệ và thương mại hóa được thì nên có cơ chế tương tự như SBIR hay STTR nêu trên. Bằng sáng chế sẽ là hệ quả tất yếu.

Trong khi chờ đợi, tôi xin đề xuất một mô hình hàn lâm ta có thể thử nghiệm ngay là tạo ra một hệ thống xuyên suốt trong cơ sở gồm có nhóm nghiên cứu lý thuyết, nhóm kỹ thuật, và nhóm pháp chế – kinh doanh. Họ có quyền quyết định, khả năng, sẵn tiền và tương tác với nhau tốt. Nhóm nghiên cứu khoa học đưa ra yêu cầu về một thiết bị chưa từng có trên thị trường để thử nghiệm một ý tưởng khoa học đột phá. Nhóm kỹ thuật thực hiện sản phẩm mẫu để nhóm này thử nghiệm. Nếu kết quả khoa học tốt, nhóm pháp chế – kinh doanh sẽ nghiên cứu thị trường cho thiết bị này. Nếu kết quả tốt, nhóm sẽ lo các thủ tục pháp lý bảo vệ sở hữu trí tuệ, nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ hay huy động nguồn vốn để thành lập công ty khởi nghiệp, chế tạo sản phẩm, xác định giá bán và đưa sản phẩm ra thị trường. Cùng lúc, nhóm kỹ thuật sẽ lo việc tái thiết kế và tìm cơ sở sản xuất hàng loạt sản phẩm với giá thành hợp lý. Có như thế một ý tưởng khoa học đột phá mới có thể trở thành sản phẩm ngoài thị trường một cách nhanh chóng và bằng sở hữu trí tuệ mới thực sự có hiệu quả kinh tế.

* Theo ông, việc chuyển giao nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước hiện nay đang gặp phải những khó khăn gì?

– Có lẽ khó khăn lớn nhất khi mời gọi doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu trong hàn lâm là vấn đề cơ chế. Thông thường các nhà nghiên cứu được tài trợ bởi các cơ quan nhà nước. Mặc dù đường lối là khuyến khích đưa sản phẩm hàn lâm ra thị trường, kết hợp hàn lâm và doanh nghiệp… nhưng những luật lệ và nghị định thường làm mọi chuyện rất khó khăn nếu không muốn nói là tắc nghẽn. Quan trọng hơn, sản phẩm nước ngoài đã có nhãn hiệu nên bán dễ hơn trong khi sản phẩm nội địa chưa có tên tuổi gì. Ngoài ra, việc mua đi bán lại thiết bị đang dễ dàng và mang lại nhiều lợi nhuận. Do đó việc kêu gọi vốn đầu tư từ doanh nghiệp gần như bất khả. Giải pháp khả thi có lẽ là các nhà khoa học nên hợp tác với doanh nghiệp tư nhân ngay từ đầu để hiểu rõ nhu cầu của họ.

* Không biết ông có câu chuyện hay tâm tư nguyện vọng gì ông muốn chia sẻ về vấn đề này không?

– Để minh họa những gì chúng ta đã trao đổi bên trên, tôi muốn kể một câu chuyện bằng hình dưới đây.

Hồi xưa, khi còn là sinh viên bên Thụy Sĩ, tôi có sáng chế một thiết bị để nghiên cứu về mắt. Hình trên bên trái là sản phẩm mẫu do tôi tự tay làm ra từ mạch điện tử, bộ phận cơ khí, cơ chế vận hành đến bộ phận quang học cùng những gì có sẵn trong phòng lab. Hình bên phải là sản phẩm được công nghiệp hóa và đưa ra thị trường. Tất cả trong vòng 4 năm.

 

 

Năm 2010, khi đang là Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh – Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, tôi cùng các cộng sự thiết kế một thiết bị để đo huyết áp và nhịp tim, và một hệ thống y tế viễn thông. Hình bên trái là sản phẩm mẫu. Hình bên phải là sản phẩm công nghiệp chúng tôi đã thiết kế và sản xuất hàng loạt với sự tài trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, tỉnh Bình Dương. Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh đã thử nghiệm lâm sàng thành công với các thiết bị này trong hệ thống của họ. Thiết bị này đã được một công ty tư nhân quan tâm muốn sản xuất và thương mại hóa nhưng câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ.

Gần đây, một công ty tư nhân công nghệ sinh học đặt hàng cho tôi để giải quyết vấn đề chuẩn bị mẫu sinh học trước khi ly trích DNA, RNA, protein. Thay vì phải nghiền mẫu bằng tay như hiện tại vừa mất thì giờ vừa khó chuẩn hóa (hình trái), tôi đã hướng dẫn sinh viên thiết kế một thiết bị tư động nghiền nhiều mẫu cùng một lúc (hình phải) bằng tiền riêng. Với vai trò là đơn vị hỗ trợ các hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ ĐHQG-HCM đã hỗ trợ đăng ký bằng sáng chế và tư vấn hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa công ty khởi nghiệp của cựu sinh viên Kỹ thuật Y Sinh với công ty này.

TP HCM VINH DANH KIỀU BÀO TIÊU BIỂU

Chiều 20/4/2021, GSTS. Võ Văn Tới (vòng tròn) cùng với 32 kiều bào khác cũng như 17 tập thể đã được Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM vinh danh và tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc hỗ trợ công dân Việt Nam, đầu tư sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, y học, hợp tác giảng dạy, đào tạo và tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội tại TP.HCM nhiều năm liên tục (2018-2020).

 

Ảnh Việt Dũng

Khát khao cống hiến của cựu du học sinh

Tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Cambridge (Anh), Nguyễn Thị Phương Nghi, 25 tuổi, quay về nước với mong muốn được cống hiến cho ngành Kỹ thuật Y sinh.

Phương Nghi đang là chuyên viên nghiên cứu tại khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP HCM. Đây là nơi nghiên cứu về những giải pháp, những thiết bị có thể cải thiện sức khỏe đời sống của người dân.

Cô tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học trị liệu tại Đại học Cambridge tháng 9/2020, sau một năm nhận học bổng 40.000 USD của ngôi trường tốt thứ hai nước Anh và đứng thứ 7 thế giới này.

Nghi đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ với đề tài thảo luận và đánh giá các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán tác nhân SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh Covid-19. Cô đã so sánh tình hình và các chính sách phòng chống dịch hiệu quả ở Việt Nam với các nước khác trên thế giới, đồng thời tìm hiểu điều gì đã tạo nên sự khác biệt đó.

Phương Nghi tại phòng thí nghiệm Trường Đại học Quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phương Nghi tại phòng thí nghiệm Trường Đại học Quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô vận dụng những kiến thức khoa học cơ bản lẫn trải nghiệm thực tế thu nhận được trong những buổi thảo luận với các nhà nghiên cứu dịch tễ học tham gia quá trình kiểm soát dịch Ebola ở châu Phi, hoặc làm việc ở trung tâm nghiên cứu vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Từng cân nhắc sẽ học tiếp tiến sĩ ở Anh, song cô cho biết: “Tôi muốn trở về để tiếp tục những nghiên cứu còn dang dở từ trước khi sang Anh du học và góp phần vào việc xây dựng ngành Kỹ thuật Y sinh tại Việt Nam. Việc học tiếp có thể trong tương lai gần”.

Ngành học của Nghi, ngoài những kiến thức về khoa học sức khỏe, còn bao gồm các phương cách giúp hỗ trợ quá trình đưa những sản phẩm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vào môi trường thực tế, nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của xã hội. Đây là điều mà nhiều ngành khoa học ở Việt Nam vẫn còn thiếu khi rất nhiều đề tài nghiên cứu chưa thể ứng dụng vào thực tiễn.

“Tôi muốn áp dụng những kiến thức đã học để hỗ trợ cho việc phát triển những sản phẩm mới với giá thành rẻ ở Việt Nam. Mong muốn của tôi là người dân có thể tiếp cận được với những kỹ thuật hiện đại trên thế giới”, Nghi nói.

Mong muốn này có từ hồi cô học tập tại Anh. Ở đây có các loại máy móc hiện đại cũng như quy trình đưa những sản phẩm từ phòng Lab ra thị trường rất bài bản, hay những hỗ trợ về mặt pháp lý và quy trình xét duyệt của nhà nước cũng nhanh chóng và có hệ thống rõ ràng.

Nhờ đó, ngoài việc có cơ hội tìm hiểu thêm về các kỹ thuật chữa bệnh mới đang được áp dụng tại Anh và các quốc gia khác, Nghi còn có thêm những góc nhìn mới cho hướng thương mại hóa các sản phẩm từ phòng Lab và những vấn đề liên quan.

Công trình tiêu biểu nhất của Nghi là khóa luận đại học về keo sinh học làm từ Chitosan (chiết xuất từ vỏ tôm cua) và Hyaluronic acid (thành phần có tại khu vực collagen ở lớp trung bì của làn da, đóng vai trò như nguồn dinh dưỡng chính nuôi lớp màng collagen). Loại keo này đã được chứng minh có khả năng hỗ trợ quá trình lành vết thương, không gây độc tế bào và có thể được sử dụng như một dụng cụ y tế cho các gia đình sơ cứu để cầm máu, chống vi khuẩn.

Nói về dự định trong tương lai gần, Nghi hy vọng có thể hoàn thành được những đề án nghiên cứu có ích cho người dân. Ví dụ như keo sinh học hỗ trợ qúa trình lành thương được làm từ các nguyên vật liệu có sẵn, để giảm thiểu việc nhập khẩu những vật tư y tế đắt đỏ từ nước ngoài.

Phương Nghi hồi học thạc sĩ Đại học Cambridge, năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phương Nghi hồi học thạc sĩ Đại học Cambridge, năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trực tiếp hướng dẫn Phương Nghi học tập, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (Trưởng khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết cô học trò rất có trách nhiệm, cần mẫn và logic khi làm nghiên cứu. Nhờ vào những nỗ lực và cố gắng, Nghi từng được nhiều phòng thí nghiệm uy tín trên thế giới mời làm việc nhưng cô đã chọn quay về để đóng góp những kiến thức của mình. “Phương Nghi là top 5% học trò xuất sắc nhất của tôi”, cô Hiệp nói.

Ngoài keo kháng khuẩn – được xem là giải pháp sơ cứu hữu hiệu cho người sống xa bệnh viện, cô Hiệp chia sẻ về dự định lớn mà cô và các cộng sự, trong đó có Phương Nghi đang theo đuổi đó là loại keo vạn năng có thể tái tạo tế bào nuôi cấy tim, gan, thận…

ĐỒNG CHÍ UỶ VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, TRƯỞNG BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG TRẦN TUẤN ANH THAM QUAN KHOA KỸ THUẬT Y SINH, TRƯỜNG ĐHQT – ĐHQG TPHCM

Chiều thứ Bảy, ngày 10/04/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với ĐHQG-HCM, TS. Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS. TS. Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM  và đoàn đại biểu đã đến tham quan Trường Đại học Quốc Tế (ĐHQT) – ĐHQG TPHCM. Khoa Kỹ thuật Y Sinh (KTYS) vinh dự là một trong hai Khoa của Trường ĐHQT được Trưởng ban Kinh tế Trung ương và đoàn đại biểu đến tham quan. Về phía Khoa KTYS có GS.TS Võ Văn Tới – Trợ lý Ban Giám hiệu về Phát triển Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ Sức khoẻ và Sự sống; PGS. TS. Nguyễn Thị Hiệp – Trưởng Khoa; TS. Vòng Bính Long – Phó Khoa và các cán bộ giảng viên cùng tiếp đón đoàn tham quan.

Tại Khoa KTYS, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và đoàn đại biểu đã tham quan, lắng nghe GS.TS Võ Văn Tới và PGS. TS. Nguyễn Thị Hiệp giới thiệu về các sản phẩm mà Cán bộ – Giảng viên và Sinh viên của Khoa KTYS đã tạo ra, trong đó đặc biệt quan tâm tới các loại vật liệu mới mà nhóm Y học tái tạo của Khoa KTYS đã tạo ra như keo sinh học, băng gạc y tế, xương nhân tạo, bột cầm máu, vật liệu kháng khuẩn từ vỏ tôm, vật liệu nano mang thuốc,… cũng như các sản phẩm viễn y phục vụ cho việc phát triển thành phố thông minh như: máy Viễn Áp và hệ thống Viễn Y (telemedicine), … Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đoàn đại biểu đánh giá rất cao các sản phẩm và hy vọng trong tương lai những sản phẩm nghiên cứu của Khoa KTYS sẽ kết nối được với các doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ đưa các sản phẩm này ứng dụng thực tế vào đời sống.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tham quan:

GS.TS Võ Văn Tới giới thiệu với đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương và đoàn đại biểu về 5 hướng nghiên cứu của Khoa KTYS: Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, Thiết bị Y tế, Xử lý tín hiệu và hình ảnh Y Sinh, Kỹ thuật Dược và Kinh thầu Y Sinh.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và đoàn đại biểu rất ấn tượng khi nghe PGS. TS. Nguyễn Thị Hiệp (Trưởng Khoa) giới thiệu về các loại vật liệu mới mà Khoa KTYS đã nghiên cứu và chế tạo thành công. Đồng chí cũng rất trăn trở với những khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp để đưa các loại vật liệu này tới tay người tiêu dùng.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và đoàn đại biểu lắng nghe GS.TS Võ Văn Tới giới thiệu về máy Viễn Áp và hệ thống Viễn Y (telemedicine) của Khoa KTYS.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt trao đổi về Luật Sở hữu trí tuệ và phương cách chuyển giao công nghệ để vượt qua những khó khăn của cơ chế hiện tại nhằm nhanh chóng đưa các sản phẩm của Khoa KTYS vào thị trường”

Nữ tiến sĩ Việt dùng quang học và AI phát hiện ung thư da sớm

Tiến sĩ Phạm Thu Hiền và cộng sự dựa trên kết quả nghiên cứu phân cực ánh sáng rồi ứng dụng AI – mạng tích chập trong xử lý hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán và phân loại ung thư da sớm.

Tốt nghiệp loại giỏi ngành Cơ – điện tử, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, Phạm Thị Thu Hiền giành học bổng sang Đài Loan học bậc thạc sĩ và tiến sĩ (tổng cộng 7 năm) Sau khi lấy bằng tiến sĩ, chị Hiền quay trở về ĐH Bách Khoa dạy Vật lý kỹ thuật Y sinh – Khoa Khoa học ứng dụng trong 2 năm.

Từ năm 2014, chị Hiền về Khoa Kỹ thuật Y sinh tại Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Quốc tế dạy chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh cho sinh viên. Vào năm 2019, TS Hiền được phong hàm Phó Giáo sư.

Tại đây, chị vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Điển hình mới đây nhất, TS Hiền và cộng sự ứng dụng thuật toán học sâu để phát triển phương pháp chẩn đoán và phân loại ung thư da, với độ chính xác đạt 92%.

Nữ tiến sĩ Việt dùng quang học và AI phát hiện ung thư da sớm - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Tiến sĩ Phạm Thu Hiền lấy bằng tiến sĩ tại Đài Loan.

Nữ tiến sĩ 41 tuổi đặc biệt quan tâm đến những kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán ung thư bán tự động và tự động từ hơn 10 năm trước. Năm 2011, khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đài Loan, chị đã nghiên cứu, thiết kế một hệ thống quang học phân cực ánh sáng nhằm thực hiện các thí nghiệm đo lường (mẫu tiểu đường, collagen, mô da) giúp phân loại giữa mẫu mô thường và mô bệnh, cụ thể là tính toán các tính chất quang học của các mẫu y sinh bằng phương trình toán học ma trận Mueller và vector Stokes.

Hệ thống của TS Hiền được đăng ký bản quyền phát minh khoa học tại Đài Loan năm 2011 và Mỹ năm 2012. Dù vậy, chị luôn muốn mở rộng và phát triển phần kỹ thuật để tăng tính ứng dụng trên các mẫu bệnh.

Về nước được sự hỗ trợ từ Khoa Kỹ thuật Y Sinh – Trường ĐH Quốc tế, TS. Hiền từng bước một xây dựng phòng thí nghiệm Medical Photonics, chị và các cộng sự dựa trên kết quả nghiên cứu trước đó để ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) trong xử lý hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán và phân loại ung thư da.

TS Phạm Thu Hiền cho biết: “Về mặt sinh học, tế bào ung thư bắt nguồn từ tế bào bình thường và trải qua quá trình biến đổi trước khi tăng sinh để hình thành khối u ác tính (mô ung thư). Do đó, việc phát hiện sớm sự chuyển đổi của các tế bào và mô sinh lý là tiềm năng cho các can thiệp y tế để ngăn chặn hình thành khối u”.

Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là phát triển kỹ thuật mới phân loại và chẩn đoán ung thư tự động để hạn chế quá trình sinh thiết xâm lấn (thủ thuật hút lấy mẫu bệnh trong cơ thể) khi xét nghiệm lâm sàng thông thường, mà vẫn duy trì độ chính xác, và AI có thể làm được điều đó.

Dữ liệu là phần quan trọng để nâng cao khả năng chính xác của mô hình AI, nên ngay từ công đoạn đầu tiên của nghiên cứu, TS Hiền và cộng sự đã thiết lập ngân hàng dữ liệu bao gồm các mẫu sinh học và hình ảnh của mẫu. Mô bệnh được nhóm thu thập tại một số bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh và cất trữ trong tủ đông -80 độ C.

Nhóm dùng hình ảnh phân cực các thành phần mô (collagen, protein, khối u) trên sự lan truyền của ánh sáng phân cực trong môi trường tán xạ nhân, thay vì dùng hình ảnh kính hiển vi.

“Nhóm mình không thuộc chuyên ngành Công nghệ thông tin, không mạnh viết code cạnh tranh với dân IT nên đi theo hướng dựa vào những gì đã có. Khi đã có hệ thống quang thì mua thêm CCD camera, ống kính khuếch đại.

Nhóm mình cũng xin tài trợ từ các dự án của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted), Đại học Quốc gia và một số quỹ tài trợ khác”, chị Hiền cho biết thêm.

Nữ tiến sĩ Việt dùng quang học và AI phát hiện ung thư da sớm - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Chị Hiền và các sinh viên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Quang tử y sinh.

Để xử lý hình ảnh, TS Hiền và cộng sự xây dựng mô hình học sâu cụ thể là mạng neural tích chập (CNN). Từ việc lập trình thuật toán, mô hình có thể phân tích các đặc tính phân cực để phân biệt mẫu mô thường và mô ung thư. Các đặc tính này bao gồm hiện tượng lưỡng chiết, lưỡng sắc và khử cực của mô.

“Mô hình học sâu dựa trên thuật toán CNN được nhóm phát triển giúp phân loại ung thư từ các hình ảnh phân cực mô bệnh học, giúp chẩn đoán nhanh và ít lỗi hơn”, TS Hiền nói.

Thực hiện chẩn đoán trên mô hình ung thư da của chuột, mẫu mô ung thư da người với độ chính xác của mô hình AI là 92%. TS Hiền cho biết, để nâng cao độ nhạy và chính xác của mô hình, nhóm tiếp tục xây dựng bộ dữ liệu, tiến dần áp dụng đo da không xâm lấn.

Tuy vậy, việc xây dựng ngân hàng dữ liệu có thể gặp hạn chế bởi theo chị, các khối u ung thư có thể đa dạng về chủng loại và cấp độ, trong khi nguồn cung cấp hữu hạn.

Hiện TS Phạm Thị Thu Hiền có một phòng thí nghiệm riêng về quang tử ánh sáng. Chị Hiền làm nhiều đề tài theo hướng quang học.

Ngoài nghiên cứu phát hiện sớm ung thư (ung thư da, ung thư vú …), chị làm thêm về tiểu đường không xâm lấn. Nghĩa là nhóm nghiên cứu thử nghiệm trên chuột gây tiểu đường, rồi dùng phân cực ánh sáng, sử dụng một số vật liệu nhằm tăng tính chất phân cực của tín hiệu, rồi áp trên ven máu của chuột đề đo…

Phương pháp này không xâm lấn nhưng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nên chưa biết chắc kết quả thế nào…

Nữ tiến sĩ Việt dùng quang học và AI phát hiện ung thư da sớm - 3

Nhấn để phóng to ảnh

TS Phạm Thị Thu Hiền (thứ hai từ phải sang) hiện đang nghiên cứu, giảng dạy tại khoa Kỹ thuật y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM.

“Làm nghiên cứu là những giọt mồ hôi nhọc nhằn, có những lần đã lên các bước thí nghiệm chặt chẽ, cụ thể, mô hình chuột cũng đã làm xong nhưng nhiều lần đo mãi mà không thu được kết quả, tín hiệu đo yếu, hình ảnh thu bị mờ, nên cuối cùng phải làm lại từ đầu để tìm chỗ sai”.

Trở về từ nước ngoài, chị Hiền thừa nhận giai đoạn đầu không tránh khỏi khó khăn. “Mọi thứ bắt đầu đi lên từ con số 0. Từ một phòng thí nghiệm bên kia đầy đủ muốn cái gì có cái đấy để làm thí nghiệm thì khi mới về nước mình không có một cái gì hết. Vì thế phải mất vài năm cố gắng từng bước xây dựng phòng thí nghiệm, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu”.

“Lúc đầu mới về chưa có kinh phí nghiên cứu cũng như chưa có ai biết đến mình nên cũng hơi khó khăn nhưng mình cứ kiên trì nộp đề tài, xin dự án tài trợ từng chút một. Chẳng hạn như quỹ Nafosted, bạn có thể không nổi tiếng nhưng toàn bộ nghiên cứu của bạn rất chặt chẽ, đúng quy trình, có minh chứng rõ ràng cụ thể thì xác suất đậu rất cao”.

Công việc nghiên cứu nhiều gian truân và ngốn thời gian nhưng chị Hiền cho rằng, nếu biết linh hoạt một chút để sắp xếp thì không đến nỗi nào”. Có ông xã làm cùng ngành ở trường ĐH Bách khoa nên chị được chồng hiểu, thông cảm và hỗ trợ hết sức.

Nhắn nhủ các bạn trẻ muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, TS Phạm Thị Thu Hiền nói: “Mình cứ cố gắng hết mình. Cứ làm hết sức. Kết quả đạt được có thể tốt hay không tốt nhưng chúng ta sẽ không hối hận vì những gì mình đã cố gắng. Cho dù bất cứ việc gì mình cứ nỗ lực làm hết sức, rồi mình cũng sẽ đạt thành quả mình mong đợi thôi. Không phải lúc này sẽ là lúc khác”.

PGS Nguyễn Thị Hiệp : Mang ý nghĩa của nghiên cứu khoa học vào đời sống

Năm 2019, phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp được bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á, theo tạp chí Asian Scientist của Singapore. Một năm trước, chị nằm trong số 14 nhà khoa học nữ xuất sắc dưới 40 tuổi được trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới 2018, nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L’Oréal và UNESCO.

Một điểm chung trong những công trình nghiên cứu kỹ thuật y sinh của chị, lần lượt được nhận giải thưởng quốc tế từ năm 2016 đến 2019, là có tính ứng dụng cao, đóng góp nổi bật cho cộng đồng: keo kháng khuẩn giúp làm lành vết thương – một giải pháp sơ cứu hữu hiệu cho người sống xa bệnh viện; nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi; giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh… và gần đây là sản phẩm Antiviral colloidal silver có thể phòng nhiễm virus trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hiện được lưu hành trong nội bộ trường.

Gần 10 năm kể từ khi tốt nghiệp tiến sĩ về y học tái tạo ở Hàn Quốc và trở về nước năm 2012, chị có 107 công trình khoa học, khoảng 100 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước, đặc biệt là 4 bằng sáng chế.

Trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt ngày 04/03/2021, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thêm về hành trình từ “ba không” – không tài trợ, không dự án, không máy móc – đến những thành công hiện nay.

*****

RFI : Thưa phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, chị học thạc sĩ rồi tiến sĩ ở Hàn Quốc, đã quen với môi trường nghiên cứu hiện đại, cùng với trang thiết bị tối tân, nhưng rồi chị từ chối một mức lương cao và bảo đảm một cuộc sống ổn định tại Hàn Quốc để về nước giảng dạy từ năm 2012. Lúc đó, chị có thấy mình “liều” khi đưa ra quyết định như vậy không ?

PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp : Đối với tôi, ngày xưa cũng như bây giờ, quyết định đó không có gì là liều lĩnh, mà là một quyết định rõ ràng, có định hướng cho tương lai của tôi.

Đối với tôi, hoặc với bất kỳ người Việt Nam nào khi đi học ở nước ngoài, điều quan trọng nhất là nền tảng gia đình và văn hóa người Việt, thì với tôi, điều cốt lõi đó còn mạnh mẽ hơn, lôi cuốn tôi trở về để được làm việc và sống trong tình thương của gia đình, của hàng xóm, của láng giềng và trong môi trường làm việc trong điều kiện người Việt Nam. Cho nên, ngay cả bây giờ, tôi thấy đó là quyết định rất sáng suốt, không “liều lĩnh”. Tôi nghĩ rằng với khả năng thực sự, thì người Việt khi về nước cũng có khả năng làm tốt như ở nước ngoài, chứ không phải có điều kiện vật chất tốt như nước ngoài thì mới thuận lợi trong làm việc.

Còn về lương bổng bảo đảm điều kiện sống, mỗi người có một nhu cầu cuộc sống khác nhau. Đối với tôi, điều đó không quá quan trọng, nên tôi có thể giảm bớt nhu cầu sinh hoạt cá nhân để có thể làm nghiên cứu, đam mê của mình trong điều kiện ở Việt Nam.

RFI :Chị có một câu nói ấn tượng khi nói về bốn công trình nghiên cứu của chị đăng ký ở Hàn Quốc, đều trở thành tài sản của nước này. Dù thế, vào thời điểm đó, đã có khi nào chị nghĩ rằng nếu tiếp tục ở lại Hàn Quốc, tương lai nghiên cứu khoa học của chị sẽ rộng mở hơn là về nước chưa ? Thực ra đây cũng là trăn trở của rất nhiều du học sinh.

PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp : Thật sự mà nói trong điều kiện tốt hơn thì mình sẽ làm được nghiên cứu tốt hơn. Với những trang thiết bị máy móc tối tân hơn thì mình sẽ ra được những kết quả chính xác, cũng như là là có cái nhìn sâu hơn về khoa học. Tuy nhiên, làm nghiên cứu cũng phải căn cứ vào mục tiêu. Ví dụ những máy móc tối tân đó sẽ giúp mình hiểu sâu về khoa học, nhưng thực sự đời sống cần những sản phẩm khoa học không quá sâu như vậy.

Nghiên cứu khoa học được chia thành hai mảng : nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Khi trở về nước, tôi thấy rằng điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam không bằng ở nước ngoài, đặc biệt là trang thiết bị, nhiều thiết bị không thể nào có ở Việt Nam, cho nên tôi suy nghĩ là nhu cầu ở trong nước đang cần cái gì và đặt mình vào cuộc sống trong một nước đang phát triển, thì làm nghiên cứu khoa học phục vụ cho đời sống người dân trong nước. Điều đó có nghĩa là mình đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Tôi không nghĩ là ở nước ngoài tôi sẽ là tốt hơn như hiện tại bởi vì đôi khi việc nghiên cứu cơ bản ở nước ngoài với những thiết bị tối tân đó, không phải là sở trường của mình, không phải là đam mê của mình. Mà đam mê của mình là làm ra những sản phẩm cho đời sống, không cần quá cao siêu, không cần đến những trang thiết bị quá hiện đại, mà đặt cái tâm của mình vào người dân, họ đang cần gì và mình nghiên cứu để phục vụ đời sống.

Nghiên cứu khoa học phục vụ cho đời sống là một nghiên cứu có ý nghĩa. Như vậy, đối với tôi là thành công, chứ tôi không cảm thấy hối tiếc về quyết định trở về mà không ở lại để được sống trong môi trường nghiên cứu tốt hơn so với ở Việt Nam ngay thời điểm lúc đó.

RFI : Quãng thời gian 5 năm, kể từ khi về nước năm 2012 cho đến những năm 2016-2017 khi các công trình nghiên cứu của chị bắt đầu được công nhận qua nhiều giải thưởng lớn của quốc tế và trong nước, đó có phải là giai đoạn khó khăn đối với chị không ?

PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp : Thật ra mà nói rất là khó khăn, chứ không phải chỉ khó khăn thôi. Nếu mọi người đọc báo thì thấy là khi tôi trở về nước, vào làm việc tại Khoa Kỹ thuật Y sinh hiện tại, trước đó là bộ môn Kỹ thuật Y sinh, lúc đó chuyên ngành khoa học y khoa không hề có trang thiết bị, bộ môn Kỹ thuật Y sinh chỉ phát triển thiết bị y tế.

Tôi trở về làm những thí nghiệm về Khoa học Y khoa đầu tiên và xây dựng bộ môn Y học tái tạo. Tôi là người đặt những viên gạch đầu tiên, nền móng để phát triển hướng y học tái tạo cho Khoa Kỹ thuật Y sinh hiện tại. Như người đi khai hoang, tôi thấy trước mặt mình giống như một vùng đất khô cằn, hoang sơ và tôi nghĩ là có khả năng cải tiến vùng đất đó trở nên đơm hoa kết trái. Có nhiều khi tôi thực sự khóc trước những khó khăn. Tuy nhiên, tôi vẫn cố động viên bản thân là có thể làm được. Và điều đó đã trả lại cho tôi một kết quả tốt sau khoảng thời gian 5 năm, từ ngày về nước.

Về những khó khăn, thực ra mà nói, khi di chuyển từ một môi trường làm việc rất tốt sang môi trường không có gì, tôi nghĩ rằng điều đầu tiên mà nhà khoa học cần phải đối mặt đó là phải vượt qua tâm lý. Nếu như có tâm lý sẵn sàng chiến đấu với khó khăn đó, thì mình sẽ có thêm sức mạnh về tâm lý.

Tâm lý có hai dạng, hoặc làm cho mình trở nên mạnh mẽ hơn, hoặc làm cho mình trở nên yếu đuối hơn. Nếu cứ mang tâm lý kiểu: Điều kiện ở đây không đủ, không thể nào làm việc được, thì điều đó có nghĩa là mình không thể nào làm việc được. Tuy nhiên, nếu mình mang một tâm lý: Ờ, mình phải cải tiến chỗ này, làm việc được ở chỗ này, thì lúc này, mình mang được sức, ngoài sức về thể xác, còn có thêm một sức về tinh thần. Và tôi nghĩ rằng sức về tinh thần này mạnh hơn rất nhiều so với sức về thể xác để giúp mình vượt qua những khó khăn. Mình phải tự chất vấn bản thân về hoàn cảnh làm việc của mình mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng để cải tiến nó. Tôi nghĩ rằng khó khăn sẽ không còn là khó khăn sau một quãng thời gian.

RFI : Có một số bài báo nói là chị là người đi “săn” giải thưởng. Thực ra, trong môi trường nghiên cứu, danh tiếng của một Khoa hoặc một Bộ môn có ý nghĩa rất lớn cho các công trình nghiên cứu sau này. Có phải 5 năm này là giai đoạn chị gây tiếng cho Khoa không ?

PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp : May mắn là khoa Kỹ thuật Y sinh là một khoa nghiên cứu về những cái mới, ứng dụng vào đời sống sức khỏe của con người, vì thế, các cán bộ ở đây làm việc rất hăng say. Ngoài tôi lãnh giải thưởng còn có các thầy cô khác cũng lãnh rất nhiều giải thưởng từ trong nước cho đến quốc tế. Tôi nghĩ rằng điều đó rất thuận lợi cho Khoa và dường như cán bộ ở đây cũng rất năng nổ.

Tôi không phải là một cá nhân được lãnh thưởng từ Khoa. Và tiếng tăm của Khoa không chỉ được xây dựng từ riêng một mình tôi. Tôi nghĩ rằng thành công của Khoa ngày hôm nay là sự đóng góp của rất nhiều thành viên, thầy cô và những người đi trước, cũng như là những người trẻ sau này.

RFI : Những công trình nghiên cứu của chị đều mang ý nghĩa và lợi ích lớn cho cộng đồng. Để có những ý tưởng này, nguồn gốc xuất phát từ đâu ?

PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp : Thường tôi hay lên mạng xem đời sống người dân Việt Nam ở đây ở đó. Sau đó, tôi lấy ý tưởng từ những chuyến đi thực tế, để xem thực tế ở đó có giống như trên mạng không. Rồi từ những thực tế đó, tôi suy nghĩ về cách để cải thiện nó. Có nghĩa là tôi nhìn vào những gì người dân đang phải chịu và những người xung quanh tôi phải chịu đựng, vì bản thân mình làm trong kỹ thuật ngành Y, nên tôi lấy cảm hứng nghiên cứu từ những cảm xúc, đặt mình vào vị trí của người dân không được tiếp cận với ngành y tế hiện đại như những nước phát triển để tôi ra nội dung nghiên cứu.

RFI : Giáo sư Võ Văn Tới là người đặt nền móng cho Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, tiền thân của Khoa Kỹ thuật Y sinh hiện nay. Chị tiếp tục công trình này như thế nào ? Làm thế nào để Khoa được biết đến ở quy mô quốc gia và quốc tế ?

PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp : Khoa Kỹ thuật Y sinh là khoa nghiên cứu về những giải pháp, những phương pháp, những thiết bị để có thể cải thiện sức khỏe đời sống của người dân.

Khoa được thành lập và xây dựng bởi giáo sư Võ Văn Tới, một Việt kiều Mỹ, trở về, đặt tâm huyết xây khoa này cho trường Đại học Quốc Tế tại Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh. Thầy đã tạo ra một nền móng rất tốt để cho những cán bộ trẻ như tôi được cộng tác, được làm việc và phát triển trên đó.

Để phát triển được Khoa Kỹ thuật Y sinh ngang tầm với thế giới, tôi nghĩ rằng ngoài sức trẻ và những nhà nghiên cứu làm việc hăng say như hiện tại, thì cần phải có sự ủng hộ của Nhà nước về cơ chế. Có nghĩa là Nhà nước cung cấp một cơ chế thoáng về tài chính, xây dựng những hướng dẫn rõ ràng về đầu ra của sản phẩm nghiên cứu tại Khoa.

Ví dụ ở nước ngoài, những trung tâm về Kỹ thuật Y sinh như này sẽ được Nhà nước xem xét bằng cách họ đầu tư thẳng một cơ chế cho trung tâm để nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống người dân. Họ sẽ tập trung tài trợ cho những nghiên cứu đó, những sáng chế, những sản phẩm thật, sau đó là giúp cấp giấy tờ, giúp tìm nhà đầu tư để đưa sản phẩm ra thị trường. Tôi hy vọng là Nhà nước tương lai sẽ xem xét chuyện này và hỗ trợ cho Khoa Kỹ thuật Y sinh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, trường Đại học Quốc Tế tại Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh.

PGS. Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hiền dùng hình ảnh phân cực mô bệnh lý để hỗ trợ chuẩn đoán ung thư, Thời sự HTV9, Những “bông hồng thép” tiên phong.

Được phát trong chương trình thời sự HTV9 ngày 8/3/2021, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hiền đã được tôn vinh nhờ những đóng góp của mình cho nền khoa học nước nhà. Kính mời các bạn cùng xem qua đoạn trích video về những nghiên cứu của PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ PHỐI HỢP CÙNG BỆNH VIỆN FV ĐÀO TẠO VỀ THIẾT BỊ Y TẾ

Sáng thứ Bảy ngày 6/3/2021, Khóa đào tạo ngắn hạn “Thiết bị Y tế – Nguyên lý và ứng dụng” (“Medical Instrumentation – From principles to applications”) do trường Đại học Quốc Tế (ĐHQG-HCM) và Bệnh biện FV tổ chức đã chính thức Khai giảng. Đây là một trong một chuỗi hoạt động hợp tác của hai đơn vị sau khi ký kết biên bản hợp tác ngày 11/11/2020.

TS.Ngô Thanh Hoàn, Trưởng Bộ môn Thiết bị Y tế Khoa Kỹ thuật Y sinh trường Đại học Quốc Tế cho biết, khóa học được tổ chức với mục tiêu cung cấp cho học viên những kiến thức nền tảng về nguyên lý và ứng dụng kèm theo một số kinh nghiệm thực tiễn và cơ hội thực hành trên một số thiết bị y tế thông dụng để giúp cho học viên có được hiểu biết và tầm nhìn rõ ràng về chuyên ngành này cũng như giúp các học viên là những người đang công tác trong lĩnh vực này củng cố kiến thức và cập nhật những tiến bộ mới trong lĩnh vực thiết bị y tế.

Các máy sẽ được giới thiệu trong khóa học gồm: Máy theo dõi bệnh nhân, Máy siêu âm, Máy xét nghiệm sinh hóa, Máy chạy thận nhân tạo, Máy gây mê giúp giúp thở… do các giảng viên có trình độ chuyên môn cao của Khoa Kỹ thuật Y sinh trường ĐHQT, các kỹ sư giàu kinh nghiệm của Bệnh viện FV, cũng như đại diện một số hãng thiết bị y tế lớn đến giảng dạy.

Ông Monojit Mitra – Giám đốc Cơ sở vật chất Bệnh viện FV – giới thiệu về
Khóa học trong Lễ Khai giảng

Khóa học với 30 học viên đầu tiên là sinh viên đang theo học các ngành như Kỹ thuật Y sinh, Vật lý Kỹ thuật Y sinh… của các trường Đại học khác nhau và các anh chị đang làm việc trong các công ty về Thiết bi Y tế tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

 

Chị Nguyễn Ngọc Phương Trinh – Kỹ sư ứng dụng lâm sàng của hãng thiết
bị Y tế Philips – giảng giải cho học viên của Khóa học về cách vận hành máy Siêu
âm

Khóa học diễn ra vào thứ Bảy hàng tuần và sẽ kéo dài liên tục 6 tuần tại Bệnh viện FV (Quận 7, TP.HCM).

Khoa Kỹ thuật Y sinh của trường Đại học Quốc Tế được thành lập tháng 3 năm 2009, đào tạo lĩnh vực đa ngành ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào việc tạo ra các phương pháp nghiên cứu và thiết bị y khoa phục vụ cho sức khỏe cũng như giúp hiểu biết sâu hơn về các tiến trình sinh học của con người.

Sau hơn10 năm thành lập, hiện Khoa có 11 giảng viên trình độ Tiến sĩ trở lên, được tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng của nước ngoài. Khoa cũng đã xây dựng được 11 phòng thí nghiệm giáo dục và nghiên cứu chuyên ngành gồm nhiều thiết bị hiện đại. Đặc biệt, Khoa đã xây dựng được 2 phòng thí nghiệm lâm sàng đặt tại các bệnh viện trong thành phố. Chương trình đào tạo của Bộ môn gồm các lĩnh vực như Thiết bị Y tế, Xử lý Tín hiệu và Hình ảnh Y sinh, Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, Kỹ thuật Dược, Kinh thầu trong Y sinh.

Chương trình đào tạo của Khoa Kỹ thuật Y sinh đã đạt chuẩn kiểm định AUN-QA của mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á năm 2015 và chuẩn ABET của Hoa Kỳ năm 2019. Bên cạnh công tác giảng dạy, các giảng viên của Khoa cũng tích cực nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc Gia, NAFOSTED, Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM…